Chủ nhật, 19/05/2024, 10:33 [GMT+7]

Quyết tâm đẩy lùi tội phạm mua bán người

Thứ tư, 09/11/2016 - 10:55'
(BLC) – Thời gian qua, ở khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới tỉnh ta tình trạng mua bán người diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự ATXH. Do đó, công tác này đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là lực lượng Công an với quyết tâm đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Công an xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ tuyên truyền đến người dân thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, là tỉnh miền núi, biên giới, Lai Châu có nhiều đường tiểu ngạch, giao thông đi lại chưa thuận lợi, công tác truyền thông tuy được đẩy mạnh song có mặt còn hạn chế; phần lớn phụ nữ nông thôn vùng biên trong độ tuổi lao động không có công việc làm ổn định; trình độ nhận thức chưa cao, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn; cấp ủy, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi còn chưa quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, cá biệt còn có nhận thức công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là của lực lượng Công an cấp trên và Bộ đội Biên phòng, do đó tội phạm mua bán người có lúc có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Công an tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cũng như âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho các tầng lớp Nhân dân. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền vận động, quản lý giáo dục con em tại gia đình, cộng đồng dân cư nâng cao cảnh giác, ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tiếp tay, tham gia hoạt động mua bán người.

Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ,tăng cường bám cơ sở, phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát, chú trọng các đường mòn, tiểu ngạch, lối mở qua biên giới. Quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án tiền sự. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Thường xuyên trao đổi thông tin về nạn nhân  hoặc đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi mua bán người cũng như thông tin về nạn nhân cần giải cứu để đề nghị phía nước bạn Trung Quốc phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng, giải cứu nạn nhân… 

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2011 đến nay các lực lượng chức năng đã phát hiện khởi tố 90 vụ với 145 đối tượng, 144 nạn nhân, giải cứu, trao trả, trở về 106 nạn nhân. Tính riêng từ đầu năm đến nay có 11 vụ, 15 đối tượng, 19 nạn nhân. Điển hình như chuyên án 716M do Công an huyện Sìn Hồ phá ngày 4/8/2016, bắt quả tang 2 đối tượng Nhiệm Hải Chân, 28 tuổi, trú tại Tiểu Tổ, Dân Thôn, Thông Diệp, xã Giả Mế, Huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Lò Thị Hoài, 34 tuổi, trú tại Nậm Pậy, thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ về hành vi mua bán người; giải cứu thành công Lò Thị Lả, 16 tuổi, trú tại bản Nà Sái, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Hoài có thói quen đua đòi, muốn có cuộc sống giàu sang mà không phải vất vả nên bỏ sang Trung Quốc để làm thuê và đã quen Chân cùng gia đình. Bố mẹ Chân bảo về Việt Nam tìm những cô gái trẻ ở vùng sâu, vùng xa, hạn chế hiểu biết để đưa sang Trung Quốc bán sẽ được nhiều tiền. Hứa xin được việc làm ổn định, thu nhập cao, tháng 9/2015, Chân và Hoài đã lừa được Lò Thị Loan sinh năm 1996 trú tại bản Ná Sái, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ đưa sang Trung Quốc bán được 28.000 nhân dân tệ. Với chiêu bài đưa đi gặp chị gái và tìm công việc ổn định mà không vất vả nên ngày 4/8/2016, Chân và Hoài đã lừa đưa em gái Loan là Lò Thị Lả sinh ngày 7/7/2000 trên đường đi sang Trung Quốc bán thì bị tổ công tác Công an huyện Sìn Hồ phát hiện bắt quả tang.

Tìm hiểu về nguyên nhân của các vụ án mua bán người, chúng tôi được Thiếu tá Hà Thái Hoàn – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh cho biết: Thực tiễn cho thấy, tội phạm mua bán người chủ yếu hoạt động ở vùng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có trình độ dân trí thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn và khu vực biên giới. Đối tượng gây án chủ yếu là người dân tộc thiểu số chưa có tiền án, tiền sự, vì hám lợi nên đã cấu kết với các đối tượng ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và đối tượng người Trung Quốc tạo thành đường dây, ổ nhóm lừa đưa phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc.

Các đối tượng trực tiếp tìm đến hoặc qua trang mạng xã hội như facebook, zalo làm quen tán tỉnh phụ nữ đang trong độ tuổi lập gia đình hoặc có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em học nội trú xa nhà thiếu thốn về tình cảm hoặc ham chơi, giả yêu đương, hứa tìm kiếm việc làm, thăm thân, đi chơi, tham quan mua sắm hàng hóa với giá rẻ để bán sang Trung Quốc kết hôn bất hợp pháp, bán vào các tụ điểm mại dâm,…Quá trình làm quen, gây án, các đối tượng thường sử dụng tên, địa chỉ giả; phân vai trò, chia công đoạn, từ lừa, rủ nạn nhân tự đi hoặc thuê người chở đi đến địa điểm ngoài tỉnh hoặc nơi xa xôi, hẻo lánh chúng dùng điện thoại di động để liên lạc nhằm tránh sự phát hiện gia đình, nhân dân, lực lượng chức năng, đồng thời nếu khi bị phát hiện chúng dễ tẩu thoát. Vì thế, nhiều phụ nữ, trẻ em gái vì hám lợi, nhẹ dạ cả tin đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, năm 2016 trong 19 nạn nhân thì có 15 người được giải cứu trao trả hoặc tự trở về nhưng nhiều phụ nữ, trẻ em phải có sự giải thích của lực lượng chức năng mới biết là mình bị lừa bán.

 Theo Đại tá Bùi Xuân Phong – Phó Giám đốc Công an tỉnh thì để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người, thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về mua bán người cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tập trung điều tra cơ bản, nắm tình hình, làm rõ những vụ án đã xảy ra; mở các đợt cao điểm phòng chống tội phạm mua bán người. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với các chương trình, phong trào đang thực hiện tại địa phương như phong trào “xóa đói giảm nghèo”,  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, đảm bảo ANTT, nhất là ở vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS, từ đó phát huy tinh thần chủ động, tham gia đấu tranh, tố giác của người dân đối với tội phạm buôn bán người. Phối hợp với Ngành lao động, thương binh xã hội làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đối với các xã biên giới, cần phối hợp chặt chẽ với các đồn, trạm lực lượng biên phòng quản lý chặt chẽ tuyến biên giới, giải cứu, tiếp nhận, bàn giao nạn nhân. Đặc biệt là, tiếp tục giúp đỡ Đảng bộ các xã củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo ANTT ở cơ sở đối với các xã trọng điểm phức tạp về ANTT, các xã biên giới, vùng sâu, xa còn gặp nhiều khó khăn theo Kế hoạch số 934/KH-CAT-PV28, ngày 16/03/2015 về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự cơ sở năm 2015.

Đức Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...