Thứ hai, 06/05/2024, 18:52 [GMT+7]

Bước chân không mỏi

Thứ sáu, 19/06/2015 - 15:45'
(BLC) – Với tính cách mạnh mẽ, xông xáo, năng động, quyết đoán, dám dấn thân và cống hiến, sau hơn 10 năm làm báo hầu như tất cả các xã, bản biên giới của tỉnh đều in dấu chân anh… Đó là nhà báo Bùi Anh Chiến - phóng viên Báo Lai Châu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cán bộ, từ nhỏ Bùi Anh Chiến đã may mắn hơn các bạn bè cùng trang lứa khi thường xuyên được tiếp xúc với các trang báo. Cha mẹ anh kể rằng, từ lúc biết đọc, biết viết Bùi Chiến đã rất thích đọc báo cho dù đôi khi có những bài viết về những đề tài trừu tượng với nhận thức của một cậu bé. Thấy con ham đọc, cha mẹ anh rất mừng và tự hào bởi đó cũng là một cách rèn luyện cho học trò nhưng chưa bao giờ cha mẹ nghĩ anh sẽ trở thành một nhà báo.

“Ngày bé mình cũng rất thích ca, hát, thích các hoạt động sôi nổi nên cha mẹ có hướng cho mình đi theo các nghề hoạt động năng động” - Bùi Anh Chiến kể. Thế rồi, khi học xong bậc phổ thông, Bùi Chiến đăng ký, thi và đỗ vào nghề sư phạm, chuyên ngành đoàn - đội. Học sư phạm nhưng thói quen từ tấm bé khiến giá sách của anh bao giờ cũng ăm ắp báo. anh nghĩ rằng đọc báo không chỉ để có thêm thông tin mà còn là cách rèn luyện tư duy, ngôn ngữ, biết chia sẻ, cảm thông với đồng bào, nâng cao trách nhiệm xã hội và giúp cho việc học tập. Tuy nhiên khi ấy anh cứ nghĩ cái nghiệp vận với mình sẽ là một thầy giáo với phấn trắng bảng đen, với những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo và vinh dự lớn nhất sẽ được gọi là thầy.

Phóng viên Bùi Anh Chiến (bên trái) tác nghiệp tại bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè).

Năm 2004, ra trường với tấm bằng cử nhân, có một người họ hàng giới thiệu anh thử việc tại Báo Lai Châu (khi đó mới thành lập cùng với sự chia tách và thành lập của tỉnh Lai Châu). Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm báo nhưng báo chí đã không còn là “người lạ” với Bùi Anh Chiến và chính điều đó đã giúp anh đến với nghề báo tự nhiên như thế.

Khó khăn nhưng… hạnh phúc

“Ngày đầu làm báo, thậm chí tôi còn không hiểu chính xác thế nào là cái “tít bài”. Có khi có đề tài rồi mà chẳng biết tiếp cận đề tài như thế nào, chẳng biết phải làm sao để có đủ thông tin và có khi cầm bút mà chẳng biết viết chữ nào trước…”. Khó khăn nên nhiều lúc phóng viên trẻ Bùi Anh Chiến có phần lo lắng nhưng nản lòng thì chưa bao giờ. Anh lại tìm đến báo chí với tư cách độc giả để xem chính mình cần những gì rồi từ đó vạch ra phương thức khai thác thông tin, cách hành văn, lập luận… “Nói thì dễ, làm mới thấy khó. Nhiều lúc tôi viết đi viết lại đến cả chục lần một đoạn văn.

Có khi cái sọt rác trong phòng đầy ắp mà soát lại chỉ thấy hầu như chỉ là bản nháp của một đề tài” –  anh chiến chia sẻ. Từ ít rồi đến nhiều, cho đến khi tác phẩm xuất hiện đều đặn trên mặt báo anh vẫn miệt mài trăn trở và tìm hiểu: “mình đã không được học hành bài bản mà lại còn lười nhác, không chịu tự học thì chỉ có tụt hậu. Tụt hậu ở tất cả các nghề đều là thất bại, riêng tụt hậu trong nghiệp báo đó là một thảm bại. Nghĩ vậy mình luôn phải trăn trở với đề tài”.

