Thứ tư, 08/05/2024, 22:16 [GMT+7]

Không để “cái khó, bó cái khôn”

Thứ bảy, 27/04/2024 - 14:04'
(BLC) - Những năm qua, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp cho không ít hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng, người không có việc làm được vay hỗ trợ vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ổn định. Thông qua chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đã giải quyết được bài toán thiếu vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Không để “cái khó, bó cái khôn”, tiếp cận vốn vay của nhiều lao động đã thực hiện khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp.

Theo ông Trần Đình Tiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố Lai Châu, chính sách tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Thực hiện cơ chế ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ chức chính trị, xã hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quản lý và bảo toàn nguồn vốn, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia phong trào phát triển kinh tế. Tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có hơn 2 nghìn lượt người được vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, nâng tổng dư nợ lên trên 141 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, nguồn vốn này đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 191 người, tổng doanh số cho vay gần 17 tỷ đồng.

Cán bộ NHCSXH và đại diện các tổ tín dụng xã San Thàng thăm mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Đoàn Thị Huệ - bản Mới (xã San Thàng, tỉnh Lai Châu).

Thực tế cho thấy, sử dụng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp không ít người lao động đang vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ gia đình chị Đoàn Thị Huệ - bản Mới (xã San Thàng, tỉnh Lai Châu) vì thiếu vốn nên bao năm gia đình chị phải “tha hương lập nghiệp”. Đến năm 2019, gia đình chị được vay 80 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, 20 triệu đồng vay từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chị Huệ quyết định đầu tư chăn nuôi lợn thương phẩm, toàn bộ vốn liếng giải quyết việc làm được mua giống, vật tư thú y, chuồng trại và công nghệ chăn nuôi sinh học. Nuôi lợn nái để tái đàn tại chỗ, chú trọng công tác thú y nên đàn lợn của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt. Tính riêng năm 2023, gia đình chị đã xuất chuồng 10 tấn lợn hơi, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.

Ở bản Mới (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) còn có anh Hoàng Ngọc Minh, nhờ được vay 80 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm, anh đã đầu tư mở rộng vườn hoa lan để phát triển kinh tế. Nhờ chăm sóc tốt và bán hoa lan ra các thị trường trong nước, trung bình mỗi năm anh lãi 70 triệu đồng. Vốn vay với lãi suất ưu đãi, không chỉ giúp anh thỏa mãn đam mê sinh vật cảnh còn tạo nguồn lực để gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.

 Anh Hoàng Ngọc Minh -  bản Mới (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) sử dụng vốn vay NHCSXH mở rộng quy mô trồng hoa lan.

Vốn vay ưu đãi đã thắp lên khát vọng làm giàu, đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó đồng thời đánh thức tiềm năng kinh tế của không ít vùng quê. Trao đổi với bà Phí Thị Nhuần - Phó Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Tín dụng (Ngân hàng CSXH tỉnh), chúng tôi được biết: "Thời gian qua trên địa bàn thành phố còn nhiều mô hình trồng chè, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, chăn nuôi trâu, bò, ngựa, chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt và sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất nhờ nguồn vốn đầu tư từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm". 

Sùng Phài là xã có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, sản xuất, kinh doanh chè. Nhưng thiếu vốn đầu tư “cái khó bó cái khôn” nên tiềm năng cũng đành bỏ ngỏ. Sau khi triển khai chương trình cho vay vùng Dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… đã có hơn 600 hộ trên địa bàn xã được giải ngân, tổng dư nợ hơn 33 tỷ đồng. Các hộ đã đầu tư đồng loạt, tạo thành phong trào chăn nuôi trâu, bò, dê và mở rộng diện tích, chăm sóc chè để phát triển kinh tế. Trao đổi với ông Liều A Tỉnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sùng Phài, chúng tôi được biết, sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều hộ đã trở thành điển hình, sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Sau một thời gian triển khai, vốn vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn thành phố Lai Châu đã phát huy hiệu quả. Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng thời gian tới cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi và phát huy vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...