Thứ ba, 14/05/2024, 21:24 [GMT+7]

Giá trị thời đại của Hiệp định Giơ-ne-vơ

Thứ sáu, 21/07/2017 - 16:57'
Cuộc tấn công chiến lược đông xuân 1953 - 1954 của quân và dân Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre. Bị thất bại nặng nề trên chiến trường, thực dân Pháp đã phải chấp nhận tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ để thương lượng việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Đông Dương.

Quang cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ảnh tư liệu TTXVN

Thương lượng căng thẳng

Trải qua 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp, ngày 20/7/1954 (trong đó có 8 phiên toàn thể và 23 phiên họp cấp trưởng đoàn), Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Với Hiệp định Giơ-ne-vơ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được một cam kết chính trị có tính chất pháp lý quốc tế quan trọng, ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, buộc Pháp phải chấp nhận đình chiến trên toàn cõi Đông Dương, cam kết rút quân khỏi Đông Dương - đây là một thắng lợi ngoại giao hết sức quan trọng.

Hội nghị Giơ-ne-vơ có sự tham gia của 9 đoàn đại biểu chính thức: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu...

Cuộc đàm phán về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ diễn ra gay gắt trong ba giai đoạn, từ ngày 8/5 đến 21/7/1954 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ do ông Eđen làm Chủ tịch Hội nghị. Giai đoạn đầu từ ngày 8/5 đến 19/6/1954, hội nghị lắng nghe lập trường của các bên. Giai đoạn 2 từ ngày 20/6 đến 10/7, chủ yếu dành thời gian để các Trưởng đoàn về nước xin ý kiến Chính phủ và tổ chức trao đổi ở hành lang. Giai đoạn 3 từ ngày 11 đến 20/7, các bên đàm phán về những vấn đề then chốt của một giải pháp.

Sau hơn hai tháng đấu tranh trên bàn hội nghị, mọi tranh chấp đã được giải tỏa. 24 giờ ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Tạ Quang Bửu và đại diện Chính phủ Pháp - Thiếu tướng Đentây. Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương họp phiên toàn thể, ra Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm, trong đó điều khoản các nước tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết với các văn kiện chính thức gồm: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, ba hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định ghi nhận các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời không được coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ và Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956.

Thắng lợi to lớn

Hiệp định Giơ-ne-vơ đã giải quyết vấn đề Đông Dương theo đúng lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: kiến lập hòa bình trên cơ sở tôn trọng quyền thống nhất, độc lập, dân chủ của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 10/4/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong báo cáo trước Quốc hội về chủ trương và phương án đấu tranh của ta tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã nhấn mạnh: "Lập trường của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương là: Hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ".

Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đem lại hệ quả là một nửa nước Việt Nam được giải phóng gắn liền với hậu phương xã hội chủ nghĩa rộng lớn và làm cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hòa nhập với trào lưu cách mạng thời đại, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Việc giải phóng miền Bắc đem lại cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một khu vực hoàn chỉnh có đầy đủ điều kiện cần thiết của một quốc gia để xây dựng chế độ kinh tế, chính trị mới, trở thành căn cứ địa cho công cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, là hậu phương vững chắc cho cách mạng ba nước Đông Dương, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà.

Với Hiệp định Giơ-ne-vơ, lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó không những đã cổ vũ cuộc đấu tranh của Nhân dân ta nhằm hoàn thành các mục tiêu độc lập dân tộc mà còn có tác dụng động viên phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Do đó, Hiệp định cũng là thắng lợi lớn của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang đấu tranh để khôi phục và bảo vệ quyền dân tộc của mình.

Hội nghị Giơ-ne-vơ đã nêu rất cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị quốc tế đa phương và đã trở thành tâm điểm của hoạt động quốc tế trong suốt những năm giữa thập kỷ 50 của thế kỷ XX và cả những năm sau đó. Từ chỗ là một thuộc địa của Pháp, với cuộc đấu tranh đầy hy sinh, anh dũng của mình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một bên tham gia đàm phán quốc tế, phát huy thiện chí hòa bình, tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và dân chủ.

Hiệp định là một thất bại lớn đối với đế quốc Mỹ và các thế lực hiếu chiến, phá tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ. "Chính phủ Mỹ chưa bao giờ mong muốn một giải pháp thương lượng" (trích trong cuốn sách Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương của tác giả James Cable xuất bản tại New York năm 1986). Với âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh nhằm ngăn chặn sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mỹ đã ra sức phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Khi không ngăn cản được việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc vào những quy định của Hiệp định. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, họp vào các ngày 8 và 12/8/1954, đã kết luận: "Giải pháp Giơ-ne-vơ là một thảm họa, vì đã hoàn thành một bước quan trọng của chủ nghĩa cộng sản, có thể dẫn tới việc mất cả Đông Nam Á" (tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, TTXVN phát hành tháng 8/1971).

Trên thực tế, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 là vũ khí chủ yếu để Nhân dân Việt Nam đấu tranh pháp lý trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính những nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã tạo thành cốt lõi của Hiệp định Pa-ri năm 1973 về Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ thể hiện tư tưởng biết giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trên tinh thần tiến công cách mạng. Đây là một trong những phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời cũng là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Trần Tiến Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...