

Từ “Giấc ngủ” say…
Giờ đây việc huy động con em đến trường học chữ không còn là trách nhiệm thầy cô hay chính quyền địa phương mà đã trở thành nếp nghĩ của mỗi bậc phụ huynh và học sinh.
Chỉ cách đây vài năm, mỗi khi nhắc tới xã Nậm Ban, đội ngũ cán bộ huyện Sìn Hồ đều rất ái ngại khi được cử về xã công tác, nhất là khi trời đổ mưa. Ngoài khó khăn về đường xá đi lại thì sự yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành của cán bộ địa phương lại trì trệ ngay trong nhận thức và lối sống. Khi đó tổ chức Đảng của xã mới chỉ là chi bộ, với 26 đảng viên, cán bộ xã thì mới chỉ nhận biết được mặt chữ. Cũng vì sự yếu kém của chi bộ và trình độ của đảng viên mà vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ xã đối với hệ thống chính trị mờ nhạt, ngay cả việc đề ra một nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hàng năm cũng là yêu cầu quá sức đối với những người “cầm quân” ở địa phương.
Một tồn tại lớn ở Nậm Ban lúc bấy giờ là trình độ dân trí của hầu hết người dân 11 bản trong xã thấp. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đã ăn sâu vào tiềm thức và phổ biến trong bà con. Trong khi đó, kinh tế của xã phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu chọc lỗ bỏ hạt và nhờ vào sự may rủi của thiên nhiên. Mỗi năm nhà nước phải cứu đói tới hàng chục tấn gạo, nhưng rồi gạo cũng “biến” thành rượu. Trong suốt thời gian dài “thác rượu" đổ về nhấn chìm cái “tâm” của lãnh đạo và sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc.
… đến Nghị quyết hợp lòng dân
Nghị quyết số 06 – NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sìn Hồ về củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ra đời cuối năm 2007 như một luồng gió mới làm thay đổi nhận thức từ cán bộ đến người dân xã Nậm Ban. Trong bối cảnh cán bộ xã yếu kém, trình độ văn hóa thấp, Ban Thường vụ Huyện ủy Sìn Hồ đã quyết định cho 4 cán bộ chủ chốt trong chi bộ xã và đoàn thể nghỉ việc theo chế độ bảo hiểm xã hội và tuyển dụng 3 công chức có trình độ trung cấp làm nhiệm vụ giúp việc. Từ đó lần lượt cán bộ, công chức xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, quản lý nhà nước, trung cấp lý luận chính trị.
Cùng với đó, Đảng ủy Biên phòng tỉnh cử cán bộ về xã cùng chung vai gánh vác công việc với chi bộ và chính quyền xã. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần cán bộ biên phòng hướng dẫn kỹ năng làm việc, cách thức giải quyết nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã.
Sau một năm thực hiện nghị quyết, tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt có nhiều chuyển biến, thực hiện tốt chế độ thường trực giải quyết công việc hàng ngày và triển khai kịp thời, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Khi công việc dần đi vào nề nếp, cũng là lúc cả cán bộ biên phòng và cán bộ xã cùng xuống các bản bắt tay vào tuyên truyền vận động, nâng cao nhân thức của nhân dân. Từ tuyên truyền chủ trương của Đảng và nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo, quy chế hoạt động khu vực biên giới, phòng chống các tệ nạn xã hội đến bảo vệ rừng, xóa đói giảm nghèo. Đi đến đâu, cán bộ cũng được người dân tin tưởng bởi cái lý đúng – sai trong nhận thức sai lệch của bà con nay đã có người chỉ lối, dẫn đường.
Và Nậm Ban hôm nay
Những ngày cuối năm này về Nậm Ban, tiếp xúc với lãnh đạo hay người dân trong xã, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay ngay trong nếp nghĩ, cách làm. Từ một chi bộ yếu kém ngày nào, hôm nay cũng từ đội ngũ đảng viên ấy đã xây dựng lên một Đảng bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ tính riêng năm nay, Đảng bộ xã đã kết nạp mới được 21 đảng viên, thành lập thêm một chi bộ.
Sức mạnh của Đảng, đoàn kết của cán bộ đã và đang làm thay đổi diện mạo của xã. Nổi bật là năm 2011 toàn xã gieo trồng được 539ha lúa, gần 500ha cây lương thực và hoa màu khác, nâng tỷ lệ lương thực bình quân đầu người lên 380kg/người/năm. Toàn xã có tới 167ha cây thảo quả và trong năm người nông dân đã thu về trên 500 triệu đồng. Ấn tượng hơn là đàn gia súc, gia cầm tăng cao ngoài dự tính của cơ quan chuyên môn, với 4.321 con.
Những căn nhà 4 cứng đang dần thay cho những túp lều tranh, liếp nứa ngày nào và 42 hộ thoát nghèo trong năm đã đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 70%. Tuy hộ nghèo vẫn còn cao nhưng đây là con số làm vui lòng cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ bởi sự nỗ lực vượt bậc của một xã hệ thống chính trị yếu kém và khó khăn nhất huyện, mà sự đổi thay đó lại bắt nguồn từ một nghị quyết gắn liền với lợi ích người dân. Những cái tên như Tào A Toi ở bản Nậm Nó I, Tào A Đới ở bản Nậm Ô… đã trở thành tấm gương soi sáng bản mường Nậm Ban, lan rộng sang các vùng lân cận với tên gọi “vua bò” và trở thành niềm tự hào của người dân trong xã.
Đổi thay của Nậm Ban không dừng lại ở đó, bởi cấp ủy, chính quyền địa phương nhận định để xóa đói giảm nghèo bền vững thì việc đầu tư cho giáo dục là nền móng cho diện mạo của một xã nông thôn mới vùng cao. Cán bộ quan tâm, nhân thức của người dân thay đổi, cộng với lòng nhiệt huyết ngày đêm của các thầy, cô giáo đã nâng số lớp học toàn xã lên 79 lớp và tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 93%. Giờ đây việc huy động con em đến trường học chữ không còn là trách nhiệm thầy cô hay chính quyền địa phương mà đã trở thành nếp nghĩ của mỗi bậc phụ huynh và học sinh.
Cung đường vành đai biên giới Pa Tần – Mường Tè đi qua đất Nậm Ban đang dần hoàn thiện. Sau nhiều năm sống trong gian khó, người dân Nậm Ban vui mừng vì từ nay quê mình đã có đường ôtô về trung tâm. Đất và người Nậm Ban đang chuyển mình “thức dậy” sau một giấc ngủ dài.
Tin đọc nhiều

Công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ

Gợi lên ký ức hào hùng trong Ngày Chiến thắng 9/5

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Moskva

Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy: Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Hội nghị lần thứ 52 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Than Uyên khóa XVIII

Kỳ họp thứ hai mươi mốt (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè

Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh

Tổng thống Putin chúc mừng người dân Nga nhân Ngày Chiến thắng









