Chủ nhật, 19/05/2024, 09:43 [GMT+7]

Biến đất hoang thành trang trại

Thứ sáu, 24/07/2015 - 08:56'
(BLC) - Đến xã Bum Nưa (huyện Mường Tè) hỏi ai cũng biết ông Lù Văn Tơn (dân tộc Thái ở bản Nà Lang) - đảng viên làm trang trại trồng trọt, chăn nuôi từ đất bỏ hoang.

Với suy nghĩ là đảng viên, muốn bà con nghe và làm theo, mình phải tiên phong, gương mẫu đi đầu, ông tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế từ đồng đất quê hương để phát triển kinh tế. Nhận thấy khu đất Nà Pộ ở bản Nà Lang ven suối Nậm Sì Lường (trước đây là bãi ruộng của người dân canh tác nhưng bị đất, đá vùi lấp trong trận lũ lịch sử năm 1961 nên bà con bỏ hoang) thuận nguồn nước, có thể cải tạo đào ao thả cá, trồng trọt, chăn nuôi, năm 2000, ông vận động gia đình khai hoang, phục hóa đất, phát triển kinh tế trang trại.

Ao cá của gia đình ông Tơn.

Thời điểm đó, ông được vay 20 triệu đồng (trong 3 năm không tính lãi) theo chương trình hỗ trợ vốn cho hộ nông dân phát triển mô hình kinh tế (khai hoang phục hóa đất ven sông suối) của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Có vốn, ông thuê máy xúc san ủi mặt bằng để canh tác và đào ao (trên 2.000m2) nuôi thả các loại cá: trắm, chép, trôi, rôphi đơn tính. Đối với diện tích vườn, ông trồng cỏ voi, cây sắn làm thức ăn cho cá; các loại cây ăn quả: cam, bưởi và xây dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Ông Tơn chia sẻ: “Khi bắt tay làm mô hình kinh tế, chưa có nhiều kinh nghiệm nên cá chậm lớn, gia cầm bị dịch bệnh kém phát triển. Vất vả nhất là mùa mưa, nước lũ đổ về vùi lấp, tràn ao, hư hại cây trồng, vật nuôi”.

Khó khăn là thế nhưng ông không nản mà quyết tâm làm bằng được. Ông tích cực tìm hiểu kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, quy hoạch chuồng trại qua sách báo, phương tiện truyền thông; tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trên địa bàn để lựa chọn, áp dụng tại gia đình. Từng bước biến khu đất bỏ hoang ven suối Nậm Sì Lường thành trang trại với vườn cây ăn quả tươi tốt, ao cá cho sản lượng cao và đàn lợn, gà, vịt, ngan ngày càng phát triển. Hiện nay, trừ chi phí, gia đình ông thu trên 90 triệu đồng/năm.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông được bà con trong xã, bản thường xuyên đến tham quan, học hỏi. Giờ đây, dọc suối Nậm Sì Lường, người dân khai thác, chuyển đổi đất hoang hóa thành những mô hình làm kinh tế V-A-C hiệu quả. Câu chuyện giúp nhau về cây, con giống hay chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm của thế hệ đi trước cho lớp trẻ được người dân nơi đây truyền tai nhau.

Ông Lù Văn Vơi - Bí thư Chi bộ bản Nà Hừ 1 (Đảng bộ xã Bum Nưa) đánh giá: “Đồng chí Tơn được bà con trong xã tin tưởng, quý mến. Đặc biệt, đồng chí luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, giúp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật để bà con cùng nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu”.

Dám nghĩ, dám làm, gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế để đồng bào học và làm theo, ông Tơn đã và đang trở thành hình tượng đẹp, tấm gương sáng khơi gợi tinh thần thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên vùng đất Bum Nưa.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...