Thứ sáu, 17/05/2024, 14:00 [GMT+7]

Người vỡ hoang…

Thứ năm, 23/02/2012 - 19:02'
(BLC) - Ông là một trong hai người có trình độ y học cao nhất cả tỉnh, nhiều người cho rằng ông là “công thần khai quốc” cho ngành y tế tỉnh nhà, đôi khi ông lại xuất hiện trước các văn nghệ sỹ bằng cái tôi rất thơ qua các bài hát “rút ruột” đầy chất chiêm nghiệm. Cánh nhà báo thì ưa gắn cho ông cái mỹ danh “linh hồn ngành y” của tỉnh nhà nhưng ông lại chỉ luôn cho rằng mình xứng với cái phận “người vỡ hoang”…

 Ông là Thầy thuốc Ưu tú, Bác sỹ Chuyên khoa II, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu - Nguyễn Công Huấn.

Tôi không biết gì nhiều về ông. Những lời kể, giới thiệu về ông chỉ giúp tôi mường tượng về một “quan chức” ngành y xung quanh lúc nào cũng có dăm bẩy “tuỳ tùng” kè kè bợ đỡ, trước mặt người khác phải là người có rất nhiều khẩu hiệu “kêu” đôm đốp về những y đức, y nghiệp, cùng những cái bắt tay hờ hững và một cái cặp rõ to trong đó chứa vô vàn điều to lớn… Năm tao bẩy tuyết, điện đỏ điện xanh mãi tôi mới hẹn gặp được ông mà trong lòng cứ nơm nớp lỡ mình nói hớ.


Đồng chí Nguyễn Công Huấn đón nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú.

Người nhân viên đưa tôi vào một căn phòng trông như nơi làm việc của một nhân viên hành chính chỉ có vài cái ghế ngồi, một chiếc bàn làm việc bằng gỗ đơn giản và một tủ hồ sơ, một bộ ấm chén giản đơn và không gì khác. Một người đàn ông đứng tuổi bước vào với nụ cười đi trước và một cái bắt tay không hề xã giao chút nào. Ông mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay đơn giản, đôi giầy giản dị nhưng đủ lịch sự, một chiếc đồng hồ cũ cũ đeo tay và có lẽ trong suốt quãng đời phóng viên của mình tôi chưa gặp ánh mắt nào ấn tượng đến vậy. Nó như đang cười chào tôi, lại như đang kể về một câu chuyện nào đó xa xăm, nơi khoé mắt lại có cái gì đau đáu mà đến giờ này tôi cũng chưa hiểu được. Qua lời giới thiệu tôi biết ông là nhân vật cho tác phẩm của mình và chợt bật cười về sự giản dị đó với những hình dung có phần hơi lố của mình.

Đồng chí Nguyễn Công Huấn (người đứng thứ ba từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Buổi phỏng vấn của tôi trở thành một buổi nói chuyện thân mật như giữa hai người trong gia đình bởi cách nói chuyện rất tự nhiên, hồn hậu và chân thành của ông. Lịch sử thăng trầm với thời gian đô hộ của thực dân, sự mục ruỗng của chế độ phong kiến đã đẩy những người dân ở vựa lúa Thái Bình - vùng (đáng lẽ phải) ấm no đến cảnh bần cùng và gia đình ông cũng vậy. Có lẽ gia đình ông là tiêu biểu cho sự bất hạnh của người dân thời đó. Ông nội của ông bị giặc bắt đi làm ở đồn điền cao su đến nay vẫn chưa có tin gì, bà nội và người chú duy nhất của ông thì bị chết đói. Bố ông may mắn thoát chế đói vì có sức khoẻ và được địa chủ nuôi (kể đến đây tôi thấy ông cứ xoay xoay chén trà, không đưa lên uống còn ánh mắt lại thay đổi dữ dội và xa xăm). Lịch sử gia đình của ông sang trang mới khi có Đảng, khi đó dưới ánh sáng của cách mạng bố của ông tham gia cách mạng và trở thành một đảng viên đầy trách nhiệm… Khi ông đang học những ngày cuối của bậc học phổ thông thì bố của ông theo tiếng gọi của Đảng lên xây dựng kinh tế ở Tây Bắc và từ đó số phận của ông đã gắn với nơi chỉ có núi với rừng này. Khi ông đưa tay ký vào bản đăng ký dự thi vào trường Trung học Y tế Lai Châu (nay là Điện Biên) ông cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng gia đình mình, quê hương mình có rất nhiều người phải bỏ mạng vì thiếu thầy, thiếu thuốc chứ chẳng biết rằng đó là “bản cam kết” gắn chặt cuộc đời ông với Lai Châu… Ánh mắt ông chợt rạng rỡ hơn, hàng mi thôi rủ cụp sau tiếng thở dài có vẻ nhẹ nhõm: “Ba năm học ở trường y tôi đều là học sinh giỏi, xuất sắc đấy!” Bởi thành tích đó cùng với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, ông là sinh viên duy nhất được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Có lẽ ông sẽ chẳng bao giờ trở thành “người vỡ hoang”, không bao giờ là hình ảnh không quên của rất nhiều người dân và cuộc đời sẽ chỉ bén duyên với bảng đen và phấn trắng nếu khi đó hoài bão, ước mơ cống hiến của ông không đủ lớn. “Thời đó ai chẳng muốn ở lại trung tâm của tỉnh bởi ở đó thuận lợi. Thế nhưng mình lại muốn được đi…” Và thế là ông được đi thật, đi để đến với những gian nan vất vả của cán bộ y tế vùng cao, để xây dựng nên chân dung của người vỡ hoang mà hôm nay tôi được tiếp xúc và nể phục.

