Thứ hai, 06/05/2024, 17:55 [GMT+7]

Người giữ rừng tận tụy

Thứ sáu, 03/05/2013 - 14:31'
(BLC) - "Người giữ rừng" - chẳng biết từ bao giờ cái biệt danh ấy được bất kỳ ai quen biết gọi như vậy khi nhắc đến anh. Anh là Vì Văn Trung - cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ.

Khi chúng tôi tìm đến Trạm Kiểm lâm Pa Tần nơi "người giữ rừng" được phân công phụ trách, đúng lúc anh vừa đi rừng về. Trên khuôn mặt của người đàn ông mới ngoài 30 tuổi nhưng đã chai sạn vì nắng, gió, mưa rừng tôi thấy có nét gì khắc khổ, mệt mỏi trừ ánh mắt tinh anh ngời lên ý chí (tôi đoán và biết rằng đó là ý chí giữ rừng. Anh cười nói với chúng tôi: “Chính vì yêu rừng tôi mới làm nghề kiểm lâm. Quả thật, lắm lúc nhìn bạn bè trang lứa làm doanh nghiệp, doanh nhân giầu có, thành đạt, nhìn lại cái cơ ngơi của mình cũng thấy hơi chạnh lòng. Có lúc vợ, con, bạn bè cũng khuyên mình chuyển nghề nhưng biết làm sao được, màu xanh của rừng ăn vào máu mình rồi”.

Anh Trung hướng dẫn người dân bản Pa Tần 3 phát đường băng cản lửa.

Với anh, khoác trên người màu áo kiểm lâm không đơn thuần là sắc phục của người lính giữ rừng mà anh gửi vào đó là lòng say nghề, tình yêu màu xanh của những cánh rừng hùng vĩ nơi cuối trời Tây Bắc. Làm nghề kiểm lâm, anh Trung hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu.  “Cái khó nhất với một cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm là làm sao “giữ được mình” để không sa ngã trước những cám dỗ của đồng tiền các đối tượng buôn bán vận chuyển gỗ trái phép. Muốn vậy, phải có một bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, nếu không có bản lĩnh, tỉnh táo trong xử lý rất dễ nguy hiểm đến tính mạng, nghệ nghiệp và nhất là "ô danh" cái nghề mà mình đã chọn, đã yêu” - anh Trung bộc bạch. Có lẽ cũng vì thế khi nhắc đến tên anh, nhiều lâm tặc “lâm tặc” dù cứng đầu cũng phải khiếp sợ.

…tuyên truyền  bà con xã Pa Tần không phá rừng làm nương.

Anh kể: Vào năm 2012, khi anh còn phụ trách xã Tả Phìn, lúc đó vào tháng 11, anh cùng tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện đi tuần tra tại bản Suối Sù Tổng phát hiện có 3 đối tượng chở hai bao cây phong lan rừng. Khi tiến hành kiểm tra thì các đối tượng có ý định “mua chuộc” tổ công tác. Nhưng anh cùng đồng đội đã cương quyết lập biên bản tạm giữ hai bao phong lan rừng. Ngay sau đó, các đối tượng đã tấn công lại và dùng đá đập vào đầu đồng chí Nguyễn Văn Đạt trong tổ công tác gây thương tích. Sau khi gây án, 2 đối tượng Giàng A Của (34 tuổi), Giàng A Páo (36 tuổi), trú tại bản Nậm Vạc 1, xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn) đã bị bắt giữ và phải trả giá cho những lỗi lầm của mình.

 Đó là một trong 15 vụ anh cùng đồng đội tham gia vây bắt các đối tượng phạm pháp. Nhiều lần anh bị lâm tặc đe dọa rồi dụ dỗ song vượt lên tất cả, anh vẫn bình tĩnh tự tin làm tốt công việc của mình. Không chỉ kiểm soát buôn bán vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật rừng anh còn cùng đồng đội tích cực tuyên truyền cho bà con nhân dân trong xã tích cực bảo vệ rừng. Hàng ngày, người ta vẫn thấy anh “mòn dép” sang “tỉ tê” hết nhà này đến nhà khác để vận động bà con không nên phá rừng làm nương, không săn bắn thú rừng, còn rừng là còn sự sống. Nghe anh tuyên truyền giải thích nhiều, bà con trong xã ủng hộ làm theo. Chính vì thế mà đến nay, Pa Tần là một trong những xã bảo vệ và phát triển rừng đứng đầu huyện.

Anh Trung chia sẻ: Muốn vậy, mình phải nói được tiếng của đồng bào, hiểu được phong tục tập quán của họ và cùng với đồng bào xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, canh tác bền vững để hạn chế áp lực vào rừng. Cứ từng bước, từng bước thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, phá rừng làm rẫy, thay đổi tập quán du canh, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định và tham gia tích cực vào công tác trồng rừng. “Chỉ có gần dân, hiểu dân và hết lòng vì dân thì họ mới tin, mới nghe và mới làm theo được.” Anh Trung đúc kết.

“Nghề kiểm lâm của bọn mình là thế đấy. Cứ hình dung đơn giản thế này: “Rừng là vàng”, kiểm lâm giữ rừng nghĩa là họ làm cái công việc bảo vệ những “kho vàng” cho đất nước, rồi mọi người sẽ hiểu công việc của mình thôi” – với suy nghĩ và việc làm của anh chúng tôi đã hiểu vì sao bà con gọi anh là “người giữ rừng”.

Chia tay anh chúng tôi đã thầm mong anh chân cứng đá mềm để những cánh rừng ở Sìn Hồ mãi xanh tươi.

 

Anh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...