Thứ ba, 14/05/2024, 04:39 [GMT+7]

60 năm trọn một niềm tin làm theo thư Bác

Thứ hai, 27/05/2013 - 15:37'
(BLC) - 60 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu làm theo thư Bác - chặng đường gian khổ hào hùng, dẫu có lúc thăng lúc trầm, song nhân dân các dân tộc Lai Châu vẫn trọn một niềm tin theo Đảng, theo Bác.

Nhân dân Lai Châu một lòng một dạ ghi nhớ lời Bác dạy: ra sức đoàn kết chung sức chung lòng, tiễu phỉ trừ gian, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bước vào thời kì đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn trọn 1 lòng thủy chung, son sắt đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn, ra sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khắc phục mọi khó khăn thử thách, cùng nhau xây dựng Lai Châu giàu đẹp, phát triển.

Đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay sau khi nhận được tin thị trấn Lai Châu được giải phóng năm 1953, dù bận trăm công nghìn việc, song Bác đã dành thời gian viết thư căn dặn, động viên quân và dân Lai Châu. Lời dặn đầu tiên trong thư Bác mong đồng bào và cán bộ Lai Châu ghi nhớ và làm cho đúng là: Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Lời thư giản dị, mộc mạc song chứa đựng ân tình sâu sắc, ý nghĩa sâu xa. Làm theo thư Bác dạy, quân và dân Lai Châu đã chung sức, chung lòng, nỗ lực đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tích cực lao động sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không quản ngại ngày đêm, nỗ lực tăng gia sản xuất cung cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội chủ lực để chiến đấu.

Một góc thị xã Lai Châu sau gần 10 năm chia tách, thành lập.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La đã cung cấp cho chiến trường hơn 7.300 tấn gạo chiếm 27% số gạo cho toàn chiến dịch. Nhiều gia đình đã tình nguyện “vét thóc đến tận đáy bồ”, tình nguyện ăn khoai, ăn sắn để giành lương thực phục vụ cho bộ đội.Ông Giàng Di - Nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Phong Thổ cho biết: thời kỳ đó mặc dù còn đói khổ song người dân trong huyện vẫn nỗ lực, đoàn kết lao động sản xuất nuôi bộ đội. Người dân coi bộ đội như anh em ruột thịt, tận tình chăm sóc, nuôi dấu cán bộ, bộ đội của ta…

Trải qua hơn nửa thế kỉ sau chiến dịch Điện Biên Phủ, song ký ức đó không bao giờ có thể phai nhạt đối với bà Giàng Thị Là ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Bà Là kể lại: Lúc đó, mặc dù nhà vẫn nghèo, vẫn đói, sức lao động thì bị bọn thực dân, bọn phỉ vắt kiệt quệ. Song lời dạy của Hồ Chủ tịch đã kích thích tinh thần hăng say lao động, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do. Bà và người dân trong bản không quản ngại ngày hay đêm, mưa hay nắng, vừa sản xuất vừa chống phỉ bảo vệ thành quả lao động sản xuất lấy lương thực cung cấp cho bộ đội.Bà Là nhớ lại, Nghe theo lời Bác Hồ người dân trong bản ai ai cũng tích cực lao động sản xuất lấy lương thực nuôi bộ đội bởi người dân quý bộ đội nhiều lắm. Riêng nhà tôi khi thu hoạch lúa lúc nào cũng để thóc ở 2 nơi. 1 phần để ở nhà để che mắt bọn thổ phỉ, việt gian, 1 phần cất dấu trong rừng để cung cấp cho bộ đội. Để rồi những hạt thóc vàng thấm giọt mồ hôi đó được vận chuyển ra chiến trường, góp phần giúp quân và dân ta làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.

Người dân xã Nậm Tăm, Sìn Hồ tham gia trồng cao su.

Ngay sau giải phóng, quân và dân Lai Châu lại tiếp tục đoàn kết, lao động sản xuất, tiễu phỉ trừ gian, bài trừ hủ tục lạc hậu. Ban Cán sự Đảng tỉnh đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết, nêu cao tinh thần đoàn kết, tuyên truyền vận động nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang tiễu phỉ trừ gian, củng cố lực lượng quân sự, dân quân tự vệ giữ vững chủ quyền biên giới, đảm bảo an ninh trật tự.

