Thứ hai, 20/05/2024, 00:52 [GMT+7]

Giàng A Mé làm kinh tế giỏi

Thứ năm, 23/10/2014 - 15:57'
(BLC) – Về xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ hỏi thăm gia đình anh Giàng A Mé – trưởng bản Pô Tô, ai cũng biết bởi anh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp bà con phát triển kinh tế, góp sức mình đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ khát vọng làm giàu

Sinh ra và lớn lên tại xã Huổi Luông - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, cũng như bao thanh niên khác trong bản, khi lập gia đình bố mẹ nghèo nên chẳng có gì để cho con. khát vọng thoát  nghèo chính là động lực lớn giúp anh cố gắng vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học hành còn hạn chế, từ nhỏ tới lớn quanh năm suốt tháng gắn bó với nương rẫy, nên anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế rồi, anh đã tìm đến bạn bè - những người có điều kiện xây dựng mô hình kinh tế giỏi trong bản, xã, huyện để học tập kinh nghiệm sản xuất, từ đó lựa chọn các loại cây, con giống phù hợp với thực tế địa phương; đồng thời tham gia các lớp tập huấn do UBDN xã, các tổ chức Hội phối hợp tổ chức, từ đó áp dụng vào điều kiện sản xuất của gia đình mình.

Anh Mé (ở giữa) giới thiệu về mô hình trồng chuối của gia đình.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Mé kể lại, lập gia đình với 2 bàn tay trắng, sau nhiều năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khai hoang vỡ đất đến năm 2008 gia đình anh cải tạo được 10ha đất chủ yếu dùng để trồng ngô (2,5ha), lúa (1ha), sắn (3 ha) số còn lại phải bỏ hoang và trồng các cây có ít giá trị về kinh tế vì đất bạc màu. Nhận thấy thị chuối được thương lái thu mua với giá cao, chuối lại dễ trồng nên năm 2009, tận dụng phần đất đồi bạc màu đầu tư trồng thử nghiệm 1ha chuối thương phẩm. Quá trình thử nghiệm chuyển đổi có nhiều thuận lợi cả về khí hậu và thời tiết, cây giống phát triển tốt. Sau một năm chuối đã cho thu hoạch, năm 2010, gia đình anh có 2.000 gốc/1ha đến vụ cho thu hoạch khoảng 80% cây giống, với giá thị trường tại cửa khẩu là 16.000 đồng/1kg chuối, gia đình anh thu về 350 triệu đồng/năm. Thấy trồng chuối có lãi anh tiếp tục vận động gia đình chuyển đổi đất, mở rộng gần 5ha.

Phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo không chỉ ở một hình thức mà phải biết kết hợp nhiều hình thức, thu hút nhiều lực lượng để tạo lên sức mạnh tổng hợp về phát triển kinh tế. Tận dụng thế mạnh của điạ phương có cửa khẩu thông thương giao lưu hàng hóa, anh quyết định mua thêm 2 chiếc ô tô để phục vụ chở chuối và hợp đồng chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Có vốn, anh đầu tư mua thêm một bộ dây chuyền máy sản xuất gạch ba banh, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 người thu nhập 5.000.000đ/người/tháng. Ngoài ra để phục vụ nhu cầu Nhân dân khai hoang ruộng, mở rộng và chuyển đổi canh tác bản thân anh mua thêm 1 chiếc máy xúc trị giá 500.000.000 đồng. Các hình thức kết hợp trên mỗi năm gia đình anh thu về hơn 600 triệu đồng. Trở thành hộ có kinh tế khá nhất nhì trong bản.

... đến giúp dân thoát nghèo

Với suy nghĩ thành công của mình hôm nay có sự giúp đỡ rất nhiều của bà con trong bản nên khi kinh tế ổn định anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn với bà con. Từ xưởng gạch và đồi chuối gần 5ha, anh đã tạo thêm việc làm cho hơn 20 lao động ở địa phương vào những lúc nông nhàn; thường xuyên giúp các hộ nghèo trong bản về vật liệu để xóa nhà tạm, tranh tre, dột nát; giúp đỡ cây, con giống để hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo...

Đến nay, trong bản không còn hộ đói, 100% hộ dân trong bản đều có xe máy để đi lại, một số hộ còn mua ô tô về vận chuyển nông sản. Tỷ lệ hộ khá giàu chiếm hơn 30%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Từ năm học 2010 - 2011 trở lại đây, tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường của bản luôn đạt từ 99% trở lên…

Bên cạnh đó, anh còn đứng ra xây dựng công trình nước hợp vệ sinh đảm bảo nguồn nước sạch thường xuyên cho nhiều hộ ở bản Pô Tô. Khi xã triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, anh đã giúp bản đưa các loại ô tô, máy xúc khai thác, vận chuyển nguyên vật liệu tham gia xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội...  Cùng với đó, gia đình anh còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Vì người nghèo; Xây dựng nông thôn mới, chăm lo cho các cháu thiếu nhi hàng chục triệu đồng.

Nhận xét về anh Mé, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng A Dọ cho biết: "Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Mé tiêu biểu cho sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Không những thoát nghèo và làm giàu chính đáng, anh Mé còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số lao động địa phương, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".

Chia tay anh, trong tôi dấy lên niềm cảm phục, không phải vì anh là tấm gương sáng trong lao động, sản xuất mà vì anh là người có tấm lòng nhân ái biết giúp đỡ cộng đồng cùng nhau phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

 

Thanh Vân

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...