Chủ nhật, 28/04/2024, 10:20 [GMT+7]

Người chiến thắng nỗi đau

Chủ nhật, 06/08/2023 - 22:24'
(BLC) - Thiếu may mắn khi cơ thể bị khuyết tật, nhưng chị Phàng Thị Phương, sinh năm 1975 ở tổ dân phố số 7, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) không vì thế mà buông xuôi, phó mặc cho số phận. Thay vào đó, chị Phương luôn nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.

Sau nhiều lần hỏi thăm chúng tôi cũng tìm đến được nhà chị Phương, căn nhà nhỏ, nằm sâu trong ngõ ở tổ dân phố số 7. Đối lập với sự chật hẹp của ngôi nhà và con ngõ ấy lại là một tinh thần lạc quan, yêu đời, tràn đầy sức sống khiến người khác phải khâm phục, học theo. Qua câu chuyện của chị chúng tôi được biết, khi chị tròn 13 tuổi, thì trận ốm thập tử nhất sinh ập đến, khiến đôi chân của chị mất đi khả năng hoạt động bình thường. Nhưng với ý chí kiên cường chị Phương đã vượt qua những bế tắc của cuộc sống.

Dù khó khăn trong di chuyển nhưng chị Phương vẫn hăng say làm việc tạo thu nhập và niềm vui.

Dù khó khăn trong di chuyển nhưng chị Phương vẫn hăng say làm việc, tạo thu nhập và niềm vui.

Không đi được bằng chân nhưng cũng không vì thế mà chị Phương ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Thay vào đó, chị Phương đã dùng tay, nạng để di chuyển. Kinh nghiệm thêu thùa may vá mẹ truyền dạy, đã được chị Phương phát huy thành sinh kế - chị dí dỏm nói với chúng tôi: may vá, thêu thùa là cần câu cơm của chị. Hàng ngày chị làm khăn, may trang phục thuê cho những người có nhu cầu. Phát huy những kỹ năng được truyền dạy, chị còn tự mày mò học hỏi các kỹ thuật thêu mới để nâng cao chất lượng, thẩm mỹ của từng sản phẩm.

Chị Phương tâm sự: Cơ duyên đến với nghề móc các loại túi xách, giày, dép, quần áo là do trong một lần tình cờ khách hàng đi du lịch ở Sài Gòn mang về đặt tôi làm. Ban đầu cũng rất khó, vất vả vì tự mình mày mò, tìm hiểu, không có người chỉ bảo. Nhiều lần phải dỡ ra móc lại, thậm chí có lúc định bỏ cuộc. Nhưng tôi dành thời gian đêm ngày nghiên cứu từng đôi dép, đế giầy, móc sao cho khớp, cho đều không thừa mũi, lệch đường kim. Cứ như vậy tôi đã thành công như mong muốn.

Nhiều sản phẩm thủ công do chị Phương thiết kế chiếm được nhiều tình cảm của khách hàng.

Sản phẩm thủ công do chị Phương thiết kế thu hút được nhiều khách hàng.

Để sản phẩm có độ bền cao, chị Phương không dùng hàng gia công mà nhập các phụ kiện, chất liệu may mặc, làm giầy dép bằng nhựa cao cấp và cao su từ các cơ sở sản xuất uy tín trong Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên liệu may áo có nguồn gốc các loại sợi như: cotton, lông cừu, sợi tơ tằm và sợi bông. Dép móc bằng sợi dù; túi móc sợi dệt, sợi thô, sợi cói; khăn móc bằng sợi len.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của chị Phương lần lượt chiếm được tình cảm của khách hàng các tỉnh, thành như: Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An. Những đôi giầy, dép chất liệu cao su đáp ứng nhu cầu về màu sắc, mẫu mã, chiều cao của từng người. Bên cạnh đó lại chắc chắn, bền đẹp phù hợp khi di chuyển; tạo cảm giác tự tin khi đứng lâu trên bục giảng, do đó các giáo viên trong tỉnh đặt mua sản phẩm với số lượng lớn.

Chị em phụ nữ người Mông ở xã Sùng Phài cũng thường xuyên mua khăn len do chị Phương làm. Đặc biệt hơn, có những khách hàng chỉ qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook nhưng cũng mạnh dạn đặt chị làm guốc, giầy, dép. Biết hoàn cảnh chị khó khăn, đồng thời với niềm vui khi nhận được sản phẩm ưng ý, một số khách hàng đã hào phóng chuyển tiền cho chị hơn cả giá bán ban đầu.

11

Nhờ sự khéo léo, chị Phương tạo nên những bông hoa đào thắm sắc màu.

Gắn bó với nghề móc túi xách, giầy dép tới nay cũng được 7 năm. Đến giờ chị Phương có thể làm bất cứ mẫu giầy cao gót, dép lê, dép quai hậu, túi xách, áo, mũ đi biển cho mọi đối tượng và lứa tuổi. Chị còn tỉ mỉ làm những túi đựng tỏi cho trẻ em, lẵng hoa đào, hoa hồng cho khách trang trí nhà. Đôi tay khéo léo của chị có thể “thổi hồn” vào cả những sản phẩm có kích thước lớn hơn như: vỏ bọc chăn, ga, gối, đệm.

Mặc dù nhiều năm qua, chị Phương làm ra bao nhiêu sản phẩm nhưng bộ đồ nghề của chị lại rất đơn giản, gọn nhẹ. Chỉ là vài cây kim móc, mấy cái cặp gim, cây kéo, que đan. Bàn tay thoăn thoắt không những giúp chị di chuyển, mà còn mỗi ngày tạo nên 1 chiếc khăn, 2 đôi giầy, dép. Trung bình mỗi năm chị làm khoảng 500 sản phẩm, với giá từ 250 nghìn đồng/đôi giầy; từ 200 – 600 nghìn đồng/túi xách, khăn len 100 nghìn đồng/cái… giúp chị có thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng.

Công việc móc khăn, túi xách lãi không cao, nhưng chị Phương rất đam mê bởi nhờ đó mà ngôi nhà chị thêm niềm vui, tiếng cười của khách hàng mang lại. Sản phẩm không đủ cung cấp ra thị trường, tuy nhiên năm nào chị cũng đều dành những suất khăn len ấm áp tặng các bà, các mẹ có hoàn cảnh khó khăn.

1

Từ những nguyên liệu đơn giản, chị Phương tạo thành sản phẩm kỳ công, thu hút khách hàng.

Chị Phương bày tỏ: Tôi đang tích cực móc các sản phẩm chuẩn bị cho lần trưng bày sắp tới về xúc tiến thương mại do Sở Công thương tổ chức. Tôi mong có thể truyền dạy công việc này cho một số người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng do nhà cửa nhỏ hẹp, vốn không có nên chưa thể thực hiện.

Hiện tại, chị Phương cũng đang dạy 2 cháu bé học móc khăn, túi xách đến nay cũng bắt đầu làm được một số sản phẩm nhỏ, gia đình các cháu rất hài lòng. Chia tay chị Phương, chúng tôi chúc cho chị luôn mạnh khỏe, tạo nhiều sản phẩm thủ công hơn nữa, góp phần nâng cao thu nhập, mong cho ước mơ về đào tạo nghề của chị sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất. Tạm biệt chị, chúng tôi cảm phục nghị lực sống tài năng của người phụ nữ nhỏ bé, đã chiến thắng nỗi đau, sống có ích và làm đẹp cho đời.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...