Chủ nhật, 19/05/2024, 04:34 [GMT+7]

Phong trào “Người tốt - việc tốt” ở Trường THCS Đoàn Kết

Thứ hai, 13/11/2017 - 16:19'
(BLC) - Chú trọng phát động, triển khai thực hiện phong trào “Người tốt - việc tốt”, Trường THCS Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) đã có thêm phương pháp hữu ích rèn kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là đức tính thật thà, trung thực - “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”.

Giờ chào cờ đầu tuần thứ 2 của tháng 11 này đặc biệt, ý nghĩa hơn vì ngoài đánh giá tình hình học tập của học sinh có một nội dung quan trọng được cả trường mong đợi đó là phát phiếu khen cho 2 học sinh nhặt được của rơi nộp lại nhà trường. Đó là em Phan Thị Ngọc Hoa (lớp 9A1) và Tống Phương Uyên (lớp 6A1). Mặc dù phần quà chỉ mang tính chất động viên tinh thần nhưng bản thân các em được nhận phiếu khen cảm thấy hãnh diện, tự hào, đồng thời giáo dục, khích lệ các bạn trong trường noi gương để lan tỏa nhiều việc làm tốt.

Cô giáo Đặng Thị Nhài - Hiệu trưởng nhà trường tặng phiếu khen cho học sinh “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”.

Khi trò chuyện với Ngọc Hoa, tôi cảm phục và thêm trân trọng ngôi trường đã xây dựng được nền móng vững chắc không chỉ ở kiến thức mà còn có những học sinh không vì gia cảnh nghèo khó mà tham lam của rơi. Ngọc Hoa kể, bố mất năm em 2 tuổi và khi lên lớp 7 mẹ em cũng đột ngột qua đời. Anh trai em đã lớn và có thể tự lập, nhưng vì anh đi làm xa, 2 bác không yên tâm nên đưa em về nhà chăm sóc. 2 bác nay tuổi đã lớn và cũng chỉ trông vào lương hưu, việc chăm lo cho em rất vất vả. Khi được hỏi, cầm tờ tiền trị giá 100 nghìn đồng trên tay em có suy nghĩ là giữ lại cho riêng mình không? Không cần suy nghĩ, Ngọc Hoa nhanh nhảu: “Không đâu chị ạ. Mặc dù đây là lần đầu tiên nhặt được tiền và cũng có rất nhiều thứ phải mua phục vụ việc học tập nhưng em đã được các thầy cô và gia đình căn dặn và dạy dỗ muốn trở thành người tốt và sống có ích cho xã hội thì một trong những đức tính quan trọng đó là trung thực, thật thà. Vì vậy, em không hề có suy nghĩ lấy làm của riêng mà nhận thấy cần phải mang lên nộp cho cô Tổng phụ trách đội. Có lẽ lúc đó chủ nhân của số tiền em nhặt được cũng đang lo lắng đi tìm và chẳng có lí do gì mình không trả lại. Hôm nay được nhận phiếu khen khiến em rất xúc động vì việc tốt của mình được thầy cô và các bạn ghi nhận.

Theo lời cô giáo Trần Thị Thanh Thủy - Tổng phụ trách đội của nhà trường thì Hoa là học sinh gương mẫu, nỗ lực trong học tập (năm học 2016 - 2017 em còn là học sinh hệ đại trà nhưng đến năm học này đã thi đỗ vào lớp chất lượng cao). Vì hoàn cảnh khó khăn nên để giúp đỡ em có, nhà trường đã miễn giảm tiền học thêm và giúp đỡ em về sách giáo khoa (xin lại của các bạn khóa trên), đội trích quỹ mua vở viết tặng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, việc tuyên dương việc làm tốt của học sinh, cán bộ, giáo viên luôn được nhà trường quan tâm nhưng thiết thực hơn là năm học 2016 - 2017, nhà trường đã phát động phong trào “Người tốt -việc tốt”. Ngoài chỉ đạo và giao cho tổ chức đội theo dõi danh sách học sinh và địa chỉ để các em có thể tìm đến xin được giúp đỡ khi mình bị rơi đồ, nhà trường định hướng cách làm, hỗ trợ tư vấn về nội dung, xác nhận cũng như kinh phí in ấn phiếu khen; tổ chức trao thưởng hàng tuần, tuyên dương việc làm tốt. Theo đó, cô giáo Tổng phụ trách đội mở sổ ghi danh sách và tiếp nhận đồ vật, tiền do các em trao trả. Căn cứ vào giá trị của hiện vật: từ 50 nghìn đồng trở lên sẽ được 1 phiếu khen, dưới số đó được tuyên dương trước cờ. Với hiện vật nhận được, cô giáo Tổng phụ trách chịu trách nhiệm tìm chủ nhân để trao trả thông qua hình thức: thông báo trong giờ chào cờ; qua mạng Faceboook... Số tiền không tìm được chủ nhân, cuối năm kế toán nhà trường tổng hợp và nhập vào quỹ đội phục vụ hoạt động thuê trang phục cho học sinh biểu diễn văn nghệ, mua sổ sách đội. Năm học vừa qua, đã có hơn 1 triệu đồng nhập vào quỹ đội.

Khi lật giở quyển sổ ghi chép số học sinh, giáo viên nhà trường nhặt được của rơi mà cô giáo Thủy đưa ra, chúng tôi đếm sơ sơ cũng có đến hơn 60 cô giáo, học sinh nhà trường nhặt được đồ mang trả lại. Số tiền và hiện vật giá trị lớn có, bé có, thậm chí có những em nhặt được 3, 4 nghìn đồng cũng mang lên nộp. Điều này thật đáng trân trọng, thể hiện đức tính trung thực, không biến của rơi thành của mình đã trở thành ý thức tự giác trong mỗi việc làm của các em.

Cô Thủy tâm sự: “Khi thấy các em dù nhặt được đồ vật hay tiền trị giá chẳng đáng là bao nhưng lại mang lên để nộp tôi thật sự vui mừng và xúc động. Bởi những công sức mà thầy, cô giáo nỗ lực giáo dục, dạy bảo các em đã thực sự cho trái ngọt. Mỗi bạn học sinh một đức tính và không phải bạn nào cũng có ý thức tự giác, không tham lam của rơi. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh vô cùng quan trọng và đòi hỏi phải cả quá trình với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực. Và, phong trào “Người tốt - việc tốt” mà nhà trường đang duy trì thực hiện là một ví dụ điển hình cho “việc làm nhỏ - ý nghĩa lớn”.

Đánh giá về việc thực hiện phong trào, cô giáo Đặng Thị Nhài - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, với con số 50 học sinh, giáo viên (năm học 2016 - 2017) và 13 giáo viên, học sinh của năm học này trả lại của rơi khi nhặt được đã minh chứng rõ nét hiệu quả của phong trào. Có những em có khi cả năm không được tuyên dương về học tập nhưng một việc làm tốt này các em được phiếu khen mang về báo cáo bố mẹ chắc chắn là món quà không gì quý hơn. Nhà trường cũng đang tích cực chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường hơn nữa lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vào các giờ học chính khóa trên lớp để không chỉ giúp các em được là những trò giỏi mà luôn xứng đáng là “cháu ngoan Bác Hồ”.

“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Vậy mà ngay cả các em học sinh đang độ tuổi có thể coi là giai đoạn nhạy cảm nhất vẫn có thể làm không cớ gì chúng ta không thể đặt niềm tin trọn vẹn cho những lứa học trò được học tập dưới ngôi trường này luôn có tri thức tốt và nhân cách cao đẹp, trong sáng.

Hoàng Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...