Thứ hai, 20/05/2024, 05:56 [GMT+7]

Phụ nữ Sin Páo Chải học chữ “cần” của Bác

Thứ hai, 04/07/2011 - 10:24'
(BLC) - Ở Sin Páo Chải, chúng tôi gặp những người phụ nữ mảnh mai, chân yếu tay mềm nhưng cần cù chịu khó, hay lam hay làm sớm chiều lên nương phát rẫy, làm giàu cho gia đình. Các chị là những tấm gương tiêu biểu đang hàng ngày học theo chữ “cần” của Bác.

Nhắc đến bản Sin Páo Chải (xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) là mọi người nghĩ ngay đến một bản văn hóa với những dãy nhà nằm xen kẽ nương ngô, đồi chè. Bản ấy giờ “hiện đại” lắm! Người dân Lai Châu thường trêu đùa thế trong những buổi uống rượu ngô bên nồi thắng cố ở chợ phiên.

Tìm đến bản Sin Páo Chải thì quả đúng thế thật. Nhà nào cũng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt: tivi, đầu đĩa, xe máy, máy xát ngô, thóc... Ở đây chúng tôi gặp những người phụ nữ mảnh mai, chân yếu tay mềm nhưng cần cù chịu khó. Các chị đang từng ngày học theo chữ “cần” của Bác.

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Huyến khi chị đang chăm sóc vườn chè trồng xen ngô. Bên cạnh hàng chè xanh ngăn ngắt là những cây ngô đã trổ bông, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Chị Huyến cho biết: “Vụ ngô tháng 3 vừa qua, thấy diện tích đất trống giữa các luống chè bị bỏ phí, tôi bèn xới đất tơi xốp rồi ủ phân, bón thúc để trồng ngô. Thấy cách làm này hiệu quả, nhiều gia đình gần nhà tôi cũng đã học theo để tận dụng đất trồng trọt”.

Trên diện tích 3.600m2, chị Huyến còn trồng một vườn kê, dự tính tháng 9 kê sẽ cho thu hoạch. Theo chị, kê là loại cây rất được ưa chuộng hiện nay để làm men nấu rượu Mông Kê – loại rượu đặc sản nổi tiếng trong vùng nên trồng cây kê sẽ không phải lo lắng về đầu ra. Thời gian tới chị dự định sẽ trồng thêm các loại cây ăn quả hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: nhãn, vải, mận, đào... Theo chị, bên cạnh chữ “kiệm”, thời bão giá mọi người còn nên học Bác chữ “cần” để tích lũy, làm giàu cho gia đình, cho xã hội.

Đến Sin Páo Chải, tôi được mọi người giới thiệu về gia đình chị Giàng Thị Dênh – người nấu rượu ngô ngon nức tiếng trong vùng. Mới bước vào gian bếp, chúng tôi đã cảm nhận được hương rượu ngô say nồng, ấm áp tỏa lan khắp phòng.

Chị Giàng Thị Dênh và đặc sản rượu ngô gia truyền.

Nhanh tay đảo chảo ngô lớn trong bếp, chị Dênh khoe: “Mỗi tuần nhà mình nấu 2 nồi rượu, trong nhà luôn có 80 lít rượu để bán cho bà con trong vùng. Khách ở xa đến cũng thường vào tận nhà mua. Còn bỗng rượu thì mình tận dụng để nấu cám cho 10 con lợn, 3 con trâu”.

Sau đó chị đưa chúng tôi đi thăm 3 kho ngô dự trữ để nấu rượu và chăn nuôi. Gia đình chị Dênh từ vợ, chồng đến các con đều học tập Bác, chăm lo làm nương, phát rẫy. Nương rẫy rộng lại hay lam hay làm nên ngoài 2,5 tấn thóc và số ngô dự trữ, mỗi năm chị còn bán ra thị trường 2 tấn ngô, 1 tấn thóc. Riêng ruộng lúa nước, chị dành để trồng lúa nếp, phục vụ cho nhu cầu gia đình mỗi dịp lễ, tết. Thời gian rảnh rỗi trong ngày, chị Dênh còn tranh thủ hái ngọn susu, rau bí mang ra chợ bán, mỗi tuần cũng được khoảng 100 nghìn đồng để cuối tuần chị có thể xuống chợ phiên mua thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình.

Hay như chị Phạm Thị Phương (giáo viên Trường Mầm non Nậm Loỏng) tranh thủ tăng gia sau giờ làm việc và trong dịp nghỉ hè. Theo chị, học chữ “cần” của Bác không chỉ là cần cù, chịu khó mà còn phải học hỏi, sáng tạo, tìm ra những cách làm mới hiệu quả hơn.

Ngoài giờ làm việc, cô giáo Phạm Thị Phương còn tranh thủ tăng gia.

Những năm trước, trên diện tích 2000m2 của gia đình, chị trồng một vườn chuối song do mưa nhiều, chuối bị úng gốc nên chết hết. Không nản lòng, chị chuyển sang trồng su su. Chị tâm sự: “Tôi thấy cây su su rất hợp với khí hậu địa phương, song bà con ở đây thường trồng su su cho cây leo lên giàn hoặc bờ rào nên thu hoạch không cao. Rút kinh nghiệm, tôi cải tạo lại đất rồi chia luống, trồng và cắm cọc cho cây susu leo như ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Đất không phụ công người, chỉ sau vài tháng cây su su đã leo giàn xanh tốt, người buôn rau đến tận nhà mua ngọn”.

Những luống gừng, rau ngót, ớt trồng cạnh mỗi hàng su su cũng sắp đến mùa thu hoạch. Ngoài ra chị còn nuôi 2 con lợn nái. Lứa vừa rồi, lợn sinh được 15 con.

Học theo chữ “cần” của Bác, các chị mỗi người một cách làm giàu chính đáng đã phát huy khả năng của gia đình, dân tộc mình có để vươn lên như lời Bác Hồ từng dạy:Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...