Thứ sáu, 17/05/2024, 08:40 [GMT+7]

Công an Lai Châu: Mạnh tay trấn áp tội phạm buôn bán người

Thứ ba, 24/12/2013 - 15:15'
(BLC) - Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người nhất là phụ nữ và trẻ em ở Lai Châu còn diễn biến phức tạp; tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức chặt chẽ hơn. Chỉ tính riêng năm 2013, Công an tỉnh Lai Châu đã điều tra, khám phá 23 vụ, bắt 38 đối tượng. So với năm 2012 tăng 10 vụ, 18 đối tượng.

Thời điểm cuối năm, dư luận lại tiếp tục “nóng” lên khi lực lượng chức năng Công an Lai Châu liên tiếp phá những đường dây buôn bán người liên tỉnh. Gần đây nhất chỉ trong 20 ngày từ 20/11 đến 11/12/2013, Công an huyện Tam Đường vừa điều tra làm rõ 2 vụ, bắt 3 đối tượng là Giàng A Lừ, 29 tuổi, trú tại xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Vùi Văn Điển, 26 tuổi và Lò Văn Dương 19 tuổi cùng trú tại bản Nà Củng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ về hành vi mua bán trẻ em. Giải cứu thành công được 2 bé gái. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận thông qua việc lấy số điện thoại của các em gái tuổi mới lớn sau đó gọi điện làm quen, sau đó rủ sang Lào Cai chơi và dùng vũ lực khống chế bán 3 phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc…

Một buổi tuyên truyền về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh tại trường THCS xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ.

Theo Đại tá Lê Văn Bảy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu: “Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này không quá phức tạp. Tuy nhiên, đối tượng mà bọn buôn người thường hướng tới lại là những phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế. Từ đó, tiếp cận lôi kéo, dụ dỗ và tạo lòng tin, hứa hẹn giúp tìm việc làm ở vùng biên giới hoặc làm thuê bên Trung Quốc có thu nhập cao rồi thực hiện hành vi lừa bán người”.

Với những thủ đoạn nêu trên cộng với việc người dân không tố giác tội phạm do trình độ nhận thức thấp, do có quan hệ thân tộc với nhau hay đơn giản chỉ vì tâm lý xấu hổ… Chính vì vậy, bọn tội phạm buôn bán người vẫn có đất hoạt động. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện tại toàn tỉnh có khoảng hơn 900 phụ nữ, trẻ em vắng mặt không rõ lý. Trong số đó có 371 trường hợp nghi lấy chồng Trung Quốc.

Về vấn đề này, Trung tá Trần Mạnh Hùng – Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh cho biết: “Tuy thủ đoạn của các đối tượng buôn người sử dụng không mới nhưng số người bị lừa bán vẫn không giảm. Điều này, một phần do lỗi từ chính các nạn nhân. Thực tế cho thấy, hầu hết các nạn nhân thường nhẹ dạ, cả tin, mới chỉ quen biết sơ sơ đối tượng nhưng đã sẵn sàng bỏ nhà đi theo chúng. Không ít trường hợp còn tự nguyện đi theo bọn buôn người sang Trung Quốc để mong có cuộc sống sung sướng hơn.”

Song song với việc triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đấu tranh với loại tội phạm này, Công an tỉnh còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các xã biên giới, tại các trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dạy nghề; đặc biệt hướng tới đối tượng phụ nữ và trẻ em với các buổi tuyên truyền miệng, báo đài, tờ rơi, nói chuyện lên tới hàng nghìn người. Giúp họ nhận thức và hiểu biết sâu sắc về âm mưu, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của hành vi buôn bán người để mọi người, mọi gia đình hiểu và tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh. Chỉ tính riêng năm 2013, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh đã tuyên truyền cho gần 2.000 giáo viên và hơn 5.000 học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, để đấu tranh với tội phạm buôn bán người, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát tuyến biên giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời, thường xuyên tổ chức Hội đàm với Công an châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra, bắt giữ các đối tượng phạm tội.

  Tuy nhiên, để hạn chế vấn nạn này, thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người cũng cần nêu cao cảnh giác và trang bị cho mình kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân.

Văn Thiệp – CA tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...