Thứ năm, 16/05/2024, 02:51 [GMT+7]

Tỷ phú trẻ trên đỉnh Tả Phìn

Thứ năm, 30/08/2012 - 11:19'
(BLC) - Dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen nhưng ít ai ngờ anh lại là một tỷ phú trẻ của một bản nghèo trên đỉnh núi đá mờ sương. Tẩn A Sếnh (SN 1984) ở bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn đã làm rạng danh tuổi trẻ Sìn Hồ bởi nghị lực vượt khó làm giàu.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Câu chuyện trên đỉnh núi đá Tả Phìn có một tỷ phú “chân đất” mà anh phó Bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ nói với tôi thoạt nghe như một câu chuyện cổ tích mà khi mới nghe ít ai có thể tin. Thế nhưng đó lại là một câu chuyện có thật không thể phủ nhận khi tôi được chứng kiến gia sản anh có được ở thời điểm hiện tại. Điều khiến tôi thán phục hơn là trước khi trở thành tỷ phú, anh thanh niên người Dao này có xuất phát điểm hai bàn tay trắng như bao thanh niên vùng cao khác.

Tẩn A Sếnh (áo nâu bên phải) cùng người lao động địa phương sản xuất gạch ba banh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo người Dao có tới 6 anh chị em tại bản Sèng Lảng, xã Tả Phìn. Tuổi thơ của Sếnh cũng chỉ biết đến ngày hai bữa sắn, ấy vậy mà đôi khi nó cũng đứt bữa mỗi khi trời mưa to, bố mẹ đi nương không về kịp hoặc trong thời gian giáp hạt sắn, lúa không còn. Đói, khổ đã rèn cho Sếnh tính tự lập, gan dạ của một cậu bé vùng cao. Để rồi khi học hết lớp 6 em tự xin với bố mẹ cho nghỉ học để lo làm ruộng, nương và đi làm thuê kiếm cái ăn phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.

Sếnh tâm sự: “Là con đầu trong gia đình, nhìn cả nhà thiếu ăn em buồn lắm. Sau buổi học cuối năm năm lớp 6, trong bữa cơm tối, nhìn các em gầy gò bên hai cái nồi toàn sắn em thấy thương mà không giúp được gì. Sau bữa cơm, em nói với mẹ xin nghỉ học để phụ giúp bố mẹ lao động, kiếm tiền lo cho các em ăn học. Ban đầu bố mẹ em không đồng ý, nhưng khi thấy em quyết tâm, bố mẹ chỉ biết im lặng…”.

Vậy là cuộc đời của Sếnh bắt đầu sang trang mới khi tự lăn lộn với cuộc sống khó khăn trên vùng núi đá thời tiết khắc nghiệt Tả Phìn. Ở nơi đây đất ít, đá nhiều lại ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ nên kiếm được một cây trồng phù hợp là điều khó khăn đối với bà con từ ngàn đời nay. Điều này chính bản thân Sếnh và gia đình cũng đã từng thử trong nhiều năm từ cây ăn quả đến cây công nghiệp ngắn ngày. Mỗi lần thất bại là một lần tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm cho Sếnh đứng dậy tìm cơ hội mới. Từ việc đi làm thuê đến bám rừng, bám bản Sếnh đều thất bại. Điều làm Sếnh vui nhất có lẽ chỉ là lo được cho gia đình đủ ăn và các em biết thêm con chữ khi được cắp sách tới trường.

Nghị lực chàng trai Dao

Ngôi nhà 4 gian bằng gỗ của Sếnh nằm ở đầu bản, ngay bên đường giao thông lên trung tâm xã Tả Phìn. Nó cũng là nếp nhà truyền thống như bao ngôi nhà khác của người Dao xứ núi khác. Chỉ có điều nó khác là bên trong có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền hơn mà thôi.

