Thứ bảy, 04/05/2024, 03:45 [GMT+7]

'Không lấy tiền thuế của dân giải cứu doanh nghiệp'

Thứ hai, 06/08/2012 - 08:18'
Giải đáp lo ngại công ty mua bán nợ quốc gia quy mô 100.000 tỷ có thể sử dụng tiền ngân sách - thuế người dân, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định không có chuyện này.

>> Ngân hàng càng lớn càng nhiều nợ xấu

>> 'Kinh tế sẽ giảm phát nếu còn trì trệ'

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hôm 5/8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - một lần nữa khẳng định, sự ra đời của Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) không phải là phương án duy nhất để xử lý nợ xấu.

"100.000 tỷ đồng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập trước Quốc hội là con số ước lượng tổng nợ xấu, nhưng giải quyết nợ xấu có nhiều biện pháp, không nhất thiết chỉ có công ty mua bán xử lý nợ. Bằng chứng là công ty đó chưa lập nhưng nợ xấu đã từng bước được giải quyết", ông Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trước đó, nhiều ý kiến lo ngại về quy mô của AMC này khi phải cần tới vốn điều lệ lên tới 100.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng giải đáp những băn khoăn của dư luận về việc công ty AMC này có thể "ngốn" quá nhiều tiền ngân sách - tiền thuế của dân. “Tôi có thể khẳng định sẽ không có chuyện nhà nước lấy tiền ngân sách để cứu doanh nghiệp, cũng có nghĩa là không lấy tiền thuế của dân để lo cho một số doanh nghiệp như dư luận băn khoăn”, Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Theo ông, không cần thiết phải cần tới toàn bộ số tiền đó để xử lý nợ xấu. Ông phân tích: "Ai làm kinh doanh cũng biết, nếu làm khéo thì số vốn ban đầu rất nhỏ cũng cũng thể giải quyết số nợ lớn hơn, hơn nữa ngay cái số vốn nhỏ đấy cũng không phải nhà nước bỏ ra hết còn có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác".

Về những lo ngại cho rằng nền kinh tế có thể sẽ rơi vào suy thoái kép, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng điều này không có khả năng xảy ra mặc dù ông thừa nhận nền kinh tế đang có rất nhiều khó khăn. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn vay, hàng tồn kho cao, đời sống của nhân dân chưa được cải thiện rõ rệt.

Mặc dù vậy, ông cho rằng cần phải tranh luận lại nếu nói rằng nền kinh tế đang suy thoái kép. “Nói chính xác là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại so với những năm trước đây và thấp hơn kế hoạch, chứ chưa phải suy thoái”, Bộ trưởng giải thích.

Bên cạnh đó, một vài ý kiến lo ngại kinh tế có nguy cơ giảm phát sau 2 tháng CPI liên tục tăng trưởng âm. Ông Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta cần thấy rằng chỉ số lạm phát của tất cả các nền kinh tế đang phát triển đều rất thấp, chỉ ở mức 2 – 3%. Trong khi đó, theo tính toán, CPI của Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn từ 6%-7%.

Đồng tình với ý kiến này, khi trao đổi với VnExpress.net, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung Ương cũng cho rằng quá sớm để nói nền kinh tế rơi vào giảm phát. Theo ông, giảm phát là tình trạng mà sự suy giảm của giá cả kéo dài từ 4, 5 tháng hoặc lan sang hai quý liền trong khi Việt Nam mới có 2 tháng liên tiếp CPI tăng trưởng âm. Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành cảnh báo, nếu nền kinh tế tiếp tục trì trệ, nợ xấu chưa được giải quyết thì nguy cơ giảm phát cũng cần được tính đến.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...