Từ một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà nơi cao nhất chỉ là mái của các nhà máy chế biến lương thực vậy mà lần đầu tiên ông phải vượt qua chính mình với thử thách là hai ngày đi bộ ròng rã trèo đèo lội suối từ xã Mường So lên làm cán bộ y tế xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ). “Tớ chỉ được cắm ở đó có 3 năm. 3 năm đó tớ không nhận được bằng khen, danh hiệu gì nhưng lại là quãng thời gian làm nên bản lĩnh cho chính mình”. Có lẽ vậy. Nếu không được trui rèn trong khó khăn, không hình thành được một bản lĩnh thực sự khó ai có thể trụ vững ở cái nơi mà cúng ma vẫn chiếm vị trí tối thượng và luôn đối nghịch với y học hiện đại. Không có bản lĩnh có lẽ ông đã rời bỏ căn nhà tường thưng bằng nứa cứ mỗi độ mùa đông đến lại trở thành đồng minh của sương gió để hành hạ chàng cán bộ y tế xã cao hơn một mét bẩy mà nặng có năm lăm cân. Chỉ có bản lĩnh mới giúp ông tháng nào cũng vượt quãng đường dốc đứng mà chiều dài được đo bằng ngày với cơm nắm ấy. Thậm chí có lần ông suýt bị vùi thân dưới dòng suối Ma Ly mùa lũ nhưng ông vẫn coi đó là chuyện vốn nó phải thế. Rồi những đận phải đi đào củ mài khắp đồi này núi khác hay hình ảnh mâm cơm chỉ có tròng trọc rau rừng chấm muối… “Tình cảm. Có lẽ tình cảm của bà con giúp mình có thêm nghị lực.” Sự nghiệp “vỡ hoang” của ông bắt đầu từ đây. Tình cảm của bà con tiếp thêm sức cho ông, từ bản gần đến những bản cách trung tâm xã cả nửa ngày đường, hễ có tin người bệnh dù không mời ông cũng một gậy, một túi lên đường. Thời đấy ở đây còn rất nhiều chó dữ ấy vậy mà đi miết thành quen, chẳng con nào thấy ông mà dám giờ trò xừng xộ. Khám bệnh kết hợp với tuyên truyền, từ chỗ người dân coi thường rồi dần dần họ yêu mến. “Lạ thật đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao họ gọi tôi là Y sinh. Cứ thấy Y sinh đến bản là bà con mời, kéo khó mà dứt ra được”. Không phải ngẫu nhiên mà ông được bà con quý mến nếu ông không nhiều lần đưa được những người đã đến tới quỷ môn quan trở về với cuộc sống. “Kỷ niệm thì nhiều lắm, những ca bệnh thập tử nhất sinh như vậy cũng chẳng nhớ hết. Có thể đó chỉ là bệnh viêm phổi, bệnh tiêu chảy nhưng người dân chủ quan nên nguy kịch…” Ông chợt im bặt, cắn môi mãi mới bật ra được câu nói mà hai mắt cứ ầng ậng: “Có một em bé, trông rất hồng hào khoẻ mạnh nhưng bị viêm phổi nặng, khi tôi biết thì em đã rất nguy kịch. Hà hơi thổi ngạt, ấn kích tim, tiêm trợ lực… nhưng em cứ lả dần. Khi em mất người tôi sởn gai. Không phải tôi sợ mà đó là cái cảm giác gai người hẫng hụt như thể mình vừa mất đi cái gì đó thân thiết lắm. Đáng lẽ bây giờ em đã lớn nhưng người nhà báo muộn quá!”

