Thứ ba, 07/05/2024, 04:42 [GMT+7]

Ông Khá làm giàu

Thứ sáu, 01/04/2016 - 09:30'
(BLC) – Nhờ nỗ lực trong tìm hướng phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, ông Nguyễn Văn Khá - Hội viên Hội Nông dân thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ông Khá kiểm kê số lượng phân bón tại cửa hàng.

Bén duyên vùng đất mới

Chia sẻ với chúng tôi, ông Khá cho biết, quê ông ở tỉnh Hà Nam, năm 1985 ông mang nhiệt huyết của tuổi thanh xuân lên Tây Bắc, làm công nhân nông trường chè Than Uyên, đến năm 1988 xây dựng gia đình. Những năm đầu điều kiện kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn trong lao động sản xuất, song nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Hội Nông dân cùng các cấp, các ngành, gia đình đã từng bước vươn lên thoát nghèo.

Năm 2007, thực hiện Dự án trồng chè 327, gia đình ông đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn khai phá diện đất hoang trồng 5 ha chè. Không phụ công người, sau 2 năm nỗ lực đầu tư chăm sóc, cây chè bước đầu đã cho thu nhập. Đến nay, diện tích chè của gia đình ông đã cho thu nhập ổn định với 85 tấn/năm, với giá thị trường hiện tại, doanh thu trừ chi phí từ trồng chè là 300 triệu đồng.

Cùng với trồng trọt, gia đình ông còn kết hợp chăn nuôi lợn. Để lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không ốm đau, bệnh tật, bản thân ông tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên báo Lai Châu, báo Nông thôn ngày nay để áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Bên cạnh đó, ông thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y để tiêm phòng cho đàn lợn kịp thời nên đàn lợn của gia đình tôi không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình xuất ra ngoài thị trường 3 tấn lợn hơi.

Năm 2011, khi huyện có chủ trương mở rộng vùng chè, trăn trở với việc đầu tư phân bón cho cây chè không chỉ của gia đình mà còn của tất cả các hộ làm chè trên địa bàn thị trấn, ông đã mạnh dạn đăng ký mở doanh nghiệp cung ứng vật tư phân bón cho nông dân trên địa bàn toàn huyện. Bước đầu ông đã huy động toàn bộ tài sản, vốn liếng của gia đình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua xe vận chuyển. Xây dựng kho chứa phân bón 100m2, đảm bảo quy trình kỹ thuật. Nhờ nỗ lực, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình sau khi đã trừ chi phí trên 500 triệu đồng/năm. Đây là con số mà nhiều gia đình trong huyện phải mơ ước và tích cực học tập, làm theo.

Giúp nông dân thoát nghèo

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài việc mở rộng diện tích chè của gia đình, ông Khá còn phối hợp cùng Hội Nông dân thị trấn tuyên truyền vận động hội viên nông dân chuyển đổi đất đồi sang trồng chè. Tuy bước đầu triển khai gặp không ít khó khăn, do nhận thức và tư tưởng của nông dân còn quen với lối canh tác cũ, nhất là băn khoăn trồng chè sợ không được thu. Nhưng bằng sự nhiệt tình của ông và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể thị trấn, bà con đã đồng tình ủng hộ. Đến nay, tổ dân phố 5 đã có 30ha chè, chủ yếu là giống chè Tuyết shan, chè đã và đang giúp cho các hộ gia đình trong tổ dân phố có thu nhập ổn định. Gia đình ông còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình hội viên nông dân trong chi hội cách làm cũng như kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt.

Cũng theo ông Khá thì việc kinh doanh phân bón bắt đầu từ nắm bắt thị trường, tuy nhiên trong quá trình kinh doanh ông cũng nhận ra nhu cầu phân bón tại các bản rất lớn, song bà con còn thiếu về vốn nên việc đầu tư cũng hạn chế. Do đó ông đã bàn bạc, ký kết với các bản, tổ dân phố về việc cung cấp phân bón trả chậm cho nông dân với giá ưu đãi. Phân bón được cung cấp đến tận bản, tận ruộng, khi thu hoạch thì trả và không tính lãi. Với cách làm này gia đình ông đã tạo điều kiện cho nông dân toàn huyện vay phân bón trả chậm với số lượng trên 200 tấn.

Cùng với đó, mô hình kinh tế của gia đình ông giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương. Vào các tháng cao điểm thu hoạch chè thì thường tạo việc làm cho 200 lao động với mức lương tối thiểu của 1 lao động là 100 nghìn đồng/ngày.

Chị Đào Thị Chiểu ở tổ dân phố số 5, lao động thời vụ tại nhà ông Khá cho biết, gia đình nhà chị làm nông nghiệp, thời gian nông nhàn chị thường đến giúp nhà ông Khá thu hái chè, chăm sóc lợn... Tuy thu nhập chỉ 100.000/ngày song đây là nguồn thu để giải quyết ổn thỏa những chi tiêu vặt thường ngày.

Nhờ nỗ lực trong phát triển kinh tế, gia đình ông đã được UBND huyện tặng Giấy khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận SXKD giỏi cấp tỉnh.

Hồng Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...