Đến hôm nay, trở thành một “phóng viên cứng” của Báo Lai Châu, anh vẫn không nguôi trăn trở nhưng bây giờ khi trao đổi, tôi thấy sự trăn trở của anh có thêm phần “hướng ngoại” mạnh mẽ. Sự hướng ngoại ấy không chỉ có ở lời nói mà còn trong mỗi tác phẩm do anh thể hiện. Có lẽ nghiệp báo đã vận vào  khi đưa anh đến với những số phận, những hoàn cảnh trớ trêu, đến với những bản làng khó khăn, xa xôi hẻo lánh, đến với cả những nét văn hóa còn hoang nguyên để từ đó những bài viết mang đầy trăn trở, chứa đựng mạnh mẽ những suy nghĩ nhân văn ra đời có sức thuyết phục, lay động công chúng. “Về Hồ Thầu nghe chuyện tảo hôn”, “Về miền cổ tích Phiêng Hào”, “Gian nan sự học vùng biên”… là những tác phẩm khiến độc giả biết nhiều hơn đến bút danh Bùi Chiến.

Đã hơn 10 năm làm báo nhưng chưa lúc nào chúng tôi thấy anh than phiền về những khó khăn khi đến với đồng bào vùng cao, vùng biên giới mà trái lại còn nhận thấy anh hào hứng, xung phong đến với vùng cao. Đến nay, hầu như tất cả các xã biên giới của tỉnh đều đã in dấu chân anh. Có lẽ được đi, được nếm trải những khó khăn của đồng bào, bà con mới là niềm hạnh phúc, là động lực đang thôi thúc trong huyết quản chàng phóng viên trẻ ấy.

Nhiều lúc chúng tôi nhận được tin anh đang ở  nơi biên giới cực Tây, lênh đênh trên sóng sông Đà, có sáng mồng một tết chúng tôi được tin anh đang theo đoàn người đi chữa cháy, cứu rừng Hoàng Liên Sơn… Hiện nay, được giao phụ trách thông tin ở huyện Mường Tè – huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh nhưng với anh đó lại là cơ hội để thể hiện, trải nghiệm với chính mình. Một tháng có 30 ngày thì có đến quá nửa thời gian anh ăn, ngủ nơi biên giới. anh theo cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đi dựng nhà, làm ruộng cho dân, lắm lúc anh lại cùng lực lượng công an đi phá nhổ cây thuốc phiện, có đận anh cùng bộ đội đi tuần tra biên giới… Giờ đây, ngồi nghiệm lại anh cho rằng: đến với khó khăn, chia sẻ khó khăn với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ là một hạnh phúc.

Được đi, được thấy và thấu hiểu, cảm thông với đồng bào, anh luôn trăn trở, đau đáu nỗi niềm sẻ chia với đồng bào. Với tư cách một phóng viên, sự san xẻ đó hiện thân qua những bài viết; với tư cách một Bí thư Chi đoàn sự sẻ chia ấy là những phần quà, phần việc hướng tới đồng bào vùng cao như: tặng chăn ấm, áo ấm, bánh kẹo, sách vở, dọn vệ sinh làng bản, làm cầu treo, làm đường cho đồng bào. Dù được đánh giá cao nhưng chưa bao giờ anh hài lòng với những gì mình làm được.

anh Dư Khánh Kiên - Phó Phòng Phóng viên Báo Lai Châu nhận xét: “Bùi Anh Chiến là mẫu phóng viên năng động, chịu khó, dám lăn lộn, dấn thân và là một phóng viên rất trăn trở về trách nhiệm xã hội. Những bài viết của anh không chỉ phản ánh “hơi thở cuộc sống” mà còn chứa đựng những nét nhân văn sâu sắc”.

X. Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...