Thứ hai, 20/05/2024, 05:12 [GMT+7]

Sùng A Giàng nhớ ơn Bác Hồ

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:55'
 (BLC) – “Nhờ có Đảng, Bác Hồ mà đất nước, đồng bào ta có được như ngày hôm nay, có dòng điện tỏa sáng bản làng, có nước về đầy ắp ruộng đồng, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, chúng ta đừng bao giờ quên… ”.  

Đó là lời bài hát do ông Sùng A Giàng ở bản Sang Sông Hồ, xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ) tự sáng tác để tỏ tấm lòng thành đối với những gì Bác Hồ, Đảng, Nhà nước đã mang lại cho ông và bà con trong xã.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Giàng vẫn rất chăm chỉ lao động. 

NGƯỜI BÍ THƯ CHI  BỘ NĂM XƯA

Bên chén trà nóng những ngày đầu xuân, chúng tôi được nghe ông kể về một thời “máu lửa” của mình. Ông sinh năm 1930, khi vừa tròn 21 tuổi, thực dân Pháp đánh vào Sìn Hồ, ông cùng 150 anh em trong xã tham gia Đội dân công mở đường ở xã Chăn Nưa (Sìn Hồ). Không sợ hy sinh, gian khổ, ông luôn dẫn đầu phong trào mở đường ở những địa hình nguy hiểm nhất. Tích cực trong lao động, lại thông thạo địa bàn ông được cấp trên tín nhiệm bầu làm Trung đội trưởng Đội dân công mở đường.

Cuối năm 1953 thực dân Pháp rút về chuẩn bị đánh chiếm Điện Biên Phủ, ông ở lại địa phương tham gia củng cố bộ máy chính quyền xã. Được trưng tập đi cải cách dân chủ 3 tháng, rồi tiếp tục đi học bổ túc văn hóa 8 tháng. Năm 1961, ông chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1963, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã, 1 năm sau ông trúng cử chức vụ Bí thư Chi bộ xã. Những năm đầu đời sống bà con trong xã còn khó khăn, làm thế nào để ổn định cuộc sống cho nhân dân? - một câu hỏi lớn không dễ trả lời. Ông nghĩ phải bắt đầu bằng những công việc cụ thể để người dân tận mắt nhìn thấy họ mới tin và làm theo chứ chỉ nói suông thôi thì không đủ. Trước hết ông vận động bà con phải định canh định cư để ổn định sản xuất, tích cực khai khẩn ruộng nương. Bản thân ông cùng gia đình ngày ngày chăm chỉ làm việc, sau gần 4 tháng gia đình ông khai hoang được gần 5.000m2 ruộng.

Ông đi tìm hiểu ở các địa phương trong tỉnh, làm thế nào để cây lúa cho năng suất cao. Khi gia đình ông thử nghiệm cấy 500m2 ruộng nước, bà con trong bản còn nghi ngờ vì nhiều đời nay chỉ biết trồng lúa ở trên nương chứ không ai biết làm lúa nước. Đến mùa thu hoạch, năng suất lúa ở ruộng nước gấp 2 lần lúa trồng trên nương bà con mới tin và làm theo. Các cánh đồng lúa: Nhiều Sáng, Tung Cu Phìn, Tả Sang, Seo Sông… dần được hình thành từ đó.

Không chỉ lúa nước mà biết bao mô hình cây, con giống mới được ông cùng cấp ủy, chính quyền xã thử nghiệm thành công rồi nhân rộng để bà con làm theo. Đời sống của đồng bào dần ổn định. Tình trạng người dân vào rừng đào củ mài, củ sắn về ăn thay cơm đã giảm hẳn.

Năm 1986, về nghỉ hưu song ông vẫn thường xuyên đến từng nhà động viên, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

TRIỆU PHÚ HÔM NAY

Ngôi nhà gỗ 3 gian lợp ngói prôximăng kiên cố với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như: ti - vi, xe máy, máy vi tính cùng nhiều phương tiện máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp là những gì mà ông Giàng đang có. Cùng với cấy lúa nước, trên các đồi nương được ông trồng thêm ngô, sắn, đậu tương phục vụ chăn nuôi. Xác định đỗ trọng là cây dược liệu quý hiếm, ông đã cùng gia đình lên rừng lấy giống về trồng quanh nhà. Đến nay, hơn 100 cây đỗ trọng đã được gần 10 năm tuổi cùng với hơn 1ha thảo quả mỗi năm cho thu từ 20 đến 30 triệu đồng. Trong chuồng trại của gia đình ông lúc nào cũng có 15 con lợn, 4 con trâu và trên 50 con gia cầm các loại. Bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng cứ có giống con, cây gì mới nhà nước đem về cho dân làng là ông lại tiên phong làm trước, không chỉ cho bản thân mình mà còn giúp người dân trong bản thấy được hiệu quả để làm theo. Gia đình ông có tới 4 thế hệ cùng sinh sống nhưng họ rất hòa thuận yêu thương nhau. Con cháu hiểu thảo với ông bà, cha mẹ.

Tạm biệt ông Sùng A Giàng, chúng tôi mang theo câu nói của ông: “Có được cuộc sống như hôm nay, tôi phải cảm ơn Cụ Hồ, Đảng và Nhà nước nhiều lắm. Nếu không có Bác, không có Đảng chỉ đường, dẫn lối thì không thể có sự đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này”.

 

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...