Thứ hai, 13/05/2024, 21:05 [GMT+7]

Bài 4: Đại tướng Văn Tiến Dũng, nhà quân sự - ngoại giao tài ba

Thứ năm, 27/04/2017 - 10:40'
Chiến thắng Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đưa Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đến thành công. Hội nghị thừa nhận tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước.

Trong khi Hội nghị đang tổ chức tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), từ ngày 4-7-1954, tại xã Trung Giã, huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội), hai phái đoàn quân sự đại diện cho phía ta và phía Pháp tổ chức hội nghị tại chỗ để bàn và đi tới những đề nghị về tất cả các vấn đề quân sự do Hội nghị Giơnevơ đặt ra; bàn và quyết định biện pháp thực hiện những vấn đề quân sự mà Hội nghị Giơnevơ thỏa thuận; bàn về những vấn đề quân sự khác do tình hình cụ thể tại chỗ đặt ra. Những vấn đề cụ thể hai bên trao đổi là vấn đề tù binh, vấn đề thực hiện ngừng bắn, điều chỉnh khu vực tập kết quân đội, vấn đề ủy ban liên hiệp.

Đồng chí Văn Tiến Dũng phát biểu tại buổi đàm phán hòa bình với Pháp (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu/getty images.

Đồng chí Văn Tiến Dũng (lúc ấy là Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam để làm việc với đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp.

Đồng chí Văn Tiến Dũng là một nhà chỉ huy quân sự tài giỏi, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng khi lần đầu được Đảng giao nhiệm vụ lãnh đạo đàm phán với đối phương, đồng chí đã tỏ rõ một phong cách đĩnh đạc, nghiêm chỉnh, một thái độ vừa kiên quyết, vừa khoan dung đối với kẻ địch, được tướng tá Pháp nể phục. Trong suốt quá trình đàm phán, đồng chí luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ căn dặn: “Ta đàm phán với Pháp lần này trong tư thế người chiến thắng; phải vững vàng về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về sách lược” (1).

Tại Hội nghị, đồng chí Văn Tiến Dũng đọc diễn văn khai mạc, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi có thể nói rằng, cuộc gặp gỡ hôm nay giữa đại biểu hai Bộ Tổng Tư lệnh đánh dấu một bước tiến trong việc giải quyết chiến tranh Đông Dương bằng phương pháp thương lượng. Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhận rõ nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị, sẽ hết sức cố gắng để làm cho Hội nghị có kết quả; không những nhanh chóng thực hiện những điều đã thỏa thuận giữa hai bên ở Giơnevơ và giải quyết những vấn đề tại chỗ do hai bên đề ra, mà còn góp ý kiến có ích với Hội nghị Giơnevơ, nhằm mục đích nhanh chóng thực hiện ngừng bắn, đình chiến và lập lại hòa bình ở Đông Dương” (2).

Hội nghị trở nên căng thẳng khi bàn về vấn đề trao trả tù binh. Sau khi nhận được danh sách những cán bộ, chiến sĩ của ta bị Pháp bắt do đoàn Pháp trao, thấy thiếu nhiều, đồng chí Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo đoàn đàm phán ta đấu tranh mạnh mẽ, đòi Pháp trao một danh sách cán bộ, chiến sĩ của ta đầy đủ hơn và phía Pháp phải chấp thuận. Đồng chí còn dẫn chứng việc ta đối xử nhân đạo với tù binh Pháp trong khi quân Pháp đối xử rất tệ với cán bộ, chiến sĩ của ta bị quân Pháp bắt.

Đồng chí đã chỉ đạo đoàn ta đấu tranh buộc phía Pháp có những cam kết chắc chắn đối xử với tù binh theo luật pháp quốc tế và phải chấp nhận những điểm thỏa thuận với ta, đó là: Hai bên sẽ trao trả cho nhau dần dần từng đợt những tù binh bị thương hoặc bị ốm, trước hết là những người bị thương, bị ốm nặng; hai bên cùng cho tù binh được hưởng chế độ ăn, mặc, ở tương đương như chế độ ăn, mặc, ở của quân nhân thuộc quân đội chính quy mỗi bên; hai bên ngăn cấm mọi hành động có thể làm thương tổn đến tinh thần và xâm phạm đến thể chất của tù binh, không dùng tù binh vào những hoạt động quân sự, không được lấy máu của tù binh để truyền cho người khác; hai bên gửi thuốc và tạo những điều kiện cần thiết để cho tù binh mỗi bên được viết, nhận thư từ, quà tặng phẩm của gia đình gửi đến trong từng thời gian. Việc thỏa thuận giải quyết vấn đề tù binh là một trong những thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã.

 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu.  

Sau khi Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết ngày 21-7-1954, đồng chí Văn Tiến Dũng và đoàn ta đã đàm phán, yêu cầu buộc phía Pháp: Từ ngày 22-7-1954 đến ngày ngừng bắn thực sự ở các chiến trường, cam kết không mở những cuộc hành quân quy mô hải lục không quân, dùng lực lượng trên một trung đoàn hoặc một binh đoàn cơ động có pháo binh phối hơp; Pháp đình chỉ các cuộc ném bom, bắn phá...

Ngày 27-7-1954, Hội nghị quân sự Trung Giã kết thúc. Lúc này, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết. Để giám sát việc thi hành Hiệp định, hai bên thỏa thuận thành lập Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, hoạt động song song với Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát, nhưng không phụ thuộc vào Ủy ban Quốc tế này. Đồng chí Văn Tiến Dũng tiếp tục được chỉ định làm Trưởng đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến.

Tại Ủy ban Liên hiệp đình chiến cũng như ở Hội nghị-quân sự Trung Giã, đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, nhiều tình huống gay cấn, đồng chí Vãn Tiến Dũng đã tỉnh táo xử lý, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc, đồng thời tỏ rõ thiện chí của người Việt Nam. Đồng chí luôn chỉ đạo đoàn đàm phán của ta làm việc nghiêm túc, thận trọng, nghiên cứu sâu sắc, chuẩn bị chu đáo các phương án đàm phán, thảo luận và thông qua tập thể, thường xuyên kiểm điểm công tác, rút kinh nghiệm; khi cần, phải báo cáo xin chỉ thị cấp trên. Là một Trưởng đoàn đàm phán có bản lĩnh, kiên định lập trường, đồng thời mềm dẻo, linh hoạt, đồng chí Văn Tiến Dũng đã lãnh đạo đoàn ta giành được thắng lợi trên bàn đàm phán ở Hội nghị quân sự Trung Giã và trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam. Hơn một năm làm việc trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng các đồng chí trong Đoàn đại biểu của ta thực hiện tốt nhiệm vụ, đấu tranh buộc phía Pháp phải chấp hành đúng thời gian rút quân như Hiệp định Giơnevơ quy định.

-----------

(1) Nhiều tác giả: Đại tướng Văn Tiến Dũng, vị tướng kiên cường, mưu lược, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014, tr.63.

(2) Nhiều tác giả: Đại tướng Văn Tiến Dũng, vị tướng kiên cường, mưu lược, Sđđ, tr.63.

(Còn nữa)

Theo PV/QĐND Online/25/04/2017 07:55

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...