Thứ sáu, 26/04/2024, 13:19 [GMT+7]

Hiệu quả sáp nhập trường học

Thứ hai, 12/04/2021 - 15:45'
Sau 3 năm thực hiện việc sáp nhập trường học ở huyện Than Uyên theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, bộ máy hoạt động các đơn vị trường học ổn định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Tiểu học xã Mường Than (huyện Than Uyên) trên cơ sở sáp nhập của 2 trường: Trường Tiểu học số 1 và Trường Tiểu học số 2 xã Mường Than; cả 2 trường này có điều kiện tương đối thuận lợi với số lượng điểm trường ít, giao thông đi lại thuận lợi, các bản gần nhau. Việc sáp nhập khắc phục những hạn chế, bất cập của mạng lưới trường, lớp học, giảm điểm trường lẻ, thực hiện đảm bảo nhiệm vụ “huy động học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm trường về điểm trường trung tâm”. Điều này cũng đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tạo điều kiện đầu tư xây dựng tập trung, không dàn trải theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia.
Sau khi sáp nhập, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học xã Mường Than có 942 học sinh, 3 điểm trường, 33 lớp, 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó giảm 10 biên chế (1 cán bộ quản lý, 6 giáo viên, 3 nhân viên). Theo kết quả đánh giá của nhà trường, học kỳ I các môn học và hoạt động giáo dục của học sinh đạt 97%, năng lực và phẩm chất đạt 97%.

11

Thầy giáo Đào Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Than kiểm tra việc dạy và học của cô và trò lớp 1A2 điểm trường trung tâm.

Theo chia sẻ của thầy giáo Đào Văn Chiến - Hiệu trưởng nhà trường: “Bước đầu khi thực hiện sáp nhập 2 trường thành 1, nhà trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Ban Giám hiệu đã ổn định tư tưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; bố trí công việc cụ thể cho từng người. Sau sáp nhập, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường yên tâm làm việc, phụ huynh ủng hộ động viên con em ra lớp; đặc biệt, công tác lãnh chỉ đạo, quản lý tập trung thuận tiện, dễ dàng hơn, việc sinh hoạt chuyên môn hay chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa các giáo viên được đảm bảo. Đối với học sinh, hoạt động tập thể tập trung được trải nghiệm nhiều hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Khi chưa sáp nhập, huyện Than Uyên có 48 trường, với 135 cán bộ quản lý. Sau khi sáp nhập, huyện còn 35 trường; giảm 13 trường (6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 2 trường THCS). Số cán bộ quản lý còn 111 người (giảm 24 cán bộ), thừa 28 giáo viên và 24 nhân viên. Việc sáp nhập không ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh, quyền lợi cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động.
Để giải quyết vấn đề thừa giáo viên, ngành Giáo dục huyện điều động số giáo viên này đến nhận nhiệm vụ tại các trường còn thiếu. Đối với nhân viên kế toán, rà soát sắp xếp lại đội ngũ kế toán, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Riêng những kế toán chuyên môn còn hạn chế sắp xếp thực hiện nhiệm vụ khác cho phù hợp (làm nhân viên văn thư hoặc nhân viên phục vụ ở các trường có học sinh bán trú). Nhân viên văn thư, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ thừa được điều động đến những đơn vị còn thiếu. Về cơ sở vật chất, giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại các điểm trường; thiết bị phục vụ hoạt động hành chính được chuyển về điểm trường trung tâm.
Anh Trịnh Ngọc Hải - Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Than Uyên cho biết: “Sau 3 năm thực hiện sáp nhập bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, bộ máy trường, lớp học đảm bảo tinh gọn, chặt chẽ và thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Các trường tiểu học, THCS có sự chuyển biến rõ nét ở nhiều mặt, tạo niềm vui phấn khởi trong cán bộ, giáo viên, chính quyền, phụ huynh, học sinh khi chất lượng giáo dục ở từng vùng đã cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn có nhiều học sinh tham gia và đạt giải ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia”.
Cũng theo chia sẻ của anh Trịnh Ngọc Hải, sau khi sáp nhập từng bước phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp, giúp các trường khai thác hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Với học sinh được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học, nhiều em được hưởng chế độ bán trú. Đồng thời, giúp tinh giản bộ máy, giảm được biên chế quản lý, nhân viên, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.
Kết thúc học kỳ I, năm học 2020-2021, toàn huyện có 35 trường, 18.946 học sinh; chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục của các trường có sự chuyển biến rõ nét; tỷ lệ chuyên cần tiểu học 99%, THCS 96%. Trong đó, chất lượng chăm sóc trẻ bậc mầm non phát triển bình thường về cân nặng đạt 93,9%; bậc tiểu học: đánh giá về năng lực đạt 96,1%, phẩm chất đạt 97,1%; bậc THCS: học lực từ trung bình trở lên đạt 92,8%, hạnh kiểm trung bình trở lên đạt 99,9%. So với cùng kỳ học kỳ I năm học 2019-2020, ở các cấp học đều tăng tỷ lệ từ 1-2%.
Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện Than Uyên dành các nguồn lực và xã hội hóa đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ dạy học. Chỉ đạo các trường tạo điều kiện cho giáo viên đi đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn; nhất là các chương trình thay đổi sách giáo khoa. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân về chủ trương sáp nhập các đơn vị trường học nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo được môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...