Thứ hai, 13/05/2024, 22:44 [GMT+7]

Bài 2: Đại tướng Văn Tiến Dũng, học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ năm, 27/04/2017 - 10:29'
Sống trong sự kìm kẹp của xã hội thực dân, phong kiến lại sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng từ phong trào đấu tranh của công nhân, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã gửi chọn niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng và trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 19 tuổi, khi còn là người thợ dệt làm thuê ở Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia đấu tranh và hoạt động rất hãng hái trong phong trào dân chủ do Đảng ta phát động, trước hết để chống thực dân Pháp và đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống người lao động. Trong vòng 5 năm (từ 1939 đến 1945), đồng chí đã ba lần bị thực dân Pháp bắt giam. Bi giam cầm trong nhà tù thực dân, đồng chí đã luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, tỏ rõ ý chí kiên cường bất khuất, không chịu khuất phục trước sự tra tấn dã man của kẻ thù.

Lần thứ nhất, đồng chí Văn Tiến Dũng và một số cán bộ của Đảng ta bị thực dân Pháp bắt giam và quy tội “làm rối trật tự trị an”. Tuỵ nhiên, đồng chí cùng các chiến sĩ cách mạng đã kiên quyết đấu tranh phản đối sự bắt giam vô lý này, buộc chúng phải trả tự do sau ba ngày bắt giữ.

Thời gian sau đó, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thay đổi phương thức lãnh đạo; để tránh tổn thất, hầu hết cán bộ đều phải rút vào hoạt động bí mật. Riêng đồng chí Văn Tiến Dũng và một số ít cán bộ nhận nhiệm vụ ở lại Hà Nội hoạt động công khai để tiếp tục duy trì, gây dựng phong trào. Đây là những ngày tháng hoạt động rất khó khăn đối với đồng chí Văn Tiến Dũng. Đồng chí bị bọn mật thám Pháp bám sát, theo dõi ngày đêm, trong khi các đồng chí lớn tuổi dày dạn kinh nghiệm, những người cộng tác chặt chẽ với đồng chí trước đây, cả những cốt cán sôi nổi của phong trào đã rút vào hoạt động bí mật và phân tán xa gần hết. Trong hoàn cảnh ấy, đồng chí vẫn tự nhủ mình: “Sẽ làm hết sức để xứng đáng với tất cả đồng chí thân yêu, với tất cả những gì mà Đảng đã tin cậy đặt ở nơi mình cùng những đồng chí khác có nhiệm vụ ở lại tiếp tục nắm phong trào” (1).

 

 Đại tướng Văn Tiến Dũng (tháng 7-1954). Ảnh: tư liệu/flickriver.com.

 

Lần thứ hai, đồng chí Văn Tiến Dũng bị mật thám Pháp bắt tại trụ sở cách mạng ở phố Hàng Gà, chúng lục soát và tìm thấy một số tài liệu mật của Đảng. Đồng chí bị bọn chúng tra tấn dã man hòng khai thác triệt để những thông tin về cơ sở cách mạng và các đồng chí của ta, nhưng chúng đành bất lực trước người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi kiên trung. Tại phiên tòa xử kín Văn Tiến Dũng cùng một số chiến sĩ cộng sản, đồng chí bị chúng luận tội tụ tập và lợi dụng các tổ chức thợ thuyền để gây rối loạn, tuyên truyền cộng sản làm mất trị an; đồng chí đã thẳng thừng bác lại lời luận tội của bọn chúng và lên án thực dân Pháp, đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống cơ cực của người lao động. Cuối cùng, chúng tuyên án đồng chí hai năm về “tội” tàng trữ tài liệu, sách báo, tuyên truyền các khẩu hiệu của Đệ tam quốc tế và gây rối trị an. Hơn hai tháng sau, đồng chí bị đày đi nhà tù Sơn La. Trước mặt là những năm tháng gian khổ, hy sinh, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần và thầm tự nhủ: “Dù hai năm hoặc lâu hơn thế nữa, nhà tù đế quốc đâu đã dễ giam cầm hoặc thủ tiêu được ý chí và tâm hồn của những người cộng sản” (2). Những ngày bị tù đày, bị tra tấn, đồng chí luôn vững vàng một niềm tin với Đảng, với thắng lợi của cách mạng và quyết tâm biến những ngày bị giam cầm thành những ngày rèn luyện và đấu tranh.

