Thứ sáu, 17/05/2024, 15:26 [GMT+7]

Người giữ tiếng đàn, tiếng sáo Si La

Thứ tư, 11/09/2013 - 16:02'
(BLC) – Trăn trở trước nguy cơ thất truyền những nét văn hoá truyền thống, ông Pờ Chà Nga, một nghệ nhân ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè đã và đang cố gắng truyền cho thế hệ trẻ cách làm nhạc cụ và những tiếng đàn, tiếng sáo truyền thống của dân tộc mình.

Mỗi khi đi nương, lên rẫy về ông Pờ Chà Nga luôn vác theo cây tre, cây nứa để chế tác nhạc cụ, bởi ông là người nổi tiếng với tài đàn, sáo trong cộng đồng dân tộc Sila nơi đây. Ở cái tuổi đã gần 60 nhưng ông vẫn mang bầu nhiệt huyết văn hoá, văn nghệ và luôn tâm nguyện làm thế nào để truyền lại cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc Sila và giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông đã dạy cho con cháu từ cách chế tác nhạc cụ đến cách thổi sáo, kéo đàn.

Ông Pờ Chà Nga đang truyền đạt cách chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống cho con em trong bản.

Dân tộc Sila có ba loại nhạc cụ: sáo, đàn ba dây và khèn lá. Riêng sáo, có sáo mẹ và sáo con, mỗi loại mang âm hưởng khác nhau. Muốn chế tác được nhạc cụ tốt cũng không đơn giản chút nào, phải chọn cây tre, cây nứa thẳng, mỏng vừa tầm, có đôi tay khéo léo, biết thẩm âm trong việc chế tác nhạc cụ. Ông Pờ Chà Nga cho biết: “Học đàn, sáo cũng phải tâm huyết, say mê và có năng khiếu. mỗi người có cách chơi riêng, ta có thể dễ dàng nhận biết tiếng đàn tiếng sáo của thanh niên hẹn hò gọi nhau đi chơi, hay là người lớn đang ở đâu, làm gì”.

Những buổi truyền dạy của ông Nga luôn thu hút các nam thanh niên đến chăm chú theo dõi ông từng động tác chi tiết cụ thể. Ông vừa dạy cách chế tác nhạc cụ vừa dạy thổi sáo, chơi đàn và lí giải về mục đích ý nghĩa của từng loại nhạc cụ: sáo con dùng cho thanh thiếu niên gọi nhau đi làm hay đi chơi; sáo mẹ cho người lớn tuổi; đàn ba dây là của các chàng trai kéo vào buổi tối, đêm khuya và sáng sớm. Được truyền đạt cách chế tác và cách sử dụng các dụng cụ truyền thống của dân tộc mình, anh Pờ Chà Tới vui vẻ nói: “Nhờ có ông Nga chúng tôi đã hiểu được những giá trị quý báu của loại nhạc cụ và biết thổi sáo, đánh đàn. Tôi sẽ thường xuyên cùng với mọi người luyện tập để phát huy và bảo tồn những làn điệu độc đáo của Sila, góp phần gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình”

Với niềm đam mê nghệ thuật, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ông Nga đã cùng với một số nghệ nhân như ông Hù Chà Khao và bà Hù Cố Xuân khôi phục, truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu, dân ca, dân vũ và nhạc cụ của người Sila. Để từ đó, những âm điệu đơn sơ, mộc mạc như lời của núi rừng, như lời của muôn thú, sự hòa quyện giữa thiên nhiên với con người, cái tình của núi rừng còn mãi với thời gian với dân tộc Sila.

 

Đức Thiện - Đài PT – TH Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...