Chủ nhật, 19/05/2024, 18:54 [GMT+7]

Tỷ phú bên dòng Nậm Dê

Thứ hai, 11/05/2015 - 16:26'
(BLC) - Ông Vũ Văn Cảnh (57 tuổi ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã chinh phục được nguồn nước suối Nậm Dê (bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) để nuôi thả cá tầm. Ông trở thành tỷ phú bên dòng Nậm Dê với doanh thu hàng năm trên 7 tỷ đồng từ trang trại cá tầm.

Chinh phục nguồn nước

Dọc 2 bên bờ suối Nậm Dê là những phiến đá cuội ngổn ngang, sức người khó có thể xoay vần nổi nhưng ông Cảnh đã cải tạo mặt bằng, xây dựng trang trại, tận dụng nguồn nước nuôi thả cá tầm. Đây là kỳ tích hiếm có bởi chỉ riêng tiền thuê máy xúc, ủi mặt bằng, xây dựng bể và lắp đặt hệ thống dẫn, thoát nước đã “ngốn” mất số tiền lớn. Ông Vũ Văn Cảnh vẫn phong cách quần xắn gối, chân đi dép tổ ong điều khiển xe ôtô hàng tỷ đồng ngồi chia sẻ với chúng tôi về “cái duyên” của mình khi chinh phục dòng Nậm Dê.

Ông Cảnh vốn là kỹ sư chuyên ngành khảo sát xây dựng thuỷ điện khu vực Tây Bắc (Bộ Xây dựng). Trong chuyến công tác tại 2 tỉnh: Sơn La và Lai Châu cuối năm 2008, duyên may đến với ông khi dừng chân nghỉ tại nguồn nước trong vắt, mát rượi của suối Nậm Dê. Bấy giờ, ông nẩy ra ý định trở lại Lai Châu lập nghiệp. Sau khi nghỉ chế độ hưu trí, năm 2009, ông Cảnh đến xã Sơn Bình và chuẩn bị mặt bằng, nguồn nước nuôi thí điểm 3 vạn cá tầm thương phẩm đầu tiên. Khó khăn lớn nhất của ông thời ấy là cá giống phải nhập từ nước ngoài (Trung Quốc, Nga) tỷ lệ sống thấp (đạt 40%) do thời gian vận chuyển cá bột lâu ngày (từ 5 - 7 ngày trong bịch nilon) khó thích nghi với môi trường, khí hậu, nguồn nước, sức đề kháng kém. Năm đó, ông thua lỗ hơn 200 triệu đồng tiền mua thức ăn cho cá và công lao động.

Ông Vũ Văn Cảnh (bên phải) kiểm tra thiết bị, máy ương cá bột.

Không nản chí, 3 năm (2010 - 2012), ông tiếp tục nhập ngoại hơn 10 vạn cá bột về trang trại nuôi thả cá tầm thương phẩm. Ông luôn quan tâm, chăm sóc cá tầm đúng kỹ thuật từ chế độ nước ra, vào bể đến việc cho ăn đúng bữa, đủ chất. Nhờ đó, tỷ lệ cá bột sống đạt từ 55 - 60% (tăng từ 15 - 20% cá bột sống so với năm đầu ông nuôi thả cá tầm). Nhưng khi bán cá thương phẩm, ông tiếp tục thất bại do thị trường cá tầm từ bên kia biên giới nhập lậu sang nước ta khá nhiều nên rớt giá. Thua lỗ, nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, ông buồn bã, mất ngủ hơn 1 tuần, suy ngẫm về thất bại của mình.

Doanh thu tiền tỷ

Sau những lần thất bại, ông Cảnh đúc kết được kinh nghiệm để tìm ra hướng đi mới cho trang trại. Giữa năm 2013, ông mạnh dạn đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I (Hà Nội) nhờ chuyển giao kỹ thuật ương thành công một vạn cá bột. Năm 2014, ông tiếp tục mở rộng thêm 50 bể ương 4 lứa cá bột, hơn 20 vạn con. Đến nay, ông đã chủ động được giống cá tầm, không phụ thuộc vào việc nhập giống từ nước ngoài, tránh rủi ro trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, 2 năm qua, ông đã xuất bán hơn 30 vạn cá bột (thu nhập hơn 2 tỷ đồng).

Theo các hộ dân mua giống cá tầm của ông Cảnh thì cá bột phàm ăn, chóng lớn, tỷ lệ sống đạt 98% vì cá này đã thích nghi với môi trường, khí hậu ở địa phương nên sức đề kháng với bệnh tật và thời tiết khá tốt. Để bà con nuôi cá tầm thương phẩm thành công, trước khi xuất bán cá bột, ông Cảnh đến tận nhà kiểm tra nguồn nước, hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh bể nuôi sạch sẽ. Bởi cá tầm là loài hoang dã, thích nghi với nước sạch, mát. Ông chủ động mua giúp bà con thức ăn cho cá tầm đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng không tính lãi. Nhận bao tiêu sản phẩm cá tầm cho bà con để tránh tư thương ép bán giá thấp.

Ông Cảnh còn duy trì tốt việc nuôi cá tầm thương phẩm tại trang trại. Năm 2014, ông xuất bán ra thị trường hơn 20 tấn cá tầm thương phẩm, thu nhập hơn 5 tỷ đồng (nâng tổng doanh thu từ trang trại cá tầm của ông lên hơn 7 tỷ đồng/năm). Giờ đây, sản phẩm cá tầm của ông Cảnh đã được bày bán tại các siêu thị lớn ở Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Vũ - Công nhân Phụ trách kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm cho biết: “Hiện nay, ông Cảnh đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 công nhân chăm sóc trang trại cá tầm với mức lương ổn định từ 4 - 15 triệu đồng/người/tháng. Ông Cảnh rất chú trọng hướng dẫn anh, em công nhân kỹ thuật nuôi, ương cá tầm”.

Khi tôi hỏi về dự định cho tương lai, ông Cảnh phấn khởi nói: “Sắp tới, tôi sẽ cải tạo mặt bằng, xây thêm 20 bể nuôi thả cá tầm thương phẩm với quy mô lớn và sản xuất trứng cá tầm xuất khẩu. Mục tiêu của tôi là tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập, ổn định kinh tế gia đình từ đồng đất quê hương”.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...