Lần thứ ba, khi đang trên đường về cơ sở của ta ở Tiên Du (Bắc Ninh) sau cuộc họp với cán bộ xã Dương Quang (Gia Lâm), đồng chí Văn Tiến Dũng (lúc này là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) bị bọn tay sai của thực dân Pháp bắt, giải lên dinh Tổng đốc Bắc Ninh. Sáng hôm sau, chúng đưa đồng chí về Hà Nội, giam tại xà lim sở mật thám. Ở đây, đồng chí gặp lại bọn mật thám cũ đã từng theo dõi mình trong những năm 1938, 1939. Bọn chúng tra tấn đồng chí hết sức dã man trong một thời gian dài, thành nhiều đợt, có đợt kéo dài hơn 40 ngày, khiến đồng chí nhiều lần bị ngất đi rồi tỉnh lại. Lần bị bắt này, bọn mật thám Pháp giở đủ chiêu trò tra tấn, dụ dỗ, nhưng cuối cùng vẫn không khai thác được gì, buộc chúng phải chuyển đồng chí về nhà lao tỉnh Bắc Ninh để chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Vậy là, sau 75 ngày đêm bị cùm xích, tra tấn, toàn thân đầy thương tích, cánh tay trái bị liệt, đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản và đã chiến thắng. Những ngày sau đó, bị giam tại nhà lao tỉnh Bắc Ninh, với ý chí kiên cường, không chịu khuất phục trước nhà tù thực dân, cộng với lòng dũng cảm, mưu trí của mình và được Chi bộ, các cơ sở giúp đỡ, đồng chí đã vượt ngục thành công, trở về với tổ chức tiếp tục hoạt động,

Giữa ba lần bị địch bắt giam ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng phải trải qua hai năm mất liên lạc với tổ chức. Đồng chí vừa phải luồn trốn tránh địch, làm đủ mọi nghề kiếm sống, vừa tìm mọi cách liên lạc với tổ chức. Khi làm thợ mộc, khi giả làm nhà sư, đồng chí đã phải hoạt động hết sức gian nan và vượt qua biết bao nguy hiểm. Cộng với những năm tháng bị giam cầm, tra tấn thì đây là khoảng thời gian thử thách cực kỳ khổ ải, nhưng đồng chí đã tỏ rõ là người chiến sĩ cộng sản trung kiên ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ, luôn chói ngời tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, luôn có niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng. Phẩm chất quý báu đó đã đặt nền móng giúp đồng chí vượt qua những thử thách gay go với nhiều cương vị công tác quan trọng, trở thành một danh tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quân đội.

Đại tướng Văn Tiến Dũng và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ năm 1955. Ảnh tư liệu. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Văn Tiến Dũng luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị và quân sự của Đảng, những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vũ trang toàn dân, về chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội nhân dân. Đồng chí đã nhiều lần vinh dự được trực tiếp lĩnh hội những bài học quý giá từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, bài học lớn nhất là cách mạng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân; đồng chí đã được Bác dạy: “Chú đã hoạt động cách mạng thì chú đã biết, Đảng muốn tồn tại, phát triển phải có dân; quân đội muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân, không có dân thì có quân cũng không đánh được đâu. Phải làm sao cho bộ đội được dân phục, dân tin, dân yêu. Muốn thế phải động viên bộ đội hăng hái đánh giặc, tích cực giúp dân. Đó là công tác chính trị, là công tác vận động cách mạng, vận động quần chúng của Đảng trong quân đội” (3).

Cùng với đó là những bài học về công tác chính trị, công tác tham mưu mà đồng chí được lĩnh hội từ Bác: “Công tác chính trị là công tác đối với con người, là linh hồn của quân đội cách mạng. Công tác chính trị phải chủ động, chớ lẽo đẽo theo đuôi phong trào. Tình hình càng khó khăn càng phải chủ động” (4); “Làm quân sự, làm tham mưu, chú phải bằng mọi cách biết trước tình hình, đi trước tình hình, có chuẩn bị trước thì mới luôn luôn giữ được chủ động” (5)...

Là người học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấm nhuần những lời dạy, tư tưởng quý báu của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng, cùng với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, đồng chí Vãn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những tướng lĩnh tài năng xuất sắc của quân đội ta, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (6).

------------

(1) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Nxb . Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.63.

(2) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.70.

(3) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.237.

(4) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.250.

(5) Đại tướng Văn Tiến Dũng: Đi theo con đường của Bác, Sđđ, tr.353.

(6) Hồi ký: Nhớ mãi Đại tướng Văn Tiến Dũng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.52

(Còn nữa)

Theo PV/QĐND Online/22/04/2017 17:42

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...