Thứ hai, 20/05/2024, 15:36 [GMT+7]

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Thứ hai, 26/05/2014 - 11:39'
(BLC) – Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Việc xây dựng thành công đường giao thông nông thôn ở bản Ma Ly Pho, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, một lần nữa cắt nghĩa sâu sắc về sức mạnh của sự đồng thuận Nhân dân.

Lâu nay, một con đường bê tông sạch đẹp là ước mơ của 50 hộ dân bản Ma Ly Pho. Địa hình khó khăn, bản nằm ở xa trung tâm, “cái khó bó cái khôn” của người dân, cho đến khi chính quyền nơi đây áp dụng lời dạy của Bác “ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Người dân bản Ma Ly Pho vệ sinh con đường bê tông mới trải.

Bao đời nay, người dân bản Ma Ly Pho luôn tự bảo nhau, muốn giữ được biên giới, muốn bảo vệ được biên giới thì phải sống ở biên giới. Bởi vậy đời này qua đời khác bà con cứ bám biên, bám bản, trở thành lực lượng đặc biệt để giữ gìn biên giới, bên cạnh bộ đội biên phòng. Thực tế cho thấy, bà con nơi đây vẫn có cuộc sống đàng hoàng, no đủ nhờ chăm chỉ cấy cầy, chịu khó học hỏi.

Tuy nhiên, vị trí của bản xa trung tâm xã, xa đường Quốc lộ, việc xây dựng nói chung và xây dựng đường giao thông nội bản, giao thông nông thôn gặp rất nhiều trở ngại trong việc vận chuyển vật liệu. Ông Lò Văn Tỷ - Chủ tịch UBND xã cho hay: Khi có chương trình xây dựng đường giao thông ở bản Ma Ly Pho chúng tôi đã rất lo bởi bản nằm xa trung tâm, đường vào vừa hẹp vừa dốc lại trơn trượt, nhiều ổ gà, khó cho việc vận chuyển, tập kết vật liệu…

Khi họp bản, trưởng bản, cán bộ xã tuyên truyền về chương trình xây dựng con đường, về những lợi ích của nó mang lại và các phần việc phải thực hiện nhiều người đã rất ngần ngại. Từ vị trí khai thác cát, sỏi về đến bản cũng ngót nghét 20km. Trong khi đó, nếu đổ hết đường bê tông nội bản phải mất đến hơn 400m3 cát, sỏi. Vận chuyển bằng xe máy là phương án bất khả thi. Vận chuyển bằng ô tô sẽ “đội giá” lên rất cao.

Một góc bản Ma Ly Pho.

“Khó thì khó thật, nhưng khi người dân đã hiểu ra, đồng thuận thì đúng là “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bà con bản Ma Ly Pho đã làm rất tốt việc này” - ông Lò Văn Tỷ - Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho chia sẻ. Sau nhiều lần tuyên truyền, họp bản, bà con đã hiểu được lợi ích của con đường và thống nhất phương án: Người dân tự khai thác cát, sỏi, sau đó thuê ô tô chở về bản. Tiền thuê ô tô do bà con tự đóng góp mỗi nhà 3 triệu đồng. Đồng bào cũng nhận thấy rằng chương trình của Nhà nước là hướng tới người dân, vì lợi ích của người dân thì đồng bào tham gia rất nhiệt tình.

Anh Phàn Vần Hùng - một người dân trong bản nhớ lại: Bản nằm ở sườn núi đất đỏ. Mùa khô thì còn đỡ chứ mùa mưa đất nhão ra trẻ con đi học đã khổ, người lớn chở bao ngô, bao thóc đi bán còn khổ hơn nhiều. Khi chúng tôi hiểu được giá trị của con đường, mọi người đều nhiệt tình ủng hộ.

Phải mất gần 1 tháng ròng rã bà con trong bản mới lấy đủ số cát, sỏi. Vào thời điểm ấy cũng có lúc việc mùa màng bận rộn nhưng ở “công trường” khai thác cát, sỏi không lúc nào vắng bóng người tham gia. Có lúc, cả khúc sông đông như trẩy hội. Kết quả là hơn 450m3 cát, sỏi đã nằm gọn ghẽ ở đầu bản chờ ngày nhào, trộn.

Tập kết vật liệu đã xong nhưng để trải bê tông đường thì bản lại vấp phải một vấn đề khác ấy là con đường sẽ phải lấn lên đất một số hộ gia đình. Ở nhiều nơi, vấn đề này trở nên phức tạp nhưng ở Ma Ly Pho được tháo gỡ nhanh chóng. Trưởng bản Lý Dâu Lìn kể lại: Khi tôi đi tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, ban đầu bà con cũng còn e ngại nhưng khi phân tích, giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa của con đường thẳng, khi họ nhận ra thì ai cũng vui vẻ, thoải mái hiến đất. Đã có hàng trăm mét vuông đất của bà con được hiến để có được con đường đẹp đẽ như ngày hôm nay.

Cuối cùng, con đường bê tông nội bản được khởi công và chỉ một tháng sau đó đã hoàn thành. Hơn 1km đường bê tông nội bản là thành quả của lòng quyết tâm và sự đoàn kết Nhân dân. Bộ mặt bản làng thay đổi, những hộ dân ở hai bên đường cũng tranh thủ xây lại tường rào, chỉnh trang nhà cửa. Để đảm bảo cho con đường sạch đẹp, các tổ chức đoàn thể của bản như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên đã xây dựng phương án và thực hiện việc vệ sinh định kỳ con đường khắp bản vì họ biết đây là tài sản, là điều kiện để bà con thông thương, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Niềm vui của bà con còn được nâng lên gấp bội khi cùng với con đường hoàn thành, cuối năm 2013 điện lưới Quốc gia cũng đã về đến bản. Có điện, có đường mới, chất lượng cuộc sống của bà con cũng được nâng lên đáng kể. Những vật dụng như: ti vi, tủ lạnh, máy xay xát… trước đây vì không có điện nên không mua, vì đường khó đi nên không sắm nay đã trở thành vật dụng thường nhật của bà con. Nhiều nhất trong các vật dụng mới phải kể đến số lượng xe máy tăng lên đáng kể. Nhà ít thì một chiếc, nhà nhiều có 2 - 3 chiếc vừa là phương tiện đi lại vừa là phương tiện vận chuyển ngô đi bán. Gặp chúng tôi ở đầu bản, anh Phàn Dâu Chỉn hồ hởi: “Có đường không chỉ đi nhanh mà làm giàu cũng nhanh”.

Sự nỗ lực, quyết tâm của Nhân dân bản Ma Ly Pho đã trở thành tấm gương cho các bản khác trong việc xây dựng giao thông nội bản.

X.Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...