Thấy khách ngạc nhiên, Sếnh mìm cười bộc bạch: “Để có được đồ dùng sinh hoạt này em đã phải trải qua nhiều năm tháng cơ cực của những ngày đầu bước vào đời. Lấy vợ năm 2002, với ba bao thóc và vài cái xoong cũ rích, hai vợ chồng em khởi nghiệp bằng việc mua đồ dùng ở thị trấn huyện đem bán cho bà con ở các bản làng vùng sâu, vùng xa trong vùng kiếm từng đồng tích cóp”.

Thế nhưng nhiều năm lăn lộn, cuốc sống của Sếnh cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Khó khăn hơn khi lần lượt những đứa con ra đời. Trăm thứ phải cần tiền cứ đổ lên đầu nên cứ ai thuê việc gì là em làm, lúc nông nhàn lại cùng thanh niên trong bản đi làm thuê ở các công trường xây dựng, vậy mà nguồn tiền kiếm ra chẳng có bao nhiều.

Không cam chịu đói nghèo, vậy là cuộc đời Sếnh lại có thêm bước ngoặt mới khi đầu năm 2006 anh bàn với vợ bám triền núi đá để làm ăn, khởi nghiệp với ý nghĩ “không đâu bằng đồng đất quê hương mình”. Sau nhiều ngày nghiên cứu, ngẫm nghĩ, Sếnh quyết định vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với số tiền hơn 10 triệu đồng tiết kiệm bấy lâu để đầu tư mua hơn chục con bò về nuôi.

Hàng ngày cùng với làm nương, hai vợ chồng tập trung chăm sóc đàn bò. Đất nghèo không phụ công người, đàn bò cứ lớn và sinh sản đều hàng năm. Sau hơn 4 năm, đàn bò đã phát triển lên hơn 40 con. Tuy bò chưa mắc bệnh, chưa thiệt hại vì rét nhưng bài học ở nhiều nơi trong vùng cho thấy thiệt hại về đàn gia súc, khiến nhiều nhà kiệt quệ, tái nghèo chỉ sau một vài ngày. Vậy là Sếnh lại quyết định tìm hướng đầu tư mới, với ý nghĩ chia sẻ bớt rủi ro.

Thấy nhu cầu người dân trong vùng cần gạch xây dựng, anh bàn với vợ bán bớt đàn bò để lấy tiền mua giàn máy sản xuất gạch ba banh. Để có vật liệu làm gạch anh mạnh dạn vay 150 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư mở một bãi đá. Ngoài việc sử dụng đá khai thác làm gạch, anh còn bán cho nhiều công trình xây dựng trên địa bàn.

May mắn cứ đến với Sếnh khi đầu tư gì anh cũng gặp thuận lợi và được nhiều người giúp, từ đó số lãi hàng ngày cứ tăng theo cấp số nhân. Trong khi tình hình kinh tế đất nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động thì anh lại khiến mọi người trong bản “sốc” khi tiếp tục đầu tư tiền mua ô tô tải về để vận chuyển gạch, đá xây dựng cho các công trường.

Từ bãi đá, giàn máy sản xuất gạch và đàn bò, ngựa, dê kín đồi, nhiều năm nay Sếnh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động và chủ yếu là đoàn viên, thanh niên trong bản, với mức lương trung bình hiện tại từ 3 – 3,5 triệu đồng.

Theo Sếnh, ngoài cần cù, chịu khó yếu tố để anh thành công là dựa trên năng lực tài chính hiện có của mình và biết kết hợp giữa chăn nuôi với sản xuất để lấy ngắn nuôi dài. Khi được hỏi hiện tại tài sản của anh có đến chục tỷ không? Sếnh cười và khiêm tốn nói “không đến, chỉ vài tỷ thôi!”.

Chia tay Sếnh khi bên giàn máy sản xuất gạch bị của anh có tới cả chục đoàn viên đang hăng say lao động cho kịp mẻ gạch chờ nắng. Người đưa đường cho chúng tôi Đồng Minh Thắng – Phó Bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ chia sẻ niềm vui: “Sếnh là niềm tự hào trên cao nguyên quê em đó. Tháng 10 tới cậu ấy sẽ đại diện cho tuổi trẻ Sìn Hồ về thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng Lương Đình Của do Trung ương Đoàn trao tặng”.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...