Mang theo hành trang là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng và lời Bác căn dạy, bước vào giai đoạn đổi mới, quân và dân Lai Châu đã tự tin vững bước trên con đường mà Đảng và Bác đã chọn. Nhân dân chung sức, đồng lòng lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tinh thần đó, nhiệt huyết đó một lần nữa được minh chứng kể từ khi chia tách và thành lập tỉnh năm 2004. Mặc dù là tỉnh mới, còn vô vàn khó khăn trên mọi lĩnh vực. Đảng bộ tỉnh trải qua các nhiệm kì đã xác định: muốn đưa Lai Châu cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo thì cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng thì cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Đoàn kết giữa quân và dân, đoàn kết giữa người dân và chính quyền, từ tỉnh tới cơ sở. Sức mạnh đoàn kết một lần nữa trở thành sức mạnh vô song làm nên những điều kì diệu không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh chỉ đạo sát sao của tỉnh đã cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiều chương trình trọng điểm như Chương trình di dân TĐC các công trình thủy diện; chương trình trồng và phát triển cây cao su, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư…

Theo dấu chân thời gian trở lại những ngày đầu thực hiện chương trình phát triển diện tích cao su đại điền ở Sìn Hồ. Có lẽ những người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung được chỉ sau hơn 5 năm, một vùng rừng hoang, đồi núi trọc đã được phủ lên một màu xanh mơn mởn, bạt ngàn của tán cây cao su. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, đặc biệt là chủ trương thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, chương trình trồng và phát triển cây cao su đã nhanh chóng được nhân dân các dân tộc tham gia hưởng ứng.

ÔngLê Tiến Tình - Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lao Châu 1 cho biết: Lúc mới bắt đầu đi vào thực hiện Dự án còn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa biết cây cao su có mang lại hiệu quả hay không nên còn băn khoăn. Song với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã. Tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hiểu và đoàn kết, nỗ lực ủng hộ Dự án. Nhờ đó đến nay Công ty đã trồng được hơn 6000ha. Chúng tôi cũng đã tuyển được gần 2.000 công nhân, trong đó người địa phương chiếm gần 90%.

Nếu không có sức mạnh đoàn kết, sự hy sinh, yêu thương chia sẻ theo lời Bác dặn trong thư thì Lai Châu khó có thể hoàn thành chương trình di dân TĐC các công trình thủy điện. Là một trong 3 tỉnh có số hộ dân di chuyển nhiều nhất của các công trình thủy điện Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, nay là thủy điện Lai Châu. Theo tiếng gọi của Đảng, của Chính phủ, một lần nữa nhân dân Lai Châu lại di chuyển đến nơi ở mới với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai của tổ quốc”.

 Không phân biệt đồng bào Thái, hay Mông, Người Khơ Mú hay người Dao, khi đến nơi ở mới, nhân dân các dân tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kêt, giúp đỡ nhau từ vận chuyển nguyên liệu, đến việc dựng nhà, làm đường, khai hoang, sản xuất…Nhờ đó chương trình di dân TĐC các công trình thủy điện luôn về đích đúng thời gian quy định, trong đó chương trình di dân TĐC công trình thủy điện Sơn La về đích sớm 1 năm so với kế hoạch. Anh Hoàng Văn Đón – người dân TĐC xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên cho biết thêm: lúc mới chuyển về đây, cán bộ, đoàn thanh niên và người dân địa phương đã đến giúp đỡ dựng nhà, làm cửa… nên cuộc sống nhanh chóng được ổn định.

60 năm kể từ khi Bác viết thư căn dặn đồng bào Lai Châu. Song lời bác dặn mới như là ngày hôm qua, vẫn vang vọng trong cuộc sống thường nhật của từng gia đình, từng con người. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn đó, tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau trong xây dựng và phát triển kinh tế. Để rồi cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh như Bác hằng mong. Đây cũng là tình cảm biến thành hành động cụ thể dâng lên Bác của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu.

Hữu Tiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...