Thứ tư, 15/05/2024, 21:43 [GMT+7]

"Nói ít, làm nhiều"

Thứ tư, 07/09/2016 - 08:20'
(BLC) - Với phương châm đó, cựu chiến binh (CCB) Mai Viết Duy - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) không chỉ là tấm gương về sự mẫu mực, tận tụy với công tác Hội mà còn tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình.

Hiền từ, giản dị - đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với CCB Mai Viết Duy tại Hội nghị tổng kết thi đua “CCB làm kinh tế giỏi” lần thứ IV giai đoạn 2011 - 2016 do Hội CCB tỉnh tổ chức cuối tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, qua câu chuyện ngắn ngủi bên ngoài hội trường, cảm nhận đó dần thay đổi, nhường chỗ cho sự cảm phục ý chí, nghị lực vượt khó của người lính Cụ Hồ thông qua câu chuyện ông kể về cuộc sống, công việc thể hiện rõ tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, hết mình vì đồng đội.

CCB Mai Viết Duy nắm bắt thông tin thị trường qua Báo Lai Châu.

Theo lời kể của ông, sinh ra ở vùng quê lúa Thái Bình, năm 1984, chàng thanh niên đang tuổi đôi mươi tình nguyện lên đường nhập ngũ và tham gia chiến dịch biên giới Hà Giang. Năm 1987, hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, cũng như các gia đình khác trong làng cuộc sống của ông quanh năm suốt tháng chỉ là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mỗi năm thu về 2 vụ lúa. Nếu bám vào đồng ruộng thì khó thoát nghèo, ông quyết định lên Tây Bắc thực hiện ước mong làm giàu bằng sức trẻ và bản lĩnh được tôi luyện trong quân ngũ. Năm 1990, ông xây dựng gia đình và khởi nghiệp bằng đầu tư chăn nuôi lợn. Tích tiểu thành đại, ông duy trì nuôi từ ít đến nhiều, để rồi từ tay trắng cả về vốn lẫn kinh nghiệm 10 năm sau gia đình ông lần đầu tiên xuất chuồng lứa lợn 35 con, thu về 17 triệu đồng (số tiền khi đó rất lớn và mơ ước bao năm của gia đình).

Trải qua những thăng trầm trong chăn nuôi đủ để một người lính như ông nhận ra khí hậu vùng cao Sìn Hồ không phù hợp để có thể làm giàu từ mô hình này, do thời tiết quanh năm lạnh, dễ phát sinh dịch bệnh cũng như giảm khả năng chống chịu của gia súc. Và, ông đã chuyển sang ngã rẽ mới, đó là đầu tư xưởng cơ khí (chuyên hàn xì làm mới cổng, cửa, mái tôn, sửa chữa các loại dụng cụ sản xuất nông nghiệp). Đang trong lúc khó khăn về vốn, ông được Hội CCB thị trấn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 37 triệu đồng từ các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Nhờ số tiền đó giúp ông mở rộng quy mô nhà xưởng. Từ năm 2001 đến nay, ông đã đào tạo và tạo việc làm cho từ 5 - 7 hội viên CCB và thanh niên với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ giữ chữ tín trong kinh doanh nên xưởng cơ khí của gia đình ông trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng xa gần. Với doanh thu hàng năm bình quân đạt 200 triệu đồng (trừ chi phí), ông có điều kiện đầu tư cho các con ăn học. Không phụ sự kỳ vọng của bố, các con ông nỗ lực học tập, thành đạt và có việc làm ổn định.

Khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của người trụ cột gia đình, ông có thêm niềm tin để lãnh, chỉ đạo xây dựng Hội CCB thị trấn phát triển vững mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng của các cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, ông cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện với quyết tâm cao nhất. Trong đó, trọng tâm là cuộc vận động xóa đói giảm nghèo được Hội triển khai sâu, rộng cho cán bộ, hội viên CCB tham gia học tập. Hội đã làm tốt vai trò là cầu nối thông qua tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 186 hội hội viên CCB vay vốn với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Các hội viên làm nông nghiệp thì đầu tư nuôi trâu, bò để sinh sản và tạo sức kéo, nuôi lợn, gà với phương châm lấy ngắn nuôi dài đối với hội viên làm nông nghiệp, còn các hộ kinh doanh dịch vụ mở rộng, đa dạng các mặt hàng. Có thể khẳng định, đồng vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Đối với công tác Hội, ông thường xuyên truyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ các cấp đến cán bộ, hội viên CCB. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, quần chúng Nhân dân và phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở.

Chia sẻ bí quyết xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, ông Duy cho biết: Hội phải có phương pháp thích hợp, lấy vận động, thuyết phục là chính, thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của CCB, nhất là việc thực hiện các chế độ chính sách đối với hội viên CCB… Đây chính là sợi chỉ đỏ để gắn kết hội viên với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, phát hiện, uốn nắn những biểu hiện tiêu cực. Một điều quan trọng là không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên từ thị trấn đến từng chi hội bản. Mỗi cán bộ, hội viên phải thường xuyên phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực công tác, thực sự là tấm gương đạo đức cho các thế hệ noi theo. Tổ chức đăng ký giao ước thi đua giữa các đoàn thể, cán bộ, hội viên, từ đó tạo ra phong trào thi đua và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Không chỉ xứng đáng là “đầu tầu” gương mẫu trong gia đình, Hội CCB, ông Duy còn luôn quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ. Tính đến nay, ông đã có thâm niên 25 năm tham gia làm trưởng ban phụ huynh, chủ tịch, phó chủ tịch hội khuyến học các nhà trường trên địa bàn thị trấn. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, ở cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng sâu sát, quan tâm đến thế hệ trẻ. Trong đó, ông thường xuyên khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và đến nhà thăm hỏi tình hình, tìm cách giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Đền đáp sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của địa phương, nhiều năm liền ông Duy được Trung ương Hội Khuyến học, UBND tỉnh khen thưởng trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Được biết thêm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 5 năm qua, gia đình ông đã ủng hộ các cháu học sinh trên 40 triệu đồng; khen thưởng cho các cháu là con hội viên CCB học giỏi và tặng 30 áo len cho học sinh nghèo. Đầu năm nay, ông đã ủng hộ, giúp đỡ ngày công và vật chất trị giá 5 triệu đồng cho hội viên Lò Văn Ụi (CCB xã Noong Hẻo) xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội; ủng hộ quỹ Người cao tuổi thị trấn 3 triệu đồng; ủng hộ nhà sinh hoạt cộng đồng 1 triệu đồng…

Những cống hiến của ông Duy trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và quan trọng hơn hết là ông đã minh chứng một điều dù thời chiến hay thời bình, các thế hệ CCB vẫn luôn giữ vững bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...