Thứ hai, 06/05/2024, 20:30 [GMT+7]

Trở về từ lầm lỗi

Thứ năm, 23/05/2013 - 15:15'
(BLC) - Đúng là anh đã từng “hư hỏng” bởi sự thiếu hiểu biết, bởi cả tin. Bản thân anh cũng đã nghĩ tới "cái đích" của cuộc đời sẽ xuất hiện ngay trước mặt, cùng "kịch bản" với rất nhiều "tấm gương" nghiện ngập đã "ra đi" trước đó… Thật may điều đó đã không xảy ra khi anh quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời. Anh là Vàng A Su, sinh năm 1976 – bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường).

Trước đây vì tin và nghe nhiều người nói “thuốc phiện là liều kháng sinh cao nhất” có thể chữa trị bách bệnh, làm giảm cơn đau trong thời gian ngắn nhất, nên anh đã dùng thuốc phiện để chữa chứng đau lưng, đau các khớp xương của mình. Lúc bấy giờ thuốc phiện được người dân trồng đại trà như rau ăn vậy, dễ kiếm thậm chí không mất tiền mua có thể cho nhau được. Chính vì dùng thuốc sai chỉ định, đã khiến anh trở thành người nghiện thuốc phiện lúc nào không hay.

Ngày ngày anh chìm trong khói thuốc phiện, cơn đau lưng của anh đã hết nhưng "xương sống" của gia đình thì lại ngày một yếu đi. Người vợ của anh vì chán nản đã bỏ ra đi không lời từ biệt. Anh lang thang, nay đây mai đó, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường; sáng thì ngủ gốc cây, đêm đến thì ngủ rệ đường. Để có tiền giải quyết cơn thèm thuốc, anh phải đi làm thuê cho hết gia đình này lại đến những gia đình khác. Làm bất cứ việc gì người ta mướn: từ xẻ gỗ, trông nương thuê, đến gùi sắn, ngô… không kể nặng nhọc, cũng không quản đường xá xa xôi, miễn là có tiền. Ai cho gì thì ăn nấy, nhiều bữa phải nhịn đói… Được vài đồng tiền công, anh đều dành dụm để “nướng” vào thuốc phiện, cố gắng làm sao để có đủ 2 phân thuốc phiện hút trong ngày.

Anh Vàng A Su tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Anh dằn vặt, tủi thân lắm, khát khao được trở lại là chính mình luôn cháy bỏng trong lòng anh. Năm 2003, biết tin có chương trình cai nhiện tại cộng đồng của Nhà nước triển khai tại bản, khác với những người bạn cùng cảnh ngộ bị “nàng tiên nâu mê hoặc”, anh đã tự nguyện đi cai. Khoảng thời gian cai nghiện đối với anh thật “rùng rợn”, nó thật sự là cơn ác mộng lớn nhất của cuộc đời và hơn cả những cực hình tra tấn bởi lúc đó thuốc giúp cai nghiện, cắt cơn, phương pháp điều trị không được hiện đại, khoa học và hiệu quả như ngày nay.

Lúc nào chân tay cũng bị trói, tâm trạng buồn bực, mất ngủ, đau cơ khớp, vật vã mỗi khi lên cơn… Nhưng nhờ sự động viên, phân tích của các cán bộ cai nghiện và sự quyết tâm của người "chẳng còn gì để mất" anh nghiến răng chịu đựng để thoát khỏi tay tử thần và cuộc đời anh đã thoát được “cái ao đời tù túng”.

Anh quyết tâm “người ta cũng có chân có tay, mình cũng có chân có tay. Người ta làm được mình cũng làm được. Sao mình lại để cuộc đời mình tối tăm”. Vì vậy trong những đêm dài mất ngủ anh đã suy nghĩ đến những điều tưởng chừng như đơn giản, bình thường nhất mà bấy lâu nay anh chưa hề nghĩ tới: anh thấy sợ tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc; anh bắt đầu suy nghĩ cho tương lai và định hướng làm lại cuộc đời, ý trí đó, quyết tâm đó còn mạnh hơn cả thuốc an thần, mạnh hơn cả những cơn vật thuốc và giúp anh trở thành người chiến thắng chính mình.

Sau khi cai nghiện thành công, được sự giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con láng giềng nơi anh sinh sống, anh sớm được hòa nhập cộng đồng, được hỗ trợ cây giống, con giống và chút vốn để làm ăn. Ngày đêm cặm cụi tìm hiểu thông tin về cách làm giàu. Cảm phục trước những nỗ lực của anh, người con gái xã Khun Há (Tam Đường) đã cùng anh “thề non hẹn biển”, bên nhau suốt cuộc đời.

Bằng việc tích cực khai khẩn đất hoang chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô lấy lương thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày, phát dọn thực bì ươm cây rừng và đặc biệt chú trọng trồng thảo quả; nuôi trâu, bò lấy sức kéo, nuôi lợn hung đen lấy giống bán. Đến nay gia đình anh đã có gần 2ha thảo quả, 2 con trâu sinh sản và gần 5 sào lúa nước. Từ người đã đứng ở ranh giới của cuộc đời với hai bàn tay trắng, giờ đây anh đã có của ăn của để. Trừ chi phí mỗi năm cũng thu về 60 – 70 triệu đồng. Cuộc sống ngày một thay đổi. Không những thế rút kinh nghiệm từ bản thân mình, anh thường xuyên cùng cán bộ bản đi tuyên truyền vận động những người lầm lỗi, quay trở lại hòa nhập cộng đồng, làm thức tỉnh lương tri của họ. Nghe anh nhiều người cũng đi cai nghiện tại Trung tâm 05 – 06 của tỉnh như trường hợp anh: Hàng A Vứ, Sùng A Vàng, Giàng Thị Mẩy… còn bệnh đau khớp, anh cũng không chữa theo cảm tính nữa, mà đến Trung tâm Y tế khám chữa trị, bệnh đã thuyên giảm rõ rệt, tinh thần luôn thoải mái. Anh đã có sức khỏe để phát triển kinh tế gia đình…

Nhận xét về anh Vàng A Su, Thào A Cháng – công an viên bản Chu Va 12 cho biết: “Tuy lầm lỗi nhưng giờ đây anh Vàng A Su đã vượt qua chính mình, quyết tâm làm lại cuộc đời. Đến nay 13 năm anh đã không còn tái nghiện lại. Anh đã tu chí làm ăn, xây dựng hạnh phúc gia đình thực hiện nếp sống văn hóa tại khu dân cư, được bà con quý mến”.

 

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...