Thứ hai, 06/05/2024, 20:26 [GMT+7]

Dám nghĩ, dám làm

Thứ hai, 18/05/2015 - 16:00'
(BLC) - Thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn đầu tư giống cây, con mới để phát triển kinh tế đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều nông dân trong tỉnh. Đến đâu, chúng tôi cũng dễ dàng được gặp, nghe kể về những tấm gương làm kinh tế giỏi và anh Giàng A Phùa (dân tộc Mông ở bản Nậm Bó, xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ) là ví dụ điển hình.

Khi cơn mưa đầu mùa vừa ngớt hạt cũng là lúc chúng tôi đến nhà anh Giàng A Phùa. Trò chuyện với anh trong ngôi nhà sàn 2 tầng, nền lát đá hoa, chúng tôi được biết thêm nhiều hơn về quá trình vươn lên làm giàu của anh. Sinh năm 1980 trong một gia đình đông anh em, tuổi thơ của anh là những tháng ngày theo bố mẹ lên nương trồng lúa, trồng ngô, chưa một ngày được cắp sách đến trường. Lớn lên, lập gia đình, ra ở riêng, nhưng kinh tế gia đình anh chỉ trông chờ vào việc bán con lợn, con gà thả rông và những mảnh ruộng phó mặc cho thiên nhiên.

Qua các buổi sinh hoạt bản do cán bộ xã tổ chức, anh được nghe kể về những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, cơ ngơi cả trăm triệu đồng. Thiết nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe sao không học tập họ, mạnh dạn đầu tư để làm giàu. Nghĩ là làm, nhận thấy việc nuôi dê không cần nhiều vốn và công sức lại có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, năm 2012 anh dùng số tiền tích lũy được bấy lâu (4,5 triệu đồng) mua 4 con dê về nuôi. Anh tích cực tìm hiểu, học hỏi cách chăm sóc dê, nhất là thời kỳ dê sinh sản. Anh bỏ hẳn việc nuôi gia súc dưới gầm sàn, thả rông, làm chuồng nuôi nhốt dê, khi chăn thả luôn có người trông coi cẩn thận.

Anh Phùa chăm sóc đàn dê.  

Đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất bán 10 con dê thịt (30kg/con), thu về 30 triệu đồng. Năm 2013, thông qua kênh của Hội Nông dân xã, anh vay Ngân hàng (30 triệu đồng) mua một con trâu sinh sản và đầu tư nuôi lợn thịt, lợn nái để tự cung cấp giống. Từ bán lợn, gia đình anh thu 20 triệu đồng/năm.

Thăm cơ ngơi của gia đình anh Phùa, tại nhà kho chứa nông sản của gia đình anh, chúng tôi thấy hàng chục bao thóc, ngô lớn nhỏ và rất nhiều quả bí ngô. Anh Phùa cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha đất nông nghiệp, mỗi năm cấy 1 vụ lúa, 1 vụ ngô. Được cán bộ xã hướng dẫn tận tình các khâu trong sản xuất nên sản lượng lúa, ngô của gia đình năm nào cũng tăng. Vào mùa khô, gia đình tôi trồng xen canh cây bí với ngô, mỗi vụ thu hoạch trên 2 tấn quả để làm thức ăn cho lợn, trâu những lúc thời tiết giá rét kéo dài...”.

Với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, đến nay ước muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương của anh Phùa đã thành hiện thực. Gia đình anh có của ăn của để, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Rút kinh nghiệm mình không biết chữ là một thiệt thòi lớn, nên anh luôn quan tâm, động viên các con đi học. Niềm tự hào của anh ngoài cơ ngơi từ sự nỗ lực, chịu khó là những tấm giấy khen của các con mang về mỗi dịp tổng kết năm học.

Nói về anh Phùa, chị Giàng Thị Pàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lùng Thàng cho biết: “Anh Phùa là tấm gương sáng để các hội viên và người dân trong xã noi theo. Gia đình anh được xã công nhận là hộ chăn nuôi, sản xuất giỏi và đề nghị cấp trên khen thưởng”.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...