Thứ sáu, 19/04/2024, 07:29 [GMT+7]

Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay

Thứ hai, 20/09/2010 - 15:27'
(BLC) - Một người khuyết tật, điển hình tiêu biểu về ý chí vượt lên số phận đáng để mọi người học tập, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là anh Hà Văn Lệ – chủ hiệu may Lệ Hoa ở tổ dân phố số 7, phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu.
Anh Hà Văn Lệ dạy con tập viết.
Tiếng lành đồn xa về hiệu may đồ nam có tiếng của một người khuyết tật, một ngày cuối tuần, tôi quyết định tới thăm. Không khó để tìm nhà anh bởi biển hiệu thông báo hiệu may ngay đầu ngõ. Tôi đến đúng lúc trong ngôi nhà nhỏ rất đông khách. Trong nhà, đồ dùng được bày trí gọn, đẹp, đặc biệt là có bàn thờ Bác Hồ. Một người đàn ông đang cẩn trọng đo quần áo cho khách và niềm nở tư vấn kiểu dáng, màu sắc. Sau đôi lời hỏi thăm, tôi biết đó là anh Hà Văn Lệ. Trò chuyện với anh, với khách hàng và hàng xóm của anh, tôi thực sự cảm phục ý chí vượt lên số phận của anh Lệ.
Là con út trong gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh có 7 anh chị em, do cuộc sống khó khăn, 2 tuổi anh bị suy dinh dưỡng và liệt 1 chân, đi lại phải dùng nạng. Song, anh không ỉ lại mà luôn trăn trở làm sao sống có ích, tìm một công việc thích hợp với sức khoẻ và khả năng của mình để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Với suy nghĩ: mình không có đôi chân lành lặn nhưng lại có đôi mắt sáng và đôi bàn tay khéo léo, anh đã chọn nghề may.
Những ngày đầu lên Lai Châu lập nghiệp (năm 1997), hai bàn tay trắng, song với ý chí, nghị lực vươn lên và tâm huyết với nghề, anh đã chiến thắng. Anh luôn áy náy mỗi khi lỡ hẹn với khách, hoặc khách chưa hài lòng. Mỗi lần như vậy anh lại rút kinh nghiệm, học hỏi và cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, do đó đã tạo được chữ tín với khách hàng. Người này truyền người kia, khách ngày càng đông, hiệu may của anh làm không hết việc, thu nhập của gia đình anh ổn định với 10 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Kiên ở phường Tân Phong (thị xã Lai Châu), hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: “Tôi thực sự ngưỡng mộ tài năng và ý chí của Lệ, không những may đẹp mà đường may rất cẩn thận. Lệ cởi mở, chân thành và luôn học hỏi. Do đó không chỉ là khách, gia đình mình đã trở nên thân thiết với Lệ lúc nào không biết”.
Còn anh Nguyễn Danh Công, hàng xóm của anh thì hồ hởi kể: Anh Lệ khuyết tật nhưng những việc làm và ý chí vươn lên của anh thì không phải người nào cũng có được. Có lần, mọi người trong xóm thảng thốt vì đi qua thấy anh đang trên cành cây cao cố cắt những cành lá mọc um tùm làm vướng dây điện của tổ dân phố, hoặc đang hì hục cạo rêu trên những bức tường hai bên đường vào ngõ. Sáng sớm thấy anh quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm là chuyện thường ngày. Thấy việc làm không tốt, anh luôn chân thành góp ý, tham mưu với tổ trưởng tổ dân phố.
Hiện anh Lệ đang rất hạnh phúc với vợ và con trai khôi ngô năm nay bước vào lớp 1. Dù công việc bận rộn, song anh luôn dành thời gian hợp lý để trò chuyện với con, dạy con học.
Thấu hiểu những khó khăn của bản thân, anh Lệ luôn đồng cảm chia sẻ với những người không may, gặp hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh luôn tích cực ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo.
Ghi nhận những cố gắng của anh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã lựa chọn anh là một trong 3 người khuyết tật tiêu biểu toàn tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật toàn quốc năm 2010.

 

Thảo Chi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...