

Một góc thị trấn Than Uyên hôm nay.
Là trung tâm văn hóa, chính trị của huyện Than Uyên, những năm qua thị trấn Than Uyên được huyện đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông để trở thành một trong những thị trấn đẹp nhất tỉnh. Có thể nói thị trấn Than Uyên đi từ không đến có. Những ngày đầu mới được thành lập (15/11/1991) cơ sở hạ tầng, nhà làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ là những ngôi nhà cấp 4, dân cư thưa thớt sinh sống dọc theo quốc lộ 32. Chị bạn tôi công tác trên 20 năm ở Huyện ủy nói vui “ngày mới thành lập đi bộ từ đầu thị trấn đến cuối thị trấn thời gian bằng anh em mình đánh 3 séc cầu. Mà chẳng ai ra đường vào buổi tối vì đường đá gồ ghề, điện đường không có”.
Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành thị trấn Than Uyên hôm nay đã có bộ mặt đô thị khang trang. Trụ sở làm việc của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện với những ngôi nhà 2 - 3 tầng bề thế.
Để nâng cao đời sống nhân dân, Đảng ủy thị trấn xác định: Đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu trong các phong trào. Làm được điều này không phải dễ, việc làm đầu tiên của Đảng ủy thị trấn là giải bài toán “sức ỳ” trong đội ngũ đảng viên. Việc làm đầu tiên là kiện toàn lại các chi bộ, củng cố xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Gia đình đảng viên phải là các mô hình kinh tế điển hình để nhân rộng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương vươn lên làm giàu.
Đảng ủy thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân phá thế độc canh cây lúa, tích cực khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Do phong tục tập quán của bà con chỉ gieo cấy những giống lúa địa phương, năng suất thấp; làm nông nghiệp chưa có sự đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu bệnh mà chủ yếu dựa vào thiên thiên là chính vì vậy năng suất lúa thấp. Đảng ủy, UBND thị trấn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Khuyến nông, khuyến lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nhân dân. Từ chỗ 100% diện tích ruộng gieo cấy giống địa phương thì hôm nay đã được nông dân thay bằng những giống lúa lai cho năng suất cao gấp đôi. Bà con đã tích cực đầu tư mua phân bón ruộng làm tăng độ mầu mỡ cho đất. Từ chỗ bà con chỉ làm ruộng 1 vụ lúa thì nay đã nâng lên 2 vụ lúa, 1 vụ màu. Không cho đất nghỉ, khi cây lúa lên bờ thì cây ngô, đậu tương, khoai tây xuống ruộng. Đất không phụ công người chăm sóc vì thế năng suất lúa tăng lên hàng năm, đến nay năng suất lúa trung bình đạt 60 tạ/ha.
Giải bài toán đói nghèo không chỉ dựa vào cây lúa, ngô… người nông dân đã tập trung phát triển chăn nuôi. Các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển mạnh, hiện nay thị trấn có 576 con trâu, bò; 4.960 con lợn và trên 30 nghìn con gia cầm; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 20ha, sản lượng cá thịt bán ra hàng năm trên 20 tấn/năm. Chăn nuôi không còn nhỏ lẻ mà người dân đã tập trung chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đã có đầu tư thức ăn công nghiệp, tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm không để xảy ra dịch bệnh. Từ chỗ phải “nhập khẩu” thực phẩm từ bên ngoài vào, đến nay bà con đã tự đảm bảo nhu cầu thực phẩm và bán ra thị trường.
Ngoài phát triển nông nghiệp thì các dịch vụ kinh doanh, thương mại cũng phát triển. Từ chỗ thị trấn chỉ có vài hàng quán bán nhu yếu phẩm thì nay đã có trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán, nhà hàng tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động có thu nhập ổn định. Cách đây 10 năm các đoàn vào huyện công tác, ngoài nhà khách của UBND huyện ra thì không có lấy 1 nhà nghỉ. Nhưng nay thì khác, các dịch vụ kinh doanh đã phát triển mạnh. Theo bà con trong huyện thì ngoài thị xã buôn bán mặt hàng nào thì thị trấn Than Uyên cũng có mặt hàng đấy, giá còn rẻ hơn. Từ các hoạt động kinh doanh nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với số vốn lên đến hàng tỷ đồng, cho thu nhập hàng vài trăm triệu đồng/năm. Từ đó góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thị trấn. Lúc mới thành lập tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn còn trên 50%, nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ xuống dưới 5%.
Kinh tế phát triển, người dân quan tâm hơn đến các hoạt động văn hóa xã hội, chăm lo cho chính đời sống của mình. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn đã phát động phong trào làm đường liên thôn, khu phố. Từ sự đầu tư của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” các tuyến đường nội thị đã được bêtông hóa không còn cảnh người dân lội bùn mỗi khi trời mưa như các tuyến đường ở các khu: 5a, 5b, 7a, 7b… Trước đây mỗi khu phố muốn sinh hoạt, họp khu phải đến nhà trưởng thôn… từ sự đóng góp của bà con đã xây dựng được 7 nhà văn hóa cho các thôn, khu phố. Sự nghiệp giáo dục đã được nhân dân quan tâm, tỷ lệ học sinh trong thị trấn đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp trên địa bàn thị trấn luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh.
Cùng với việc giải được bài toán về xóa đói giảm nghèo, thì công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy thị trấn quan tâm. Những này đầu thành lập cả thị trấn mới có 7 chi bộ với 85 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 248 đảng viên sinh hoạt ở 20 chi bộ. Từ năm 1994 đến 2009 Đảng ủy thị trấn liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Tôi vẫn nhớ câu nói của các thầy cô giáo mới về nhận công tác tại đây “Được vào công tác tại Than Uyên là tốt lắm, nhiều người mơ cũng không được”. Sự nỗ lực của nhân dân cùng với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền thị trấn, tin rằng thị trấn Than Uyên sẽ trở thành một thị xã trẻ của tỉnh trong tương lai.
Tin đọc nhiều

Hội nghị lần thứ 52 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Than Uyên khóa XVIII

Kỳ họp thứ hai mươi mốt (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè

Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh

Cách mạng màu? Đừng mơ!

Than Uyên: 9 tập thể, 25 cá nhân được biểu dương, khen thưởng sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 05

6 tập thể, 14 cá nhân được khen thưởng trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW

Kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thành phố Lai Châu

80 năm Chiến thắng phát xít: Những giá trị trường tồn









