Chủ nhật, 19/05/2024, 10:33 [GMT+7]

Nữ Chánh án nghị lực

Thứ tư, 09/09/2015 - 10:54'
(BLC) - Dịu dàng, nhưng cương nghị và quyết đoán; tham gia xét xử trên 500 vụ án nhưng không có án hủy, án cải sửa - đó là nữ Chánh án Nguyễn Thị Lụa, thẩm phán tiêu biểu của ngành Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh.

Tâm huyết, quyết đoán

Có lẽ thừa hưởng truyền thống của gia đình cách mạng, bố là chiến sỹ Điện Biên, mẹ là thanh niên xung phong từ miền xuôi lên xây dựng Nông trường Điện Biên nên chị Nguyễn Thị Lụa luôn vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn, kiên định với mục tiêu đã xác định.

Với ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm, năm 1987 chị Lụa đã bén duyên ngành Tòa án, trở thành người “cầm cân nảy mực”, đảm bảo sự công bằng pháp lý cho xã hội. Năm 2004, tỉnh Lai Châu được chia tách, thành lập, chị Lụa cùng một số đồng nghiệp được điều động lên công tác tại tỉnh Lai Châu mới. Sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng với năng lực và hiệu quả công việc, năm 2014, chị được bổ nhiệm giữ chức Chánh án TAND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh (bên trái) trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND thành phố Lai Châu cho đồng chí Phan Thị Phương. Ảnh: Ánh Hồng

“Mình luôn đặt ra câu hỏi: phải làm gì, làm như thế nào để duy trì hoạt động của cơ quan, của ngành ổn định và không ngừng phát triển? Mỗi sáng thức dậy, mình đều nghĩ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của tổ chức và cấp dưới” - chị Lụa bộc bạch. Nhận nhiệm vụ mới, đối với chị, việc đầu tiên là tập trung sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân phụ trách từng lĩnh vực, tòa, phòng, huyện, thành phố. Đặc biệt là thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, bởi đó là yếu tố tiên quyết để lãnh, chỉ đạo hiệu quả.

Để mọi hoạt động đi vào nề nếp, chị chỉ đạo cho các tòa phòng thắt chặt quy chế, chấn chỉnh việc chấp hành thời gian, giờ giấc, tác phong, sắp xếp thời gian làm việc khoa học, hợp lý. Mọi công tác chỉ đạo, điều hành của chị đều nhất quán, cương quyết; các nội dung được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai. Anh Nguyễn Cao Sơn - Chánh Văn phòng TAND tỉnh, người có “thâm niên” công tác trong ngành nhận xét: “Làm việc dưới sự chỉ đạo, điều hành của nữ Chánh án Nguyễn Thị Lụa đã xóa tan trong tôi suy nghĩ, lãnh đạo trẻ, lại là nữ thường rụt rè, thiếu quyết đoán. Tôi rất khâm phục đồng chí lụa ở trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, sâu sát cơ sở và cách chỉ đạo, điều hành công việc hiệu quả, sát thực”.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Hiện nay, điều gì khiến chị trăn trở nhất? Không chút đắn đo, chị trả lời: “Tôi luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án”. Theo chị, chỉ khi đội ngũ thẩm phán “vừa hồng, vừa chuyên”, tinh thông nghiệp vụ thì mục tiêu hướng tới của ngành TAND: xét xử đúng người, đúng tội, không để oan sai mới thực hiện được. Đau đáu nỗi lo về nghề, trên cương vị là người đứng đầu ngành TAND tỉnh, chị luôn đặt ra mục tiêu: nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ. Hàng năm, hàng chục lượt cán bộ TAND 2 cấp được cử đi đào tạo. Ngoài ra, chị còn quan tâm đến củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ; bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại các chức danh để các cá nhân có cơ hội được thử thách ở nhiều vị trí khác nhau.

Với sự chỉ đạo đúng đắn cùng đội ngũ thẩm phán giỏi, từ năm 2010 đến nay, TAND 2 cấp không có án tồn đọng kéo dài, không xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Các vụ án được đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ghi nhận những nỗ lực trên, vừa qua chị Lụa được Chánh án TAND Tối cao vinh danh là Thẩm phán tiêu biểu. Đây là danh hiệu cao quý không phải ai cũng dễ dàng được trao tặng.

Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Khi ở cơ quan, chị là người lãnh đạo giỏi giang, năng động, về nhà, chị lại là người mẹ, người vợ đảm đang với những bữa cơm ấm cúng bên chồng và các con. Chị bảo: “Dù mình ở cương vị nào trong xã hội, cũng không được lơ là trách nhiệm với tổ ấm gia đình. Phụ nữ hay đàn ông, công danh, chức vụ rất quan trọng, nhưng không có một gia đình hạnh phúc thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Quả là vậy, làm lãnh đạo, chị Lụa thường xuyên phải đi công tác xa nhà, mỗi lần như vậy, chị lại chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để chồng, con ở nhà không phải vất vả chuyện chợ búa. Những ngày nghỉ cuối tuần, chị dành thời gian làm việc nhà, nấu những bữa cơm ngon để cả gia đình quây quần ấm cúng. “Muốn có một gia đình hạnh phúc thì vợ, chồng phải biết chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau” - chị Lụa chia sẻ. Bởi vậy, 2 con của chị luôn xem mẹ vừa là người bạn thân thiết, vừa là “thần tượng” của mình.

Chị quan niệm: Nếu mình làm tốt thì nói anh em mới nghe; làm chưa tốt thì không đủ sức để thuyết phục người khác. Đảm nhận nhiều vị trí quan trọng nhưng chị còn được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Với vai trò đó, chị đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ; tạo điều kiện để chị em dành thời gian chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chị cũng quan tâm cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, dân tộc thiểu số. Từ năm 2010 đến nay, đã có 14 lượt cán bộ nữ được đề bạt bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt như: Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp huyện, thành phố...

Chị Lụa còn là người giàu lòng nhân ái với những mảnh đời bất hạnh. Trong những lần về cơ sở xét xử lưu động, hình ảnh các em học sinh Trường Tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ) rét run trong chiếc áo mỏng giữa mùa đông lạnh giá như in đậm trong tâm trí chị. Xúc động trước hình ảnh đó, chị đã vận động cơ quan, các tổ chức đoàn thể quyên góp, ủng hộ, trao 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của nhà trường trước thềm năm học mới 2015 - 2016. Trước đó, cơ quan TAND tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, vì cuộc sống cộng đồng, trong đó có sự tham gia của chị Lụa.

Với những cố gắng không ngừng, từ năm 2005 đến nay, chị Lụa liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và cấp ngành Tòa án; được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh án TAND Tối cao. Song, “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi tham gia xét xử không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần làm trong sạch xã hội; đặc biệt là luôn có đồng nghiệp sát cánh, tham mưu hiệu quả giúp tôi đảm đương tốt trọng trách mà Đảng, nhà nước giao cho” - chị Nguyễn Thị Lụa chia sẻ.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...