Thứ sáu, 26/04/2024, 19:27 [GMT+7]

Giáo dục đạo đức gắn với gìn giữ bản sắc dân tộc

Thứ sáu, 03/07/2020 - 16:19'
Đến Mường Mít (huyện Than Uyên) - xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, chúng tôi thấy cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đường ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, trường lớp học được xây dựng kiên cố.

Ở trường tiểu học, học sinh đang tham gia hoạt động ngoại khóa như: chơi tó má lẹ, tó phại (đánh đáo), đọc sách, đọc truyện… giữa sân trường. Dẫn chúng tôi đi thăm trường, cô Phan Thị Cửu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Mít chia sẻ: “Các học sinh ở điểm trường trung tâm cũng như điểm trường ở bản đều ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; vui tươi, thích tham gia hoạt động, mạnh dạn, tự tin, chủ động, sáng tạo. Các em có đạo đức, lối sống tốt, lành mạnh, trung thực, có hành vi giao tiếp phù hợp với thầy cô, bạn bè, cha mẹ... và đặc biệt luôn ý thức trong học tập và rèn luyện. Nhiều em còn thể hiện thái độ rõ ràng, ủng hộ cái đúng, không đồng tình với cái sai; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với hoạn nạn của người khác, mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động”.

Học sinh Trường Tiểu học xã Mường Mít (huyện Than Uyên) tham gia hoạt động ngoại khóa.

Học sinh Trường Tiểu học xã Mường Mít (huyện Than Uyên) tham gia hoạt động ngoại khóa.

Hiện nay, nhà trường xây dựng 3 câu lạc bộ khâu thêu ở 3 điểm trường, hoạt động thường xuyên 1 lần/tuần, tạo ra sản phẩm như: các tấm thêu, quả còn, sưu tầm các sản phẩm thủ công của dân tộc Thái lưu giữ trong thư viện. Trường phục hồi lại nhiều trò chơi: tó má lẹ, tung còn, num num tảu tảu (rồng rắn lên mây), tó phại (đánh đáo), chí chọng che (đi cà kheo)… Vào các ngày lễ, hoạt động giữa giờ, nhà trường mời nghệ nhân đến nói chuyện và giới thiệu một số làn điệu dân tộc Thái (hát then, hạn khuống, tính tẩu). Ngoài ra, học sinh còn tham gia hoạt động múa sạp, múa khăn, múa quạt, vòng xòe…
Trường Tiểu học xã Mường Mít hiện có 17 lớp, 360 học sinh. Nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức lối sống qua các môn học, trải nghiệm, ngoại khóa. Trong đó, từ môn đạo đức lớp 1 đến lớp 5, trường chỉ đạo giáo viên dạy bài học, nội dung trong sách bằng nhiều tình huống áp dụng thực tế xoay quanh mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè, làng xóm giúp các em trải nghiệm thực tiễn, gắn bó với cuộc sống. Giáo viên đưa vào giảng dạy cuốn tài liệu “Bác Hồ và những bài học đạo đức, lối sống dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5”, qua các câu chuyện về Bác giúp học sinh dễ hiểu, tôn kính Bác. Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, hoạt động cuối tuần; biểu dương bạn có hành động đẹp, ý thức tốt làm điển hình cho bạn khác noi theo. Tổ chức quyên góp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, chăm sóc gia đình người có công với cách mạng. Tổ chức ngày hội cho học sinh gắn với chủ đề, chủ điểm để các em được thỏa sức đam mê viết, vẽ, tham gia văn nghệ, kể chuyện.
Trong nhà trường, mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho các em noi theo, giáo viên luôn ý thức trách nhiệm bản thân là tấm gương về chuẩn mực đạo đức để học sinh hướng tới. Từng tuần, tháng, Ban Giám hiệu lựa chọn gương giáo viên điển hình, lớp tiêu biểu để biểu dương cho học sinh học tập và thay đổi hành vi hướng đến điều tốt đẹp nhất. Khuyến khích học sinh chú ý quan sát, trao đổi, ghi nhớ câu chuyện hay, hành động đẹp về tình thương yêu, tinh thần đoàn kết, tự tin, trách nhiệm trong gia đình, bản để chia sẻ trong các buổi sinh hoạt sao nhi đồng, chào cờ, buổi phát thanh măng non; giúp học sinh hướng tới suy nghĩ đúng, hành động đẹp, sống tốt, trách nhiệm với gia đình, nhà trường, cộng đồng.
“Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo cho học sinh có không gian phát triển, được tiếp cận với văn hóa hiện đại và truyền thống dân tộc mình, thêm yêu quê hương, đất nước là những gì nhà trường hướng đến cho học sinh. Tuyên truyền, vận động các em bằng việc làm nhỏ phù hợp lứa tuổi như: trồng hoa ven đường, vệ sinh đường bản, chơi trò chơi dân tộc. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của nhà trường, chính quyền xã cần tạo điều kiện giúp tìm nghệ nhân và cho học sinh tham gia nhiều lễ hội, sự kiện do xã tổ chức. Phụ huynh dành nhiều thời gian kể về truyền thống gia đình, về văn hóa dân tộc Thái để các em tham gia trải nghiệm, giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc” - cô giáo Phan Thị Cửu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Mít cho biết thêm.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...