Thứ ba, 14/05/2024, 19:11 [GMT+7]

Đưa công tác tuyên truyền miệng thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ tỉnh

Thứ hai, 24/07/2017 - 16:00'
Nâng cao tính định hướng, tính thời sự, sức hấp dẫn, đưa công tác tuyên truyền miệng thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Giàng Páo Mỷ - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực

Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi ý kiến với phụ nữ.

Công tác tuyên truyền miệng (TTM) và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) được coi là kênh thông tin chính thống, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, thông báo, định hướng kịp thời các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, các vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; là công cụ sắc bén trong đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển.

Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong 10 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng; nhận thức của cấp uỷ, cán bộ, đảng viên có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tuyên truyền miệng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, cải thiện được tính chiến đấu, tính định hướng, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin, internet và các trang mạng xã hội; nội dung tuyên truyền có nhiều đổi mới, cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn và trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên được củng cố và phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, trở thành lực lượng chủ lực trong công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ và ngày càng có những đóng góp tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng.

Có thể khẳng định, kết quả của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và kém phát triển, cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, từng bước trở thành tỉnh trung bình trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn có những hạn chế: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác tuyên truyền miệng, phương thức thông tin tuyên truyền ít chú trọng đến trao đổi, đối thoại; cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho công tác tuyên truyền miệng ở một số nơi chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ; việc cung cấp những thông tin mang tính chính thống, có tính thời sự, tính định hướng, tính chiến đấu về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các vấn đề xã hội nổi cộm có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, thiếu chủ động,... Nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tuy đã được quan tâm đổi mới nhưng hiệu quả chưa thực sự rõ nét, nhất là ở cơ sở; một số báo cáo viên thiếu tính chủ động, nhạy bén, tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và trước tình hình thời sự, chính trị quốc tế, trong nước, thiếu khả năng phân tích, dự báo những vấn đề nảy sinh, chưa bám sát thực tiễn để kịp thời luận giải, định hướng tư tưởng, tâm trạng xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng lớn và trình độ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, một số báo cáo viên chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc, chưa đầu tư nghiên cứu sâu nên hiệu quả, chất lượng nội dung tuyên truyền chưa cao.

Trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, cán bộ, đảng viên, nhân dân đang từng ngày, thậm chí từng giờ chịu sự tác động rất nhiều chiều của thông tin, từ thông tin chính thống, có định hướng của Đảng cho tới những thông tin chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá cách mạng nước ta. Cùng với đó là sự quyết liệt của các thế lực thù địch trong thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đòi hỏi phải có sự định hướng tư tưởng trong Đảng, trong xã hội một cách kịp thời nhất. Do đó, đòi hỏi công tác tuyên truyền miệng phải trở thành phương thức, công cụ sắc bén, hiệu quả nhất trong công tác tư tưởng của Đảng. Để tiếp tục phát huy những lợi thế của tuyên truyền miệng, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới, cấp uỷ, chính quyền, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng về công tác tư tưởng nói chung, hoạt động tuyên truyền miệng nói riêng. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng cũng như trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong công tác này. Coi đây là một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trong đó, đồng chí bí thư cấp uỷ, người đứng đầu chính quyền các cấp phải thực sự là báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ lực của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Hai là, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động tuyên truyền miệng, nhất là hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Tập trung khắc phục tình trạng thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều. Cần thực hiện thường xuyên, thành nền nếp phương châm: thông tin hai chiều, kích thích tư duy, tạo không khí hứng thú, đồng cảm và tăng cường đối thoại giữa báo cáo viên với người nghe và hướng mạnh về cơ sở. Phương pháp tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các đối tượng có tính đặc thù và đang có dấu hiệu nằm ngoài sự tác động của công tác tư tưởng, chịu sự tác động mạnh mẽ của thông tin đa chiều trên mạng xã hội, như: thanh niên, sinh viên, trí thức, hay những đối tượng thiếu thông tin và dễ bị lợi dung như: Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số…

Nội dung thông tin tuyên truyền cần phải thường xuyên, kịp thời, chính xác và có chọn lọc theo đúng với định hướng; đa dạng, phong phú, cơ cấu thông tin hợp lý, có nhiều thông tin chuyên đề trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại, an ninh - quốc phòng...Nội dung và công tác tuyên truyền cần mang tính thời sự, giàu sức thuyết phục, liên quan thiết thực đến thực tiễn, những vấn đề Nhân dân quan tâm; có tính chiến đấu sắc bén, đấu tranh phản bác các nội dung thông tin, quan điểm sai trái, thù địch.

Ba là, chú trọng việc cung cấp tài liệu tuyên truyền, thông tin định hướng nhanh nhạy, kịp thời hơn nữa. Tham mưu làm tốt công tác biên tập, phát hành, sử dụng bản tin nội bộ và các loại bản tin tổng hợp bảo đảm tính thời sự, tính khoa học, tính luận giải. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ để cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên. Hằng năm phối hợp với các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan điều tra dư luận xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; từ đó có thông tin khoa học, chính xác nhằm tham mưu, định hướng tuyên truyền "trúng" và "đúng".

Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động tuyên truyền miệng, nhất là hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp.

Bốn là, thực hiện tốt cơ chế chính sách, quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, đặc biệt, chú trọng đến đội ngũ báo cáo viên trẻ, có năng lực, phẩm chất chính trị. Chọn lựa các đồng chí có tầm, có kinh nghiệm, có trình độ, bản lĩnh chính trị, có khả năng phân tích, tổng hợp, nhạy bén với thực tiễn, chủ động cập nhật tìm tòi những thông tin mới, đa chiều, thậm chí các thông tin của các thế lực thù địch, để hiểu rõ chúng chống ta cái gì, vấn đề gì và từ đó có luận cứ phản bác thuyết phục....Bên cạnh đó, không quá đặt nặng cơ cấu theo chức vụ, lĩnh vực, ngành nghề công tác.

Năm là, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động trong việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền. Thực sự trở thành cầu nối quan trọng, nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, đưa chủ trương, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời, kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Báo cáo viên cần thường xuyên thâm nhập thực tế, nắm chắc tình hình, từ đó rút được những kinh nghiệm để xác định đúng nội dung và phương thức tuyên truyền, đồng thời tìm được cách làm sáng tạo, đột phá để nâng cao tính định hướng, thuyết phục trong quá trình tuyên truyền, góp phần giải quyết tốt các vấn đề vướng mắc, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Quán triệt phương châm "Toàn Đảng làm công tác tư tưởng", "Công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ của toàn Đảng", vì vậy các cấp uỷ, đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng. Đưa công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Giàng Páo Mỷ - Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...