Chủ nhật, 19/05/2024, 09:24 [GMT+7]

Nữ Anh hùng lao động nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ hai, 10/08/2015 - 21:26'
(BLC) - Sinh ra trên quê hương năm tấn (Thái Bình) nhưng bà Hoàng Thị Nhâm - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm lại mang sức trẻ, trí lực cho sự phát triển của mảnh đất phía cực Tây Tổ quốc (huyện Mường Tè). Những nỗ lực của bà trong việc tham gia xây dựng quê hương thứ hai này đã được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đó là Anh hùng Lao động Hoàng Thị Nhâm - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm (khu phố 8, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè).

Chúng tôi gặp bà những ngày cuối tháng 7 khi cả miền Tây bắc đang là tâm điểm của mùa mưa. Trên các cung đường vào thị trấn Mường Tè, rồi từ trung tâm Mường Tè đi các xã trong huyện vẫn thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do lở đường, sạt núi… khiến cho nữ Anh hùng Lao động trăn trở, bởi quê hương thứ hai của bà dù đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư nhưng vẫn còn nghèo khó.

Bà Hoàng Thị Nhâm (thứ nhất bên trái) kiểm tra thi công tuyến đường Pa Tần - Mường Tè.

Nhọc nhằn khởi nghiệp

Trong bộn bề công việc, bà vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp của bà khiến chúng tôi thầm thán phục nghị lực vươn lên của một người phụ nữ. Năm 1977, khi mới tròn 12 tuổi, bà đã khai “lận” lên 4 tuổi để đủ tuổi đi thanh niên xung phong. Rồi hai năm sau, cô thanh niên xung phong ấy lại viết đơn xin đi bộ đội. 6 năm sau, bà được phục viên, chuyển ngành về công tác tại Công ty Thương mại tỉnh Lai Châu (năm 1983). Những năm đầu sống và làm việc nơi cực tây Tổ quốc, cũng là quãng thời gian đầy chông gai, thử thách đối với bà. Nhiều lần trắng tay bởi những cơn lũ rừng, nhưng ý chí và nghị lực của “Bộ đội cụ Hồ” đã giúp bà vượt qua tất cả để có được thành quả như hôm nay.

Nhưng, theo bà, có lẽ bước ngoặt lớn của cuộc đời chính là từ năm 1990 khi bà xin chuyển công tác vào huyện Mường Tè, để rồi gắn bó với đất và người Mường Tè từ đó. Năm 1996, khi Chính phủ Quyết định đầu tư cho 500 bản nghèo các hạng mục công trình làm đường dân sinh và lớp học, bà mạnh dạn nhận và thi công lại các công trình. Và cũng từ đây, người phụ nữ rắn rỏi ấy dấn thân vào nghề xây dựng cơ bản, công việc mà nhiều người nghĩ rằng là việc của đàn ông.

Với những kinh nghiệm và vốn tích lũy được, đến năm 2004, Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm do bà làm giám đốc được thành lập với vốn điều lệ khoảng 5,7 tỷ đồng. Đến nay doanh nghiệp có tổng vốn cố định và lưu động hơn 100 tỷ đồng.

Thành công từ chữ "tín"

Gần 30 năm gắn bó với quê hương thứ hai Mường Tè, bà Nhâm là người thấu hiểu nỗi khổ của bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, bà chia sẻ: “Mình luôn tự nhủ, phải đóng góp một phần sức lực của mình để mang lại cho Nhân dân các vùng khó khăn cuộc sống tốt hơn, văn minh hơn. Chính vì vậy, những công trình được tham gia thi công, doanh nghiệp  luôn tìm mọi cách để hoàn thiện nhanh nhất gói thầu và chú trọng chất lượng để người dân sớm được thụ hưởng những thành quả của những công trình đó”.

Những công trình do Doanh nghiệp của bà thi công đều phát huy hiệu quả. Từ chất lượng nhưng công trình đã tạo nên uy tín của doanh nghiệp không chỉ với Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè mà còn với các chủ đầu tư. Từ đó, đơn vị được các chủ đầu tư lựa chọn thi công các công trình trọng điểm của huyện, tỉnh như: đường giao thông từ thị trấn Mường Tè đến Nậm Nhọ (xã Vàng San với chiều dài 20km, mức đầu tư 68,6 tỷ đồng); đường Mường Tè - Pa Ủ với tổng nguồn vốn 60 tỷ đồng; đường Pa Tần - Mường Tè; Thủy lợi Nậm Ty II (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) trị giá gần 15 tỷ đồng; thủy lợi Pa Mu, xã Hua Bum tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng… Qua đó, đơn vị đã tạo được việc làm ổn định cho 250 - 300 lao động, với mức lương từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Trong qúa trình thi công, bà luôn bám sát các công trường dù công trình ấy ở đâu, khó khăn như thế nào. Với bà, tiến độ và chất lượng công trình là máu, là thịt của cả cộng đồng, bởi khi hoàn thành những công trình ấy sẽ giúp cho đồng bào vùng cao biên giới bớt khó khăn hơn, đi lại thuận tiện hơn, con em đồng bào được ăn học đàng hoàng hơn… 

Chia sẻ với người lao động, cộng đồng

“Cô Nhâm luôn quan tâm tới đời sống của anh em công nhân lao động trong Doanh nghiệp. Cô đã chỉ đạo thành lập Công đoàn để chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên người lao động khi ốm đau hoạn nạn. Người lao động trong Doanh nghiệp được chi trả lương, thưởng, chế độ bảo hiểm, vệ sinh an toàn lao động kịp thời, đầy đủ. Cô còn chỉ đạo phải thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ… ” - anh Trần Văn Chiến, cán bộ kỹ thuật của Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm chia sẻ về quá trình hơn 5 năm công tác tại Doanh nghiệp.

Không chỉ sản xuất kinh doanh hiệu quả, bà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Sau 10 năm đi vào hoạt động, Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm đã ủng hộ trên 3 tỷ đồng cho các chương trình như: chăm lo giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, bà đã nhận đỡ đầu 15 học sinh mồ côi (từ 8 -18 tuổi) trên địa bàn huyện Mường Tè.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mường Tè cho biết: “Bà Nhâm và Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Hoàng Nhâm luôn là lá cờ đầu trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn là đơn vị tiên phong trong các hoạt động xã hội từ thiện trên địa bàn huyện”.

Với nỗ lực phấn đấu và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Tè, hoạt động an sinh xã hội, bà Hoàng Thị Nhâm được các cấp, bộ, ngành trao tặng rất nhiều phần thưởng, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và đặc biệt là danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực của người nữ anh hùng đã gắn bó với mảnh đất cực Tây Bắc Tổ quốc.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...