Thứ bảy, 04/05/2024, 03:45 [GMT+7]

Chỉ giảm giá xăng dầu khi doanh nghiệp có lãi'

Thứ hai, 25/07/2011 - 08:47'
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu chỉ có thể được tính tới sau khi Nhà nước khôi phục lại thuế nhập khẩu và doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu

Vấn đề điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được dự luận đặt ra sau khi giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục giữ ở mức dưới 100 USD một thùng trong khoảng hơn một tháng gần đây. Cùng với đó là việc Petrolimex - đơn vị chiếm đến 60% thị phần kinh doanh xăng dầu cả nước - báo lãi tại bản cáo bạch cổ phần hóa trong khi liên tục “kêu” lỗ trước đó.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp tại phiên họp báo chiều 24/7. Ảnh: QĐ
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp tại phiên họp báo chiều 24/7. Ảnh: QĐ

Tuy nhiên, tại phiên Họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 24/7, đại diện Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu thế giới hiện đã giảm so với giai đoạn đầu năm 2011 nhưng vẫn chưa cho phép cơ quan quản lý và doanh nghiệp tính đến chuyện giảm giá bán lẻ trong nước ở thời điểm hiện tại.

Tại cáo bạch cổ phần hóa, Petrolimex lần lượt báo lãi gần 3.900 tỷ đồng trong 3 năm 2008 - 2010. Năm 2011, doanh nghiệp này cũng dự kiến lãi gần 600 tỷ đồng. Theo Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa, những con số này sẽ sớm được làm rõ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo về sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp.

Theo lý giải của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Nguyễn Tiến Thỏa tuy không còn bù lỗ cho xăng dầu theo tinh thần của Nghị định 84, nhưng trước sức ép tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã phải cho lùi thuế nhập khẩu về mức 0%. Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cho phép doanh nghiệp kinh doanh được sử dụng quỹ bình ổn ở mức cao (tới 1.650 đồng một lít xăng).

“Tuy giá dầu có giảm trong thời gian gần đây nhưng mức giảm này vẫn chưa cho phép doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận, kể cả mức lợi nhuận định mức 300 đồng một lít”, ông Thỏa cho biết.

Cũng có mặt tại phiên họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho rằng việc điều hành giá xăng dầu hiện được Bộ nhất quán thực hiện theo giá thị trường và hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Khi giá tăng thì Nhà nước lùi thuế, doanh nghiệp lùi lãi. Đến khi giảm thì trước hết phải khôi phục thuế, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh đảm bảo có lãi. Sau đó, nếu điều kiện cho phép, sẽ tiến hành giảm giá, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”, Thứ trưởng khẳng định.

Về việc chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng cao trở lại (1,17%) trong tháng 7, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng nguyên nhân chủ yếu là giá cả phẩm trong nước tăng cao, kéo theo khu vực ăn uống ngoài gia đình (2 nhóm này đóng góp tới 77% tốc độ tăng giá). Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân bên ngoài (giá thế giới tăng) lẫn việc giá cả đầu vào trong nước tăng cao, thiên tai dịch bệnh…

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa cũng xác nhận có chuyện thương lái nước ngoài thu gom thực phẩm, nhưng ông khẳng định hiện tượng này chỉ xảy ra trong những tháng đầu năm (mua 20.000 con lợn trong 3 tháng đầu năm) và nay cơ bản đã chấm dứt. Cũng theo ông Thỏa, tuy mặt bằng giá tăng cao nhưng người chăn nuôi đang đượchưởng lợi: “Nuôi một con lợn hiện lãi 2-3 triệu đồng”, Cục trưởng cho biết.

Trước các ý kiến cho rằng lạm phát năm nay khó có thể giữ ở mức 17%, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, do kinh tế trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, việc dự báo chính xác tốc độ tăng CPI vào cuối năm là rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ cố gắng điều hành để đạt mục tiêu đã công bố từ trước (15-17%).

Phiên họp báo chiều 24/7 là phiên cuối cùng của Chính phủ khóa XII, ít ngày trước khi Quốc hội thông qua nhân sự cấp cao khóa mới.

Về những lo ngại gián đoạn điều hành khi Chính phủ tiến hành chuyển giao nhân sự, Bộ trưởng Phúc khẳng định Thủ tướng và các Bộ trưởng sẽ tiếp tục điều hành đến khi Quốc hội phê duyệt và Chủ tịch nước có bổ nhiệm chính thức các vị trí mới: “Sẽ không có khoảng trống nào trong việc điều hành của Chính phủ”, Bộ trưởng khẳng định.

Về định hướng kinh tế từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ vẫn sẽ đặt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. “Chính sách tài khóa vẫn sẽ thắt chặt với mục tiêu giảm thâm hụt xuống dưới 5% GDP. Chính sách tiền tệ cũng sẽ không đặt vấn đề nới lỏng”, ông nói.

Theo vnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...