Thứ hai, 06/05/2024, 22:13 [GMT+7]

Bệnh binh Đỗ Tiến Lực làm kinh tế giỏi

Thứ hai, 26/07/2021 - 10:36'
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, bệnh binh hạng 2 Đỗ Tiến Lực (SN 1952) ở bản Thành Công, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế mà còn là người có uy tín trong bản được bà con tin tưởng, yêu mến.

Đi dưới cơn mưa bất chợt của mùa hạ, qua những đoạn đường nhựa khang trang, đường bêtông sạch đẹp chúng tôi đến thăm nhà bệnh binh Đỗ Tiến Lực. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà xây rộng rãi, ngăn nắp, xung quanh là vườn cây ăn quả xum xuê bóng mát, ông Lực hồ hởi kể lại: Tôi quê gốc ở huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), năm 1967, gia đình tôi lên Lai Châu làm kinh tế mới. Năm 1971, như bao lớp thanh niên lứa tuổi mười chín, đôi mươi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi nhập ngũ tại Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chuyên về pháo cao xạ. Khi cuộc chiến tranh của dân tộc giành thắng lợi, năm 1990 tôi rời quân ngũ về tham gia công tác, sản xuất tại địa phương.

Từ năm 1991 - 2006, ông Lực được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã San Thàng. Sau đó, ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh thành phố Lai Châu. Ở cương vị nào ông đều thực hiện tốt công việc. Đến năm 2017 ông nghỉ hưu.

Ông Lực chăm sóc vườn cây ăn quả.

Về với cuộc sống đời thường, sức khỏe có phần giảm sút do tuổi cao, thương tật thường xuyên tái phát làm suy giảm khả năng lao động nhưng ông Lực không nghỉ ngơi mà biến nỗi buồn thành động lực để cố gắng. Với ý chí, bản lĩnh của người lính đã được tôi luyện trong gian khó, trong môi trường quân đội, ông nhanh chóng bắt tay vào mặt trận mới là phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng quê hương. Sự cần cù, kiên nhẫn, hay lam hay làm và tinh thần sáng tạo, ông Lực cùng các thành viên trong gia đình đã cải tạo lại diện tích vườn tạp rộng 1.000m2 để trồng các loại cây ăn quả như: mận tam hoa, bơ, mít, bưởi diễn, chuối và đào ao thả các loại cá trắm, chép, rô phi; tạo nên cơ ngơi giá trị.

Dẫn chúng tôi thăm mảnh vườn với nhiều loại cây đang vào mùa trái chín, ông Lực phấn khởi: Trước đây, do công việc bận rộn, tôi không có thời gian cùng gia đình làm kinh tế. Do đó, diện tích đất vườn chưa khai thác hết được tiềm năng. Sau này, qua tìm hiểu các loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng lại thích hợp với khí hậu địa phương, tôi đã đưa cây mít, bơ, bưởi… vào trồng thay thế những cây kém hiệu quả. Những loại cây này ít công chăm sóc lại cho năng suất cao, giá thành ổn định. Tuy nhiên, thời gian đầu cũng gặp một số khó khăn do chưa tìm hiểu kỹ thuật canh tác, nguồn gốc xuất xứ của cây giống không rõ ràng vì tôi thường mua ngoài chợ, một số loại cây giống kém chất lượng. Sau đó, tôi tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm trồng cây ăn quả lâu năm ở địa phương nên cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, lựa chọn cây giống từ những địa chỉ uy tín. Vài năm nay đã có sản phẩm mít, bơ… bán ra thị trường.

Mảnh vườn của gia đình ông không những tạo khuôn viên đẹp mắt, mang lại bầu không khí trong lành mà còn có các sản phẩm theo mùa. Ông bảo, năm nay cây bơ, bưởi được mùa, trái trĩu nặng uốn cong cả cành. Từ đầu vụ, gia đình ông đã bán được hơn 3 tạ bơ, khoảng 20 ngày nữa lại có bơ sáp chín, thu hoạch, bán cho thương lái. Niềm vui mùa quả ngọt bù đắp cho những ngày lao động vất vả hiện trên gương mặt ông Lực khiến tôi cũng vui lây. Ngoài đầu tư chăm sóc vườn cây ăn quả, vợ chồng ông còn trồng 7.000m2 chè kinh doanh, trồng 2.000m2 ngô lấy lương thực chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Nhờ nguồn thức ăn chăn nuôi chủ động, đàn vật nuôi của gia đình ông đông đúc. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Hiện, các con của ông đều có công việc ổn định, kinh tế khá. Trong bản, bà con nào có nhu cầu tư vấn trồng cây ăn quả, ông đều chia sẻ nhiệt tình, hơn nữa còn tạo điều kiện cho bà con cây giống từ những cây ăn quả chất lượng ở vườn nhà ông.

Truyền thống vẻ vang của quân đội đã giúp ông Đỗ Tiến Lực vượt khó khăn phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào hoạt động do bản, địa phương phát động. Với ông Lực, làm giàu góp phần xây dựng quê hương tươi đẹp không chỉ là đòi hỏi của cuộc sống mà đó là phẩm chất của người lính trên mặt trận mới.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...