Thứ tư, 15/05/2024, 12:02 [GMT+7]

Anh hùng Mùa A Páo kể chuyện tiễu phỉ

Thứ hai, 10/10/2016 - 10:03'
Chúng tôi vinh dự được gặp và trò chuyện với người anh hùng nổi tiếng về công tác binh vận quy hàng 300 tên phỉ Vàng Pao mà không cần nổ súng. Ông chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đại tá, cựu chiến binh Mùa A Páo ở thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ. Hiện nay, ông Mùa A Páo đã 87 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng khi được chúng tôi hỏi lại quãng thời gian hơn 50 năm chiến đấu và công tác, đôi mắt ông trở lên linh hoạt khác thường, ông nói: “Cả đời tôi vinh dự nhất là được cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân và cho Đảng. Tôi tự hào mình hai lần được gặp Bác Hồ”. 

Theo lời ông Mùa A Páo, năm 1952, cao nguyên Sìn Hồ là một vị trí chiến lược về mặt quân sự, nơi đó có độ cao 1.600m so với mực nước biển. Từ cái nhìn về mặt quân sự, khi giữ được cao nguyên Sìn Hồ có thể khống chế cả một vùng rộng lớn phía Bắc của khu tự trị Thái-Mèo năm xưa, yểm trợ trực tiếp cho mặt trận chính là cứ điểm Điện Biên Phủ. Một hệ thống đồn bốt dày đặc được thực dân Pháp dựng lên kéo dài hơn 50km từ trung tâm huyện đến xã Nậm Cày (nay là Chăn Nưa), từ Nậm Cày chạy ngược bờ sông Nậm Na lên đến Phong Thổ.

Dù tuổi đã cao hàng ngày ông Mùa A Páo vẫn đọc báo để tìm hiểu thông tin.

Vào một ngày mùa đông năm 1952, A Páo đang đi cắt cỏ ngựa thì nghe tiếng súng nổ liên hồi ở phía bản Sìn Hồ Vây bây giờ. Tiếng súng ấy khác lạ và A Páo nhận ra đó không phải là tiếng súng của kẻ thù hàng ngày vẫn nổ để đàn áp dân mình. A Páo nghĩ chắc mọi người ở bản nổi dậy đánh Pháp và bàn với người bạn là Tẩn Lao Lù - một thanh niên người Dao cũng bị Pháp bắt đi phu cho chúng như A Páo. Vậy là hai thanh niên đã bỏ trốn vào rừng rồi đi theo tiếng súng kia để đánh Pháp. Trốn vào rừng được khoảng hai tháng, A Páo bắt được liên lạc với quân cách mạng. Từ đây, A Páo đã đi theo cách mạng, theo Đảng và dẫn đường bộ đội về giải phóng Sìn Hồ, Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tủa Sín Chải...

Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, chàng trai A Páo trở về với cuộc sống đời thường, tham gia xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Và rồi khi đế quốc Mỹ tàn ác thế chân thực dân Pháp hòng tiếp tục muốn biến dân ta trở lại kiếp nô lệ, A Páo lại cầm súng, tham gia chiến đấu chống lại kẻ thù. Năm 1962, sau những công lao to lớn đóng góp cho Đảng, cho cách mạng, A Páo đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1964, A Páo được giao nhiệm vụ sang chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, giúp Nhân dân các bộ tộc Lào chống lại đế quốc Mỹ. Vàng Pao là người Mông đã bị đế quốc Mỹ mua chuộc, thành lập một đội quân gồm toàn người Mông để chống lại cách mạng. Vì cũng là người Mông, hiểu được văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán nên Mùa A Páo được chỉ huy đơn vị tin tưởng cử vào tận lãnh địa của phỉ Vàng Pao để thương thuyết với chúng. Trước khi gặp Vàng Pao, Mùa A Páo đã xây dựng phương án đối phó trong đầu và khi đối mặt, đó là thái độ bình tĩnh, tự tin, nói năng dõng dạc bất chấp có hàng trăm ánh mắt, họng súng kẻ thù đang hướng về phía mình. Mùa A Páo luôn khẳng định trước mặt phỉ Vàng Pao rằng người Mông luôn đoàn kết và sẽ không bao giờ chống lại hay chĩa súng về đồng bào mình. Nói chuyện hồi lâu, Vàng Pao đã bị lay động trước những lời nói của Mùa A Páo, đồng thời mang nhiều quà ra tặng nhưng Mùa A Páo một mực từ chối không lấy gì cả. Tuy nhiên, thông tin Mùa A Páo gặp phỉ Vàng Pao bị rò rỉ, ngay lập tức lực lượng Cố vấn Mỹ ở chiến trường Lào nhận thấy dấu hiệu Vàng Pao dao động, có thể theo đội quân cách mạng. Chỉ hai ngày sau cuộc nói chuyện đó, trực thăng Mỹ đã đưa Vàng Pao đi đào tạo lại, rồi sau này tung Vàng Pao trở về chiến trường Lào.

