Thứ hai, 20/05/2024, 01:18 [GMT+7]

Trăn trở với nghề

Thứ hai, 17/11/2014 - 10:36'
(BLC) - “Đối với giáo viên vùng cao, ngoài việc truyền đam mê, kiến thức đến với các em học sinh cần phải có lòng yêu nghề, kiên trì, tận tâm với sự nghiệp trồng người” – đó là những chia sẻ của thầy giáo Vũ Công Đức – giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) Tam Đường (huyện Tam Đường).

Chúng tôi gặp thầy Đức khi thầy đang hướng dẫn học sinh bán trú học bài, qua những câu chuyện với các em học sinh chúng tôi cảm nhận được tình cảm của học trò dành cho thầy. Em Sùng A Di – lớp 10A chia sẻ: “Thầy Đức luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chúng em, tận tình giúp đỡ những bạn có học lực yếu, làm chỗ dựa cho chúng em trong mọi hoàn cảnh, nâng bước để chúng em đi đến thành công”.

Thầy giáo Vũ Công Đức cùng học sinh trao đổi bài.

Với suy nghĩ nghề nào cũng vậy muốn thành công thì phải kiên trì, tâm huyết với nghề. Vì vậy, năm 2006 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Điện Biên thầy đã tự nguyện lên dạy tại trường THCS Nà Bủm (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Đến tháng 8/2008 thầy chuyển công tác về dạy ở trường phổ thông DTNT Tam Đường. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Đức nói: “Còn nhớ ngày đầu tiên về trường, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 8B - là lớp có số học sinh có học lực yếu, học sinh cá biệt nhiều nhất trường. Vì vậy, tôi rất băn khoăn, trăn trở. Những giờ học đầu tiên tôi dành thời gian làm quen, nắm bắt tâm lý của học sinh. Vì đa số các em là học sinh dân tộc Mông, Lự, nên việc tiếp thu kiến thức có nhiều hạn chế, việc vận động các em đến lớp cũng gặp nhiều khó khăn”. Nhớ lời Bác dạy: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên", tôi đã quyết tâm cảm hóa, kiên trì động viên, giúp đỡ các em cá biệt. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại đến từng nhà của các em để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tìm hiểu lý do tại sao nhiều học sinh muốn bỏ học, để có các biện pháp khắc phục”.

Sau một thời gian tìm hiểu, thầy Đức thấy trong lớp có nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn, em thì bố mất sớm, em do không có người làm nên bố mẹ bắt nghỉ học để lên nương, vì học lực yếu nên mặc cảm dẫn đến chán nản muốn bỏ học… Hiểu được hoàn cảnh của từng em, thầy Đức đã đến tận gia đình thăm hỏi, động viên để các em đến lớp đầy đủ, những em có học lực yếu thầy dành thời gian dạy phụ đạo vào buổi tối. Nhờ vậy, sau một năm lớp thầy chủ nhiệm đã trở thành lớp xuất sắc nhất trường, không còn học sinh yếu, kém. Rồi những năm chủ nhiệm tiếp theo từ năm 2010 – 2014 các lớp do thầy chủ nhiệm 100% học sinh đều đạt khá, giỏi đây là thành quả sau những nỗ lực cố gắng của thầy Đức truyền đạt kiến thức cho học sinh.

… sử dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án.

Kỷ niệm nhớ nhất đối với thầy Đức, năm học 2010 - 2011 thầy chủ nhiệm lớp 7A trong lớp có em Lò Thị Xôm ở bản Nà Ít, xã Nà Tăm trên đường đi học về thì bị thanh niên trong bản bắt về làm vợ. Khi biết được thông tin này, tối hôm đó thầy xuống nhà gặp đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cùng giúp đỡ vận động hai bên gia đình để em Xôm tiếp tục đi học. Trước cái lý con gái 14 – 15 tuổi mà không lấy chồng chỉ có ế, học không thể no được cái bụng… không đã ăn sâu vào tiềm thức của các phụ huynh nơi đây, thầy Đức không hề nản chí, 15 ngày liên tục đến nhà giải thích, tuyên truyền, lên nương mới thuyết phục được các phụ huynh đồng ý để em Xôm tiếp tục được đi học. Thầy đã rất hạnh phúc khi nhìn Xôm lại được cắp sách tới trường được vui cùng bạn bè trong lớp.

Để cải thiện bữa ăn cho các em ở nội trú, thầy đã vận động các em trong lớp khai hoang mảnh đất 400m2 ở thung lũng sau trường để trồng vườn rau. Sau những tháng ngày thầy và trò bỏ công chăm sóc vườn rau đã xanh tốt với nhiều loại rau như: bắp cải, xu hào, cải ngọt.

Là giáo viên dạy toán, cùng với phương pháp dạy khoa học không gây áp lực cho học sinh, đặc biệt không để các tiết học toán trở nên khô cứng, mỗi giờ lên lớp của thầy Đức đều tạo hứng thú cho học sinh bằng cách chia thành tổ, nhóm để các em thảo luận, tìm ra cách giải hay; khuyến khích các em có học lực yếu giải những bài toán dễ trước, bài nào không hiểu mạnh dạn hỏi thầy, các bạn trong lớp. Đây chính là chìa khóa, bí quyết để thành công của thầy Đức, nhờ vậy những năm học qua nhiều học sinh của thầy luôn đạt thành tích cao trong học tập. Năm học 2012 – 2013 có 5 học sinh đạt giải môn toán tuổi thơ lớp 8 cấp tỉnh và 3 học sinh đạt giải cấp quốc gia với 1 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng.

Nói về thành tích của mình, thầy Đức luôn khiêm tốn và chỉ mong học sinh của mình luôn chăm ngoan, học giỏi để sau này trưởng thành người có ích, góp sức xây dựng quê hương. Chia tay thầy Đức khi mặt trời đã xuống núi, hình ảnh người thầy giáo giản dị, miệt mài bên trang giáo án hàng ngày đến lớp truyền đạt kiến thức cho các em, lặng lẽ chở những chuyến đò qua sông cứ in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi. Cầu chúc cho ước mơ của thầy sẽ thành hiện thực.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...