Thứ tư, 01/05/2024, 12:21 [GMT+7]

Bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động phi nông nghiệp

Thứ hai, 14/11/2011 - 10:58'
(BLC) – Giải pháp thì đã có song để thực hiện được mục tiêu, thị xã vẫn còn một số hạn chế như: tốc độ, chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, cơ cấu ngành nghề chưa thực sự thu hút được số đông lao động; thị trường lao động phát triển chậm...

Xã Nậm Loỏng (thị xã Lai Châu) có trên 84% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đa số phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi, để chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp là điều vô cùng khó khăn. 

Tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là một trong những chỉ tiêu xây dựng thị xã Lai Châu trở thành đô thị loại 3 (năm 2013) và lên thành phố (năm 2015). Thị xã Lai Châu đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn; định hướng phát triển kinh tế cho nông dân khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp… Song lao động phi nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ thấp và chưa ổn định.

Theo kết quả điều tra, khảo sát gần đây nhất của thị xã Lai Châu, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của thị xã đạt gần 60%/tổng số lao động (trên 15.000 lao động). Trong đó gần 6.000 lao động chưa có việc làm hoặc đã có việc làm nhưng thu nhập thấp và không ổn định. Kết quả điều tra cho thấy trình độ chuyên môn và tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 40% tổng số lao động.


Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu trên 75%, thị xã Lai Châu đã có nhiều biện pháp thiết thực từ quy hoạch phát triển ngành nghề, đào tạo lao động; thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh.

Cùng với đó, thị xã chú trọng phát triển ngành nghề có thế mạnh như: chế biến nông sản, thực phẩm, nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch; quy hoạch lại các điểm chợ… thu hút lượng lớn lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn vào làm việc. Bên cạnh đó, về nông nghiệp sẽ tập trung phát triển mô hình trang trại, nông sản chất lượng cao như: trồng hoa, cây cảnh; trồng và chế biến chè; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.

Theo đánh giá của ông Trần Đỗ Công - Trưởng Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội thị xã thì phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp sẽ có nhiều khả năng nâng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp vào năm 2015 trên 75%, bởi lĩnh vực này sẽ cần rất nhiều nhân công lao động.

Giải pháp thì đã có song để thực hiện được mục tiêu, thị xã vẫn còn một số hạn chế như: tốc độ, chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, cơ cấu ngành nghề chưa thực sự thu hút được số đông lao động; thị trường lao động phát triển chậm...

Trên địa bàn thị xã hiện có 3 cơ sở đào tạo nghề cho người lao động, song ngành nghề đào tạo còn ít, chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, sửa chữa ôtô, xe máy, dệt may... Vấn đề đặt ra là, nếu trên 6.000 lao động hoàn thành các lớp đào tạo nghề, liệu có bố trí được việc làm? Trong khi thị trường lao động của thị xã hiện nay còn đơn điệu các loại ngành nghề, nhất là các ngành nghề phi nông nghiệp. Hình thức phát triển kinh tế theo hướng phi nông nghiệp đã ít song lại chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp và không ổn định. Vì thế, lượng lao động phục vụ trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu lao động.

Nhằm mở rộng thị trường thương mại dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thời gian qua thị xã đã quy hoạch hàng loạt chợ tại địa bàn các xã, phường để thu hút lao động và tạo thuận lợi cho người dân mua bán trao đổi hàng hóa. Thế nhưng dù đã có chợ, người dân vẫn không muốn vào chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, điều đó đồng nghĩa với việc chủ trương này vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong cho biết: “Tân Phong có diện tích đất giải tỏa đền bù lớn, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp và đất chè. Do đó, khi phải làm quen với việc kinh doanh, buôn bán theo cách sống đô thị, người dân trăn trở không biết sẽ phải làm gì để có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập? Lo lắng của người dân cũng là băn khoăn của cấp ủy, chính quyền phường. Bản Tả Làn Than là một điển hình. Bản có nhiều diện tích đất chè, đất nông nghiệp thuộc diện giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh và phục vụ quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều nông dân thiếu đất sản xuất. Mặc dù người dân có vốn từ tiền đền bù, giải tỏa đất, song không ít gia đình vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để duy trì và phát triển đồng vốn. Đã thành thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ, thật khó để người nông dân chuyển đổi ngành nghề. 3 năm qua, nhiều hộ dân vẫn chưa tìm được ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế bền vững, đem lại nguồn thu ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình”.

Theo dự báo đến năm 2015, số người trong độ tuổi lao động của thị xã Lai Châu sẽ tăng lên khoảng 19.000 người, kéo theo tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động nông nghiệp và lao động chưa qua đào tạo sẽ tiếp tục tăng. Làm thể nào để chuyển đổi ngành nghề cho số lao động này sẽ là câu hỏi lớn đặt ra cho cấp ủy, chính quyền thị xã Lai Châu trong thời gian tới.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...