Sau vài tháng, Vàng Pao quay về chiến trường Lào và tiếp tục lôi kéo Nhân dân các bộ tộc Lào chống lại cách mạng cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ. Ở thời điểm đó, trong tay Vàng Pao có tới 3 đại đội lên đến vài trăm người. Mùa A Páo một lần nữa nhận nhiệm vụ vận động đội quân phỉ kia trở về với cách mạng. Người đầu tiên Mùa A Páo gặp là Lào Ninh, đại đội trưởng của quân phỉ và cũng là người Mông. Mùa A Páo trong vai một người đi săn. Lào Ninh rủ A Páo theo nó, A Páo nói rằng phải nghĩ và về xin phép bố mẹ đã, rồi Lào Ninh hẹn đúng 5 ngày sau gặp lại. 5 ngày sau A Páo gặp Lào Ninh ở đúng chỗ hẹn, lúc này Páo nói chuyện với Lào Ninh như những người bạn thực sự. Mùa A Páo nói với Lào Ninh rằng bố mẹ không cho đi theo Lào Ninh bởi không biết mày có phải là người tốt hay không. Ngay trong đêm đó, Mùa A Páo đã cùng với tổ trinh sát bí mật bò vào doanh trại của Lào Ninh, tìm hiểu được quy luật đi lại, ăn ở của chúng. Bắt được 3 tên chỉ huy đi xuống bản uống rượu, Mùa A Páo liền nói với chúng rằng bộ đội Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam sắp đánh rồi, họ mạnh lắm nên chúng mày phải chạy đi. Một số tên hoảng sợ ngay sau đó đã bỏ trốn khỏi doanh trại.

Ngày hôm sau A Páo đến gặp Lào Ninh, Lào Ninh vô cùng sợ hãi và bảo với A Páo là một số người của nó đã trốn rồi. Tận dụng hoàn cảnh đó, A Páo liền nói: “Quân giải phóng Lào được quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ chúng mày không đánh lại được đâu. Nói thật tao là  quân tình nguyện Việt Nam, hôm nay đến khuyên mày bỏ vũ khí trở về với cách mạng. Đêm qua chúng tao vào trại của mày nhưng không giết mày, bây giờ mày đầu hàng vẫn kịp và cùng với bộ đội đánh Mỹ đi. Chúng tao chỉ giết quân xâm lược thôi”. Không những thuyết phục Lào Ninh quy hàng mà A Páo còn thuyết phục được Lào Ninh làm nội gián cho phía quân ta. Từ đó, quân ta đã nắm được toàn bộ quân số, cách bài binh bố trận của quân phỉ Vàng Pao. Không những thế, hai đại đội còn lại cũng bị ta quy hàng và bắt sống hai chỉ huy của chúng mà không phải nổ một phát súng nào, gần 300 tên phỉ đã quy hàng quân cách mạng. Sau chiến công ấy Đại úy Mùa A Páo được về nước và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 1969, một lần nữa Mùa A Páo được gặp Bác Hồ, trước khi người đi xa, đó là vinh dự lớn lao mà không nhiều người có được. Năm 1973, sau 10 năm chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, Mùa A Páo về nước, được đồng đội đón tại khu vực nằm giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên và Phong Xa Lì.

Sau đó Mùa A Páo tiếp tục gắn bó với quân đội, trải qua nhiều vị trí công tác như: chính trị viên phó, chính trị viên rồi Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu cho đến khi về hưu, ông luôn gương mẫu đi đầu và vận động con cháu, người dân tộc thiểu số ở vùng cao Sìn Hồ chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...