Thứ sáu, 17/05/2024, 18:03 [GMT+7]

Nghị lực của chị Tế

Thứ năm, 20/02/2014 - 08:19'
(BLC) - Bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, chị Thùng Thị Tế (sinh năm  1964, dân tộc Giấy) đã vươn lên thoát nghèo, trở thành người phụ nữ tiêu biểu của bản Cò Lá, thị trấn Tam đường, huyện Tam Đường.

Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng chị Tế sáng xuống ruộng, chiều lên nương khai hoang, mở rộng diện tích. Thấy bà con trồng chè có thu nhập, chị bàn với chồng vay mượn mua giống trồng chè. Cây chè đúng là có thu nhập nhưng để được thu hoạch thì lâu. Nhìn cây chè cứ lẳng khẳng chị không dám tin đó là cứu cánh cho kinh tế gia đình.

Chị Tế kiểm tra sự sinh trưởng của nấm.

Những trảng đất đầu thừa đuôi thẹo, lắm đá ít mùn người ta chê thì vợ chồng chị tận dụng canh tác. Kê đá, phá gốc mãi rồi những thửa ruộng cũng hình thành và diện tích ruộng cũng dần tăng lên. Có ruộng nhưng trồng, cấy cây gì lại là câu hỏi lớn. Khi nhà nước có giống mới chị đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích gieo trồng sang trồng các giống lúa mới. Đồng thời tích cực tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin để biết cách sử dụng phân chuồng và phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Trời chẳng phụ công người, trung bình mỗi năm chị thu trên dưới 40 bao thóc. Lúc này, đồi chè rộng 5.000m2 của gia đình chị cũng được thu hoạch. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, năm nhiều bù năm ít, năm nào chị cũng tiết kiệm gần chục triệu đồng từ bán chè búp tươi.

Khi 3 đứa con đã lớn có thể giúp đỡ bố mẹ, chị đầu tư nuôi trâu. Hiện đàn trâu của gia đình chị đã lên tới 18 con. Thời điểm nông nhàn, chị xay bột, làm bánh bán. Dưới bàn tay khéo léo và tỷ mỷ của chị, các loại bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng, bánh dày như ngon hơn và được khách hàng ưa chuộng. Bây giờ, mỗi sáng chị cũng thu được gần một trăm nghìn đồng.

Làm bánh chưa đủ, chị tranh thủ học thêm nghề trồng nấm. “Tuy có vất vả nhưng trồng nấm cũng cho thu nhập cao. Có vụ được mùa tôi thu nhập tới 30 triệu đồng”. Nói nghe thì dễ nhưng tiếp cận với nghề mới thật chẳng dễ chút nào. Một chút sao nhãng, nóng một tý, khô một tẹo là đổ đi cả bạc triệu. Có lần trời lạnh quá, nấm không phát triển được, túi nấm không vàng mà cứ đen lại. Thế nhưng nhìn rõ cơ hội và lợi thế, chị vẫn quyết không bỏ nghề thậm chí còn đầu tư một ngôi nhà cho nấm. Nhờ biết áp dụng các kiến thức tiên tiến và chịu khó nên ngôi nhà nấm của chị hầu như chưa lúc nào hết nấm. Với mức giá trung bình 60 ngàn đồng/kg, mỗi ngày chị cũng thu thêm vài trăm nghìn đồng từ nấm.

Làm ăn giỏi nhưng điều chị cảm thấy hạnh phúc không phải là tiền mà là “của để dành” - mấy đứa con được học hành đến nơi đến chốn. Cả 3 con của chị đều chăm ngoan học giỏi và đều thi đỗ đại học. Đến nay, 2 con gái đầu đã tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định; con út cũng sắp tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên. Tấm gương từ gia đình chị đã trở thành động lực để con em trong bản hăng say hơn trong học tập. Gia đình chị nhiều năm liền được nhận danh hiệu gia đình hiếu học.

Ông Hoàng Văn Kìn - Trưởng bản Cò Lá nhận xét: “Gia đình chị Tế rất chịu khó, có nghị lực và biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong cuộc sống, chị Tế giúp đỡ nhiều hộ nghèo về kinh nghiệm, vốn và trở thành tấm gương cho nhiều người học tập”.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...