Thứ ba, 21/05/2024, 10:12 [GMT+7]

“Áo mới” Co Muông

Thứ hai, 20/02/2012 - 10:49'
(BLC) - Giờ đây, cùng với sự phát triển của đất nước, cuộc sống của nhân dân bản vùng biên Co Muông, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ đang đổi thay từng ngày. Niềm vui về cuộc sống ấm no đang sáng bừng lên nơi bản nhỏ. 

Có 48 hộ gia đình với gần 250 nhân khẩu, những năm trước đây dân bản Co Muông nghèo lắm. Chẳng nói đến chuyện được ăn ngon mặc đẹp, việc đủ ăn vào mùa giáp hạt đã là  nỗi lo của hầu hết những người chủ gia đình. Người dân của bản đã đi nhiều nơi, thấy cái lạ rằng, đất đai bản mình phì nhiêu lắm, trồng cây nào cây ấy xanh tươi, mà sao người Co Muông vẫn nghèo, vẫn đói. Chỉ đến khi chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế miền núi đến Co Muông, nhân dân trong bản mới hay: mình có đất, rộng đấy, tốt đấy nhưng chưa biết cách làm ăn.

CBCS Đồn Biên phòng Nậm Xe (huyện Phong Thổ) giúp dân bản Co Muông làm đất gieo cấy vụ đông xuân.

Được Nhà nước đầu tư giống cây trồng mới như: ngô lai, giống lúa tạp giao, khang dân, IR64 cho năng suất cao hơn hẳn so với giống cũ của địa phương và cùng với giống mới, cách thức sản xuất cũng được đổi mới. Giờ đây dân bản đã biết trồng cây lúa, cây ngô mà không cần phải đi xa, đốt rừng làm rẫy, cũng chẳng cần phải tra hạt như trước kia nữa. Nhân dân đã biết gắn bó với mảnh đất của mình, trồng xong vụ ngô này lại chăm bón cho đất thêm màu mỡ để gieo trồng vụ mới.

Khi lương thực đã đầy đủ, được sự hỗ trợ của Nhà nước, dân bản lại mạnh dạn phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Được cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Xe xuống tận bản, đến từng gia đình hướng dẫn kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, người dân bản Co Muông không còn để con lợn, con gà phải vào rừng quẩn quanh tìm cái ăn như trước. Đàn trâu, đàn ngựa bây giờ không còn bị thả rông mà được nuôi nhốt, chăm sóc từ cái ăn đến chỗ ngủ. Cầm tay chỉ việc, người dân dần thay đổi nhận thức và số lượng đàn gia súc trong bản tăng từng ngày.

Về với Co Muông hôm nay, chúng tôi cảm nhận được không khí hăng say lao động trong từng người dân và từng gia đình. Dẫu là sáng sớm khi sương lạnh còn giăng trùm khắp bản hay xế chiều khi mây mù đã kéo về che khuất cả lối đi, bàn chân người Co Muông vẫn nhớ phải tìm đường lên nương lên rẫy. Nhân dân trong bản bây giờ không còn phải lo đói khi giáp hạt. Nhờ trồng giống mới bằng cách thức sản xuất mới, sau mỗi vụ thu hoạch, cây ngô cho hạt đủ dùng. Cây lúa nước bà con trồng đã quen, chưa có nhiều để bán nhưng không còn cảnh phải ăn ngô, ăn sắn như trước đây nữa.

Đồng chí Lò Văn Chiến - Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Xe cho biết: Co Muông là điểm sáng về nghị lực vượt khó vươn lên của xã. Nhờ thay đổi nhận thức, từ một trong những bản nghèo nhất xã, nay bà con đã có cuộc sống đủ đầy. Nhiều gia đình đã biết cách làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình. Hiện nay bản Co Muông đã có đàn trâu 165 con, ngựa 48 con. Nhiều gia đình đã mua sắm được tiện nghi phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Toàn bản hiện nay có tới 40 chiếc xe máy, 46 chiếc tivi và 1 máy xay xát...

Ở bản Co Muông này, ai cũng biết, mấy năm trước đây cuộc sống của gia đình ông Vàng Văn Chiềng gặp nhiều khó khăn. Cả gia đình chẳng biết làm gì để đủ ăn, các con không được đến trường. Cái nghèo đói cứ quẩn quanh. Được sự giúp đỡ của Nhà nước, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Sau khi chăn nuôi thử nghiệm, thấy lợi nhuận kinh tế tăng, ông mạnh dạn vay thêm vốn xoá đói giảm nghèo, xây dựng chuồng trại làm ăn lớn hơn. Hiện nay ông đã có đàn trâu 4 con, 2 con ngựa và các loại gia súc, gia cầm khác.

Rời bản Co Muông khi mùa xuân đã khoác cho núi rừng và bản làng nơi đây một màu áo mới, xanh tươi và tràn đầy sức sống. Những nương ngô sắp cho thu hoạch ngút ngàn tầm mắt. Rồi nay mai khi con đường đang được thi công từ bản Màu đến khu vực giáp biên giới hoàn tất, bản Co Muông sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế.

Đức Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...