Thứ sáu, 17/05/2024, 18:16 [GMT+7]

Ông thầy thuốc “gàn”!

Thứ sáu, 09/03/2012 - 09:38'
(BLC) - Câu chuyện về ông thầy thuốc “gàn dở” - cái tên nhiều người đã đặt cho ông dường như đã lan xa tới các thôn, bản của huyện biên giới này. Đó là thầy thuốc quân y đã nghỉ hưu Lương Trung Điện (56 tuổi, ở bản Nậm Cung, xã Mường So, huyện Phong Thổ).

Duyên số với nghề y

Người dân trong bản nói ông ấy giản dị lắm, có mấy chiếc áo “lính” cũ mặc đi mặc lại thôi, có người gọi ông là ông “gàn dở”, nhưng có người lại coi ông Điện như “ông bụt”. Trong trang phục quân đội đã sờn vai, bạc màu vì thời gian, ông Điện niềm nở đón tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là một khuôn mặt gầy guộc, nhăn nheo nhưng nụ cười đôn hậu. Căn nhà đơn sơ chỉ có bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường nhỏ dành cho những bệnh nhân ở xa và chiếc tủ gỗ ọp ẹp đựng đủ các loại thuốc “tây và ta”. Đó là toàn bộ tài sản của ông.

Ông Điện (người thứ nhất bên trái) kiểm tra lại bệnh cho ông Pờ Văn Vằn ở bản Khổng Lào, xã Khổng Lào.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Năm 1974 sau khi tốt nghiệp lớp 10, chàng trai trẻ Lương Trung Điện tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đơn vị đầu tiên là Sư đoàn 316. anh vinh dự cùng đơn vị tham gia vào 2 chiến dịch lớn: Tây Nguyên và Hồ Chí Minh. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, anh được điều chuyển lên vùng đất Than Uyên (lúc ấy vùng đất này còn thuộc địa phận tỉnh Nghĩa Lộ). Sau đó đơn vị hành quân lên Lai Châu – nơi mà thầy thuốc Lương Trung Điện đã gắn bó cả cuộc đời. Chính tại nơi này, người lính trẻ ấy đã bén duyên với một cô gái Thái rất duyên dáng và dịu dàng.

Và có lẽ duyên số của ông với nghề y cũng bắt đầu từ đây khi được đơn vị cử đi học tại Trường Trung cấp y sĩ Yên Bái (nay là Trường Trung học Y tế Yên Bái). Sau gần 2 năm đào tạo, ra trường với tấm bằng y sĩ đa khoa định hướng chuyên khoa ngoại, ông lại tiếp tục trở về đơn vị công tác rồi nghỉ hưu (năm 1989) với quân hàm thượng uý. Lẽ thường tình khi nghỉ hưu, người ta tìm đến sự an nhàn, vui vầy với con cháu nhưng ông Điện thì khác, chắc có lẽ bởi tận tình với nghề trở thành bản tính cộng thêm về hưu lại thấy "ngứa nghề" nên ông chẳng chịu "yên phận"…

Đi “lo bệnh thiên hạ”

Chính từ ngày "tự do" ấy, ông lại tự "cùm" mình, mang trên vai gánh nặng "lo bệnh thiên hạ”. Một thân một mình, ông đeo túi thuốc đi bộ ròng rã mấy tháng trời đến các xã: Nậm Mạ, Nậm Tăm, Pa Há (huyện Sìn Hồ)… để mong học thêm được nhiều bài thuốc “cổ” trong dân gian, vừa có cơ hội cứu giúp nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh.

Nhớ lại thời gian ấy, ông Điện chia sẻ: “Ngày ấy, chỉ có đường mòn trong rừng thôi. Chuyến đi ấy, nhiều kỷ niệm với tôi lắm, nhớ nhất là lần đầu tiên đỡ đẻ cho một phụ nữ đi làm nương. Tuy không học chuyên về khoa sản, nhưng đã được giảng dạy và nghe các bà, các cô kể chuyện nên cũng biết đôi chút. Không chần chừ, tôi tiến hành các thao tác ban đầu để cô gái có tâm lý thoải mái nhất rồi tiếp tục các công đoạn khác, cuối cùng thì “mẹ tròn, con vuông”. Hiện, mẹ con cô ấy vẫn đến thăm gia đình thường xuyên và đứa bé gọi tôi bằng bố nuôi đấy”.

