Thứ ba, 14/05/2024, 01:39 [GMT+7]

Đại tướng Văn Tiến Dũng, chiến sĩ cách mạng kiên trung, người chỉ huy quân sự chiến lược của quân đội

Thứ năm, 27/04/2017 - 10:26'
Bài 1: Người đảng viên kiên trung

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng (2-5-1917/ 2-5-2017), Báo QĐND Online trân trọng giới thiệu loạt bài: Đại tướng Văn Tiến Dũng, chiến sĩ cách mạng kiên trung, người chỉ huy quân sự chiến lược của quân đội”. Những thông tin trong bài viết thêm khẳng định công lao, đóng góp lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo.

Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh là Lê Hoài), sinh ngày 2-5-1917, tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Nhà nghèo, mẹ mất sớm nên ngay từ lúc còn nhỏ, Văn Tiến Dũng đã phải theo cha ra Hà Nội kiếm sống cho đến tận năm 13 tuổi mới trở về quê đi học. Năm 15 tuổi, người cha đột ngột qua đời, Văn Tiến Dũng đành phải bỏ học, ở nhà phụ giúp người anh làm nghề thợ may. Năm 17 tuổi, Văn Tiến Dũng ra Hà Nội làm thuê cho một số xưởng dệt, hằng ngày phải làm việc cực nhọc từ 10 đến 12 giờ, kể cả Chủ nhật. Chính trong những ngày tháng gian lao này, Văn Tiến Dũng được giác ngộ và đi theo con đường cách mạng.

Năm 1936, Văn Tiến Dũng tham gia phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Tháng 12-1936, đồng chí tổ chức cuộc bãi công đầu tiên của công nhân xưởng dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông, Hà Nội, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện sinh hoạt cho công nhân. Tháng 11-1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ ngành thợ dệt Hà Nội. Năm 1939, đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội.

 

 Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu.

Tháng 7-1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, song vì không có chứng cứ, sau ba ngày, chúng buộc phải trả tự do. Ra hoạt động công khai giữa lòng địch, hai tháng sau (cuối tháng 9-1939), đồng chí bị bắt lần thứ hai và bị kết án hai năm tù. Tháng 11 năm đó, đồng chí cùng một số chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, đồng chí tham gia Chi ủy của Chi bộ Đảng nhà tù. Tháng 9-1941, trên đường bị địch áp giải từ nhà tủ Sơn La về Hà Nội để đưa vào trại tập trung, đồng chí đã trốn thoát và tìm được tổ chức của Đảng ở Hà Nội, nhưng sau đó lại bị mất liên lạc với Đảng.

 

Không trở về quê vì đang bị thực dân Pháp truy lùng, đồng chí đã tự hoạt động gây cơ sở cách mạng ở vùng Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và chờ dịp bắt liên lạc với Trung ương Đảng. Trong thời gian này, đồng chí vừa làm thuê, vừa khéo léo tuyên truyền và giác ngộ được nhiều thanh niên tham gia cách mạng. Do bị mật thám để ý, đồng chí đã tạm thời đi tu tại chùa Bột Xuyên (thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Đông) nhằm che mắt mật thám, tiếp tục bám cơ sở để tuyên truyền cách mạng,

Tháng 3-1943, đồng chí bắt liên lạc được với Đảng và được chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông.

Tháng 6-1943, đồng chí được chỉ định tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ; cuối năm 1943 tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 1-1944 được điều về làm Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh; tháng 3-1944 được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Sau khi kết thúc một khóa học về quân sự tại An toàn khu, tháng 8-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba. Không chịu khuất phuc trước cảnh giam cầm, đồng chí quyết tâm tổ chức vượt ngục. Đêm 26 rạng ngày 27-12-1944, đồng chí đã vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động. Chỉ ít ngày sau, tháng 1-1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Tháng 4-1945, đồng chí được Trung ương Đảng cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (còn gọi là Bộ Tư lệnh miền Bắc Đông Dương), hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Đảng, được phân công tổ chức Chiến khu Quang Trung (gồm các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) và kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh trên.

Sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 11-1945, đồng chí được giao nhiệm vụ lập Chiến khu 2 (gồm 8 tỉnh phía Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ), làm Chính ủy Chiến khu, tham gia Quân ủy Trung ương.

Tháng 11-1946, đồng chí được cử làm Phó cục trưởng phụ trách Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; tháng 2-1947 là Cục trưởng Cục Chính trị.

Tháng 1-1948, đồng chí được phòng quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 10-1949, đồng chí được điều làm Chính ủy Liên khu 3, sau đó kiêm Tư lệnh Liên khu (cuối 1950), tham gia Thường vụ Khu ủy Liên khu 3.

Tháng 1-1951, đồng chí được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh cử ra thành lập và làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), hoạt động trong vùng địch kiểm soát ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong 34 tháng sống, chiến đấu ở vùng đất này, đồng chí đã chỉ huy Đại đoàn 320 thực hiện 8 chiến dịch, làm thay đổi cục diện ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 11-1953, sau khi kết thúc chiến dịch phản công liên tiếp của quân và dân ta đánh bại cuộc hành quân Hải Âu của quân đội Pháp đánh ra Tây Nam Ninh Bình, đồng chí được điều về Việt Bắc nhận chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Đồng chí giữ chức Tổng Tham mưu trưởng cho đến tháng 5-1978.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5-1954, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành hiệp định Giơnevơ về Việt Nam.

Tháng 8-1959, đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức huấn luyện, bảo đảm hậu cần và hoạt động của lực lượng vũ trang cả nước giành thắng lợi; đặc biệt, đã chỉ đạo lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ra miền Bắc Việt Nam mà đỉnh cao là chiến thắng 12 ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972) ở Hà Nội, Hải Phòng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975) và là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng tháng 4-1974.

Tháng 5-1978, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương.

Tháng 2-1980, đồng chí được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến năm 1986.

Từ 1985 đến 1986, đồng chí là Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (2-1951), Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa III (3-1960), Ủy viên Bộ Chính trị (3-1972).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12-1976) và lần thứ V (3-1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công phụ trách chỉ đạo công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự.

Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng từ khóa II (1960) đến khóa VII (1981 - 1986).

Với công lao và thành tích hoạt động cách mạng, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng (1995), Huân chương Hồ Chí Minh (1979), nhiều huân chương cao quý khác, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và một số huân chương cao quý do các nước bạn tặng.

Ngày 17-3-2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

(Còn nữa)

Theo PV/QĐND Online – 21/04/2017 09:58

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...