Thứ năm, 09/05/2024, 22:12 [GMT+7]

Gương sáng trong học tập, làm theo Bác

Thứ bảy, 16/05/2015 - 15:00'
(BLC) - Tại Hội nghị biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (19/5/2014-19/5/2015) do Tỉnh ủy tổ chức ngày 14/5, phóng viên Báo Lai Châu đã phỏng vấn các điển hình tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo gương Bác.

Đồng chí Lò Văn Xương – Trưởng bản Huổi Luồng, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên.

Nói đi đôi với làm

Bản Huổi Luồng có 72 hộ, 309 nhân khẩu với đa phần là dân tộc Khơ Mú sinh sống. Năm 2012, thị trấn Tân Uyên có chủ trương quy hoạch vùng đất ruộng của bản để sản xuất lúa Séng Cù, Hương Thơm và vùng nguyên liệu chè. Nhận được kế hoạch, tôi đã kiên trì tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia, bản thân tôi đã gương mẫu thực hiện trước. Ban đầu có vài hộ nhưng sau đó cả bản cùng tham gia chủ trương quy hoạch phát triển kinh tế này. Đến nay, bản gieo trồng 10ha lúa Séng Cù và các giống chất lượng cao, trồng mới 33ha chè.

Ngoài ra, tôi đã bàn bạc với các đồng chí trong chi ủy bản Huổi Luồng và bản Chạm Cả tích cực vận động Nhân dân hiến đất, ngày công lao động mở 1,5km đường sản xuất và 823m đường bê tông đến vùng chè. Cuối năm 2014, Huổi Luồng còn 9 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, đời sống người dân ngày một nâng lên nhờ cấy lúa chất lượng cao và thu nhập từ cây chè. Qua việc vận động bà con tôi nhận thấy, muốn Nhân dân tin tưởng, làm theo thì mình phải “nói đi đôi với làm”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hoàn – Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường.

Gắn xóa đói giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xã đã gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với cương vị là Bí thư Đảng bộ xã, tôi luôn gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, luôn lắng nghe ý kiến phản ánh để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi đã chỉ đạo phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới phụ trách các điểm bản, giúp Nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, vận động Nhân dân chuyển đổi đất nương đồi sang trồng chè chất lượng cao. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm, toàn xã có 284ha chè chất lượng cao… Năm 2014, xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm nay, xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng chí Phạm Thanh Tùng- Chính trị viên Đồn Biên Phòng Huổi Luông.

Cán bộ phải gần gũi, giúp đỡ Nhân dân

Đó là phương châm trong thực hiện nhiệm vụ của tôi. Thực hiện lời Bác dạy: Cán bộ thì phải thực sự gần gũi, giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, bản thân tôi luôn thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con. Tôi thường xuyên xuống các bản hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất, vừa kết hợp tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia. Vận động người dân tích cực thực hiện phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”.

Để nâng cao cuộc sống cho bà con, tôi và cán bộ, chiến sỹ trong Đồn đã vận động Nhân dân khai hoang ruộng nước, tham gia lao động sản xuất, tu sửa đường giao thông, xây bể nước sinh hoạt, sửa chữa kênh mương thuỷ lợi. Đưa các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước xoá đói giảm nghèo. Lựa chọn 11 gia đình làm thí điểm trồng chuối thương phẩm xuất khẩu. Nhờ đó đến nay, đã tạo việc làm cho 800 lao động, nhiều hộ có mức thu nhập ổn định bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha từ cây chuối.

Cô giáo Đinh Hồng Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, THCS xã Ta Gia, huyện Than Uyên.

Kiên trì bồi dưỡng tài năng cho học sinh vùng cao

Năm học 2012 – 2013, tôi được bổ nhiệm làm quản lý tại trường. Đặc thù của xã Ta Gia có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số Thái, Mông, Khơ Mú, trình độ dân trí thấp, nhà trường chưa từng có học sinh giỏi cấp huyện. Với mong muốn trường trở thành điểm sáng giáo dục vùng cao của huyện, tôi đã chia sẻ những kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi được tích lũy từ nhiều năm cho các giáo viên nhà trường để áp dụng vào tiết học. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên dự giờ, góp ý trao đổi phương pháp dạy học bộ môn, tăng cường rèn luyện chất lượng đội ngũ, động viên giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ đó, năm học 2014 – 2015 trường có 5 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 1 giải cấp tỉnh.

 

Hương Ly (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...