Thứ hai, 06/05/2024, 23:18 [GMT+7]

Khơi dậy tài năng học sinh vùng cao

Thứ bảy, 16/05/2015 - 15:08'
(BLC) - Giúp giáo viên, học sinh xóa bỏ mặc cảm, tự tin vào năng lực bản thân, vươn lên dạy tốt học tốt, hơn chục năm qua, chị Đinh Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) THCS xã Ta Gia (huyện Than Uyên) đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Chị Nhung sinh năm 1980 tại xã Mường Cang (huyện Than Uyên) trong một gia đình có nhiều thế hệ công tác trong ngành Giáo dục. Năm 1998, tốt nghiệp THPT chị thi đỗ Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (hệ cao đẳng chuyên ngành văn - sử).

Năm 2001 ra trường, chị nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Pắc Ta (huyện Than Uyên), nơi có 70% học sinh dân tộc Thái, Dao, Mông. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Than Uyên nên chị thấu hiểu khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số. 7 năm dạy ở Pắc Ta, vừa đảm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, Bí thư Chi đoàn trường, Tổng phụ trách Đội… chị luôn gần gũi học sinh; vận dụng kiến thức, kinh nghiệm học được từ trong trường và đồng nghiệp, tích cực truyền đạt kiến thức cho các em. 

Chị Nhung (bên phải) trao thưởng cho giáo viên, học sinh có thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm học 2014 - 2015.

Ngày ấy (năm 2003), Trường PTCS Pắc Ta chưa có học sinh giỏi cấp huyện, chị được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công bồi dưỡng học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 6. Vượt qua mọi khó khăn, chị cùng học trò miệt mài ôn luyện. Và, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện (tháng 3/2004), học sinh của chị đã đoạt giải ba. Đó là lần đầu tiên Trường PTCS Pắc Ta có học sinh giỏi cấp huyện. Chị tâm sự: “Niềm vui đó đã thôi thúc, tạo cho tôi niềm tin vững chắc vào học trò dân tộc thiểu số. Các em ngoan, giỏi không thua kém các bạn ở thị trấn. Để khẳng định được tài năng của các em, điều quan trọng nhất là giáo viên phải kiên trì”.

Năm học 2005 - 2006, chị tiếp tục được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp 9. Năm học ấy, chị lại có 1 học sinh đạt giải khuyến khích cấp huyện. Cũng trong thời gian dạy ở Pắc Ta, với những nỗ lực, cố gắng, chị không chỉ bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi mà bản thân chị cũng đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh.

Do yêu cầu công việc, năm học 2008 - 2009, chị được phân công về công tác tại Trường THCS thị trấn Than Uyên. Đến năm học 2012 - 2013, chị được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Gia - ngôi trường cách trung tâm huyện 23km với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Mong muốn Ta Gia trở thành điểm sáng giáo dục vùng cao đã thôi thúc chị dành tâm huyết cho công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của nhà trường.

Thời điểm đó, Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Gia chưa có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Chị đem tất cả những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi có được trong thời gian công tác tại các trường trước đó để áp dụng. Chị thường xuyên dự giờ, góp ý, trao đổi phương pháp dạy học, động viên giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Niềm vui đã đến với thầy, trò nhà trường khi năm học 2012 - 2013 lần đầu tiên trường có học sinh đoạt giải ba học sinh giỏi môn Tiếng Anh lớp 6 cấp huyện.

Năm học 2013 - 2014, trường tiếp tục có 4 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện (2 giải khuyến khích môn ngữ văn lớp 6, 1 giải khuyến khích môn địa lí lớp 8 và 1 giải ba môn ngữ văn lớp 9). mặc dù làm quản lý nhưng chị vẫn trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn ngữ văn. Sau thành công đó, chị được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cử tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9 cấp tỉnh. Và, lần này 5/6 em đoạt giải (trong đó có học sinh trường chị). Năm học 2014 - 2015, Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Gia tiếp tục có 5 học sinh giỏi cấp huyện môn ngữ văn. Với chưa đầy 3 năm công tác tại trường, chị Nhung đã góp phần không nhỏ trong việc đưa số lượng học sinh giỏi của nhà trường từ con số 0 lên 11 (10 giải cấp huyện, 1 giải cấp tỉnh).

Không những vậy, chị còn là cán bộ gương mẫu, yêu thương đồng nghiệp, học sinh và bà con dân tộc thiểu số. Với vai trò là trưởng nhóm tình nguyện tại Than Uyên (gồm 20 thành viên), từ tháng 12/2014 - 4/2015, chị cùng nhóm đã quyên góp và trao 80 hộp mì tôm, 1.640 vỉ váng sữa, 70 bao quần áo cũ và trên 100 chiếc áo mới… cho  hộ nghèo và học sinh các điểm trường, điểm bản khó khăn trong huyện. Hiện, nhóm tình nguyện của chị đang giúp nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi tiêu thụ gần 30 tấn dưa hấu…

14 năm công tác với 10 năm dạy học tại các trường vùng sâu, vùng cao, chị đã góp phần giúp giáo viên, học sinh tin vào năng lực bản thân, khơi dậy tài năng học sinh vùng cao.

P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...