Các bài thuốc nam sưu tầm từ các già làng, trưởng bản ở khắp nơi được ông Điện ghi chép tỷ mỉ, cẩn thận. Sự kết hợp của y học hiện đại và cổ truyền đã giúp ông chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người dân. Đối với các bệnh như: thoái hóa đốt sống cổ, lưng, tê liệt hệ thần kinh, tim mạch, huyết áp, giải độc gan… ông Điện có thể chữa khỏi tới 85%.

Sự thật về người thầy thuốc “gàn dở” này đã được hé lộ khi chúng tôi đặt chân tới nhà chị Huỳnh Thị Thương ở thôn Tây An, xã Mường So – người đã được ông cứu cách đây 16 năm về trước. Chuyện xảy ra khi chị Thương mới 16 tuổi, trong một lần đi lấy củi về, chị bỗng thấy chân tay, mình mẩy đau, nhức. Lúc đầu không để ý nên gia đình cũng nghĩ là bình thường, nhưng những ngày sau, cơn đau, nhức kèm theo co, giật mỗi lúc một nhiều, người nhà mới đưa đến Phòng khám Đa khoa khu vực Mường So để chẩn đoán bệnh. Nhưng, nằm điều trị hơn nửa tháng mà bệnh không suy giảm, một nửa người chị cứ teo nhỏ dần. Tưởng rằng đã bất lực với căn bệnh thì nghe người dân xung quanh cho hay “có ông thầy thuốc ở bản Nậm Củng chữa bệnh rất “mát tay”, vậy là gia đình chị cũng cố gắng thử thêm một lần nữa. Quả đúng như lời đồn, chỉ trong vòng 15 ngày, ông thầy thuốc đó đã chữa khỏi bệnh cho chị Thương.

Chị Thương xúc động nói: “Ngày ấy, không có ông Điện chắc tôi không sống được đến ngày hôm nay…”. Tò mò, tôi hỏi: “Vậy, thầy Điện đã cứu chữa chị như thế nào?”. “Tôi được ông chữa trị bằng 2 phương pháp là thủy châm và dùng thuốc nam để đắp và sắc uống. Cứ như vậy, 4 ngày sau, tự nhiên tôi cử động và tập đi nhẹ được. Chữa trị xong, ông không lấy một đồng nào mà còn nói rằng “Cháu khỏe mạnh là vui rồi, bác không nhận tiền của ai hết. Để tiền đó mà bồi dưỡng nhé cháu”. Bây giờ, tôi đã lập gia đình và có hai con rồi, dù vậy tôi luôn coi ông Điện như người cha thứ hai của mình”.

Câu chuyện về bài thuốc nam mà ông Điện lặn lội tìm kiếm trong tận rừng sâu, vực thiêng để cứu cô bé Thương từ liệt nửa người đến hoàn toàn khỏe mạnh cũng đã được truyền đi rất xa. Cũng từ đó, trong căn nhà nhỏ ấy không lúc nào không có người ra vào tìm ông nhờ chữa bệnh. Có nhiều bệnh nhân ở tận các xã: Dào San, Sì Lở Lầu hay ở huyện Sìn Hồ, thị xã Lai Châu… không thể đến nhà được, ông lại cất công đến tận nơi để khám và bốc thuốc. Dù có vất vả, mệt nhọc vì đường xa hoặc khó đi nhưng trên môi ông luôn thường trực nụ cười bởi niềm vui và hạnh phúc được chữa bệnh cho nhân dân.

Chúng tôi được biết, để có tiền đi khám bệnh xa nhà, cũng như các chi phí cho công việc lấy thuốc, ông Điện đã dành cả số tiền lương hưu hàng tháng để lo cho những người bệnh. Khi tôi hỏi vui rằng: “Sao ông bà không dành tiền ấy để dưỡng già?”. Ông chia sẻ: "Già rồi, ăn hết là bao, cũng chẳng mấy khi cần tiêu tiền. Nhiều lúc, cũng nghe mấy đứa con nó trách, nhưng bà nhà tôi lại khuyên “ông cứ lo chuyện thiên hạ đi, mình giúp đỡ được người ta là làm phúc cho đời", thế là tôi lại có thêm động lực để giúp nhiều người”.

Giở lại những tài liệu liên quan đến bệnh án của hơn 3.400 bệnh nhân đã được ông khám, điều trị khỏi mà chưa nhận từ họ đồng tiền nào, chúng tôi không khỏi cảm phục con người và đức độ của lương y này. 

Đã hơn 20 năm, không quản ngại nắng mưa, ông vẫn một lòng chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ai có thể gọi thầy thuốc Lương Trung Điện là “gàn dở” nhưng với tôi, ông Điện là bông hoa thắm giữa núi rừng Tây Bắc.

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...