Thứ sáu, 17/05/2024, 17:11 [GMT+7]

Nhân rộng các mô hình điển hình trong giữ gìn an ninh trật tự

Thứ năm, 13/07/2017 - 15:57'
(BLC) - Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình hiệu quả trong giữ gìn an ninh trật tự những năm qua được tỉnh ta quan tâm triển khai hiệu quả. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi được Đại tá Bùi Gia Lượt – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), lực lượng Công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Các mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển đa dạng, phong phú, thiết thực, có hiệu quả, mang tính xã hội hóa cao, đã huy động được đông đảo các lực lượng tham gia giải quyết, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn xảy ra; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa, được nhân dân ủng hộ và tham gia tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giữ gìn ANTT.

Công an các xã Bản Giang, Hồ Thầu và Tả Lèng của huyện Tam Đường ký kết quy chế phối hợp.

Mô hình "Tái hòa nhập cộng đồng" được xã Mường So (huyện Phong Thổ) triển khai từ năm 2012. Hoạt động của mô hình tập trung vào hai nội dung chủ yếu là công tác quản lý, giáo dục và công tác hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được công an xã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn đến UBND xã trình diện; ký cam kết không vi phạm trở lại, chấp hành tốt các quy định của Tòa án về hình phạt bổ sung và các quy định của địa phương. Đồng thời hướng dẫn làm thủ tục đăng ký lại hộ khẩu thường trú, làm thủ tục cấp CMND, thông qua đó nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng và cả những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của từng người để chủ động áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ vượt qua những mặc cảm của bản thân trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chủ động gặp gỡ các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù, giao trách nhiệm cho gia đình trong phân công công việc, tạo điều kiện cần thiết cũng như kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc tái vi phạm pháp luật. Nhờ đó, hầu hết các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm quản lý, tạo việc làm, vận động anh em, họ hàng hỗ trợ về vốn, con giống để chăn nuôi, trồng trọt. Từ khi thành lập đến nay, đã có 29 người có việc làm; 7 trường hợp được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và quỹ tín dụng; 11 trường hợp được sự hỗ trợ vốn của gia đình và người thân;  bản thân tự phấn đấu cố gắng 10 trường hợp. Hiện nay, 18 người có mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 2 triệu đồng trở lên, đời sống cơ bản ổn định. Nhiều cá nhân như ông Tạ Khắc Tiến ở thôn Tây Sơn kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 10 lao động có thu nhập ổn định; bà Tô Thị Vân ở thôn Tây Nguyên mở cửa hàng dịch vụ ăn uống; bà Vàng Thị Xưởng ở thôn Vàng Bâu nuôi dạy ba con học tập trưởng thành công chức nhà nước, bản thân tích cực tham gia các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nhằm huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, giữ vững ANTT,  những năm qua, mô hình “Phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số “ được triển khai hiệu quả. Mô hình đã phát huy tối đa vai trò của người uy tín trong tham gia cùng lực lượng công an giải quyết các vụ việc tại cơ sở, vận hành, tuân thủ đúng hiến pháp, pháp luật; điển hình như người uy tín tại xã Tà Tổng, Mù Cả (huyện Mường Tè) đã tích cực tham gia tuyên truyền trong nội bộ nhân dân không tin, nghe theo các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, không trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do.Thường xuyên báo tin cho lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn. Qua đó đã ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng di cư tự do vào địa bàn; phá nhổ được trên 58 nghìn m2 diện tích trồng cây thuốc phiện trong niên vụ 2016-2017.

Mô hình “Cụm giáp ranh” đảm bảo ANTT giữa 3 xã: Bản Giang, Hồ Thầu và Tả Lèng của huyện Tam Đường được triển khai năm 2016 cũng là một cách làm hay cần nhân rộng. Theo đó, lực lượng công an các xã tích cực tham mưu xã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phối hợp bám sát cơ sở, chủ động nắm tình hình ở những vùng giáp ranh và kịp thời giải quyết nhanh nhiều vụ việc có liên quan đến ANTT, không để tội phạm trà trộn, ẩn náu gây án. Từ khi thực hiện mô hình đến nay đã tổ chức phối hợp giải quyết dứt điểm 22 vụ có liên quan, tổ chức họp bản tuyên truyền vận động tố giác tội phạm được 12 buổi cho 4.810 lượt hộ gia đình tham gia. Qua đó đã thực sự tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền 3 xã. Đặc biệt là các bản giáp ranh, công tác chăn thả gia súc được chú trọng, không phá hoại hoa màu, tình đoàn kết hữu nghị được tăng cường, không xảy ra xâm canh xâm cư, công tác phối hợp phòng ngừa tội phạm được phát huy hiệu quả, ANTT ở 3 xã luôn được giữ vững.

Trên đây chỉ là 3 trong  32 mô hình tiêu biểu triển khai thực hiện ở 250 điểm; 5.817 tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT với 35.122 thành viên. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng thông qua việc liên kết, phối hợp giữa lực lượng công an với các ngành, đoàn thể để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, như: “Phụ nữ không có chồng con nghiện ma túy” “Giáo dục, quản lý trẻ em hư, người chưa thành niên vi phạm pháp luật”; “Người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng cùng giúp đỡ nhau phát triển” “Xã không có tệ nạn xã hội”....  

Những mô hình này đã và đang góp phần quan trọng đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng. Từ các mô hình, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho chính quyền và lực lượng công an các cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị về ANTT, giúp lực lượng công an các cấp điều tra phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, giữ vững ANTT địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

G.L

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...