3 năm gắn bó với Sì Lở Lầu tuy không dài nhưng dường như ông đã là người con của đất ấy và bà con cũng coi ông như một thành viên của cộng đồng này. Ngày ông chia tay về làm ở tổ Truyền thông Giáo dục sức khoẻ (Sở Y tế Lai Châu cũ) có người khóc, có người chỉ lầm lỳ nắm chặt vai ông, lại có người bịn rịn địu con đuổi mãi theo ra tận đầu dốc Ma Ly, mếu máo dúi vào tay Y sinh hai quả trứng gà luộc…

Làm công tác truyền thông 3 năm rồi tiếp đó đến năm 1985 ông được điều làm Phó trưởng Trạm Phòng chống biếu cổ và đến năm 1993 ông lại được điều giữ chức Giám đốc Trung tâm phòng chống Phong - Da liễu của Sở. Quãng thời gian này là thời kỳ lộ rõ tài năng của ông. Đến giờ ông vẫn tự hào là một trong những cán bộ y tế hiếm hoi đã đi gần như hết tất cả các xã, bản của tỉnh Lai Châu (cũ) để điều tra tình trạng bướu cổ, thiếu i ốt của người dân, điều tra tình trạng bệnh phong. Cũng từ đây các công trình nghiên cứu khoa học như “Điều tra tỷ lệ mắc bướu cỏ ở Lai Châu, nguyên nhân và giải pháp phòng bệnh”; “Đánh giá hiểu quả sau 3 năm sử dụng mối i ốt phòng chống bướu cổ ở Lai Châu”; “Nghiên cứu độ tàn phế của bệnh nhân phong mới phát hiện”… được ra đời và công trình nào cũng được xếp loại ưu để áp dụng vào thực tế. “Mỗi công trình đó tôi đều dành rất nhiều tâm huyết. Khi những công trình đó đưa vào áp dụng thì bệnh phong, bệnh bướu cổ được đánh bật gần như hoàn toàn”. Thành công là vậy nhưng ông là người vỡ hoang nên cứ mỗi khi nhiệm vụ chỉ còn phần tổng kết thì ông lại được đưa đi “khai hoang” ở nhiệm vụ mới và lần này là làm Hiệu trưởng Trường Trung học Y tế Lai Châu” vào năm 1999. Cái danh hiệu trưởng nghe thì vậy nhưng thời đó trường đang đứng trước khả năng giải thể vì thiếu người học. Khi ông về, kiến thức từ thực tế đã giúp ông mở ngay được những lớp đào tạo tự túc, không phải là bao cấp nữa, sau khoá đó học sinh môi năm một đông hơn. Dưới bàn tay lãnh đạo của ông trường Y Điện Biên được xây dựng và đến nay trở thành một trong những trường đào tạo cán bộ y tế nổi tiếng nhất Tây Bắc bộ nói riêng và miền bắc nói chung. Tuy là trường Trung học nhưng những trang thiết bị, cơ sở hạ tầng thậm chí những trường Cao đẳng cũng không có được. “Các nguồn tài trợ, sự đầu tư của tỉnh đã giúp chúng tôi có được cơ ngơi ngày hôm nay”. Ngày ấy trước các sinh viên, ông không chỉ xuất hiện trước các sinh viên với tư cách là một hiệu trưởng mà còn là một nhân vật rất “thơ” với những bài hát rút ruột về ngành.

Khi mà trường đã đông vui trở lại thì vị tướng tiên phong ấy lại được chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu để chuẩn bị chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới lên công tác tại tỉnh mới. Lên “vỡ hoang” ở Lai Châu ông lại gánh vác, xây dựng ngành Y tế của tỉnh mới với tất cả mọi thứ đều mới trở thành một ngành ngày càng vững mạnh cả về con người và cơ sở vật chất. “Không đơn giản như mình nghĩ. Việc xây dựng này còn vất hơn xây nhà một mình ấy chứ. Khi căng thẳng tôi lại tìm đến nhạc, và bây giờ, tôi cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng tôi tin những người tiếp sau mình sẽ có một mảnh đất mầu mỡ để cái cây phúc của nghề cứu người ngày một tốt tươi”. Ý thức rất rõ ràng về nghề nghiệp nên trong thời gian này ngoài việc chuyên môn ông còn tranh thủ nghiên cứu  đề tài khoa học “Đánh giá khả năng chống tái nghiện sau cai bằng thuốc Cedemex tại các trung tâm cai nghiện tỉnh Lai Châu” đạt loại Khá. Công sức của ông đã giành giật được nhiều số phận con người trước những lưới hái êm ái, mê hoặc của ma tuý…

Buổi nói chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi chuông điện thoại, trong loa máy tôi nghe thấy ông sắp được vinh danh: “Thầy thuốc nhân dân”. Chúc mừng ông - người vỡ hoang. Vậy là ông lại sắp khai hoang xong “mảnh đất y tế Lai Châu” nữa rồi.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...