Thứ bảy, 02/11/2024, 23:58 [GMT+7]

Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống

Thứ năm, 02/11/2023 - 11:12'
Gần 40 năm gắn bó với nghề rèn, ông Lý A Tàng (55 tuổi), dân tộc Mông ở bản Hồ Pên (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) giữ vững được uy tín nhờ sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Trung bình mỗi tháng, ông sản xuất từ 120 - 150 con dao các loại, mang lại thu nhập ổn định.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tàng vào buổi sáng cuối thu, ngay từ cổng đã nghe âm thanh của búa, đe nện vào nhau chan chát. Tại lò rèn, ông Tàng đang miệt mài với công việc, động tác thuần thục trong từng quai búa. Trong câu chuyện, ông Tàng chia sẻ căn nguyên theo nghề “đỏ lửa”: “Có bác là thợ rèn có tay nghề cao trong bản, hàng ngày tôi thường đến xem bác rèn nông cụ cho bà con. Năm 16 tuổi, tôi được bác động viên và truyền nghề. Với sự tâm huyết của bác, tôi cũng tích cực học hỏi và tạo ra nhiều sản phẩm: lưỡi cày, liềm, dao… Hiện nay, tôi chuyên tâm sản xuất các loại dao thái, chặt, phát”.
Gắn bó với nghề rèn từ nhỏ, ông Tàng luôn tâm niệm phải cố gắng giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, của gia đình. Theo kinh nghiệm của ông, để tạo nên một con dao đảm bảo chất lượng đầu tiên phải có thép tốt. Vậy nên, ông Tàng chọn mua lá nhíp ôtô làm nguyên liệu rèn dao. Trong tất cả các công đoạn, khâu quan trọng nhất là tôi thép (một trong những phương pháp nhiệt luyện; là bước cần thiết giúp hạn chế mòn, lưỡi dao không bị cùn và công cụ sẽ không dễ bị làm cong hay gãy). Do đó, mỗi một loại thép phải nung ở nhiệt độ khác nhau. Nếu làm không đúng kỹ thuật thì lưỡi dao sẽ bị nứt, điều này đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật. Đối với cán dao, ông cũng chọn loại gỗ tốt như gỗ dâu có vân đẹp và thẩm mỹ cao. Tất cả công đoạn đều làm thủ công nên sản phẩm làm ra rất bền, sử dụng đến mòn vẹt vẫn sắc bén.

Ông Tàng thực hiện công đoạn rèn dao.

Tả Lèng là xã vùng cao của huyện Tam Đường nhưng giáp với xã San Thàng của thành phố Lai Châu - diễn ra chợ phiên vào sáng ngày thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Vì vậy, đều đặn ông mang các sản phẩm từ lò rèn của mình đến chợ bày bán và nhiệt tình tư vấn cho khách lựa chọn loại dao phù hợp nhu cầu sử dụng. Ông Tàng nói: “Tối đa một ngày, tôi làm 5 con dao, bán ra thị trường với giá dao động từ 70.000 - 300.000 đồng/con. Mỗi phiên chợ bán khoảng 8-10 con dao; thời điểm giáp tết bán số lượng nhiều hơn. Từ nghề rèn giúp gia đình thu nhập ổn định, trung bình từ 60-70 triệu đồng/năm”.
Được biết, nhiều người dân ở các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ… trở thành khách quen và còn giới thiệu cho bạn bè, người thân đặt mua tại lò rèn của ông Tàng. Đối với người dân ở bản Hồ Pên đều có chung nhận định: Lò rèn nhà ông Tàng ngày nào cũng đỏ lửa, bởi lẽ rèn dao không chỉ là công việc hàng ngày đó còn là đam mê, tâm huyết của ông với nghề.
Ông Hảng A Lử - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Nghề rèn là nghề truyền thống của dân tộc Mông. Sản phẩm do ông Tàng làm ra được khách hàng ưa chuộng. Để nghề rèn không bị mai một, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động thanh niên học nghề vừa tạo ra nông cụ thiết thực trong đời sống, tạo sinh kế còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình”.
Chứng kiến các công đoạn tạo ra một con dao hoàn chỉnh, tôi thấy ông Tàng khá vất vả, đòi hỏi phải có sức khoẻ, tỉ mỉ, cẩn thận và cảm nhận tốt. Vậy nhưng, ở độ tuổi gần lục tuần, ông đang và sẽ tiếp tục “giữ lửa” nghề rèn, điều này thật đáng trân quý.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kỳ 2: “Thay da đổi thịt” nơi vùng đất khó
Thay đổi cuộc sống nhân dân, những biện pháp quyết liệt, mang tính đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ) được triển khai, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tiếp...
Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...