Thứ hai, 06/05/2024, 00:48 [GMT+7]

Dịch lợn tai xanh bùng phát tại huyện Tam Đường

Thứ tư, 02/05/2012 - 08:31'
(BLC) - Trong những ngày gần đây nhân dân các bản: Tân Bình, Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) hoang mang vì dịch lợn tai xanh xuất hiện tại địa bàn.

Được biết từ ngày 21/4 dịch bệnh bắt đầu phát hiện trên đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Duy Thâng (bản Tân Bình) nhưng đến ngày 27/4 cơ quan thú y mới lấy mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn đi xét nghiệm.

Ông Nguyễn Duy Thâng (áo xanh) kiến nghị mức hỗ trợ với lãnh đạo UBND huyện, Chi cục Thú y tỉnh.

Lợn chết hàng loạt

Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn, ông Thâng trầm ngâm: “Đàn lợn của gia đình tôi gần 100 con đang khỏe mạnh thì lăn đùng ra ốm và chết, chữa trị thế nào cũng không khỏi. Mấy tấn lợn coi như bỏ đi, sáng mai chính quyền và các cơ quan chức năng vào bắt đi tiêu hủy”.

Dẫn chúng tôi thăm đàn lợn ông Thâng cho biết: “Từ ngày 21/4, một số con lợn bỏ ăn, tôi đi mua thuốc về tiêm nhưng không khỏi. Đến ngày hôm sau thì lợn chết rải rác mỗi ngày vài con. Đến ngày 24/4 thì ông Hoàng Xuân Huề - Chủ tịch UBND xã cùng ông Đặng Xuân Luân – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện đến kiểm tra. Ông Luân chuẩn đoán là bệnh ghép viêm phổi và thương hàn. Gia đình tôi đã đi mua thuốc về tiêm cho lợn nhưng bệnh càng phát mạnh, chết nhiều hơn, ngày 22/4 chết 16 con, ngày 25/4 chết đến 22 con”.

Phun thuốc khử trùng các xe ra vào vùng dịch.

Không chỉ lợn nhà ông Thâng mắc bệnh mà trên đàn lợn một số gia đình khác như: Nguyễn Thị Đàn, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Thanh… đàn lợn cũng có những biểu hiện bệnh giống lợn nhà Thâng. Các gia đình đều tự đi mua thuốc về chữa nhưng lợn không khỏi.

Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Ngày 25/4, đàn lợn của gia đình tôi bỏ ăn, tôi đi mua thuốc về tiêm nhưng không khỏi. 22 con lợn đang chuẩn bị xuất chuồng cứ lăn đùng ra chết mỗi ngày vài con”. Theo thống kê từ khi xuất hiện dịch trên đàn lợn tại bản Tân Bình đến nay đã có gần 100 con lợn chết được người dân tiêu hủy, riêng nhà ông Thâng có đến 53 con, nhà bà Thanh có 6 con.

Tiêu hủy lợn.

Trao đổi với chúng tôi ông Hoàng Xuân Huề - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi dịch xảy ra, các gia đình không báo cáo lên xã, nhưng đến ngày 24/4 khi nghe tin, chúng tôi đã đến kiểm tra và báo cho Trạm Thú y huyện biết để xác định bệnh và có hướng điều trị giúp dân. Hôm đó cả tôi và anh Luân – Trạm trưởng Trạm Thú y vào kiểm tra, nhưng anh Luân xác định là lợn bị bệnh ghép viêm phổi và thương hàn”.

Lợn của dân chết hàng loạt có ngày đến hơn 20 con nhưng không hiểu lý do gì mà mãi đến chiều tối ngày 27/4 mẫu bệnh phẩm mới được Chi cục Thú y tỉnh lấy đem đi xét nghiệm.

Cơ quan chuyên môn thờ ơ

“Qua tìm hiểu hiểu triệu chứng trên đàn lợn tôi đoán có thể lợn của gia đình mình mắc bệnh tai xanh vì những con ốm có da, mắt ửng đỏ; những con chết tai chuyển màu đỏ tím và lợn chết rất nhanh. Nhưng ông Luân – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện sau khi kiểm tra lại chuẩn đoán là bệnh ghép viêm phổi và thương hàn. Người ta là cơ quan chuyên môn đã xác định như vậy thì mình phải tin chứ. Vì thế gia đình tôi tự đi mua thuốc về tiêm theo phác đồ bệnh thương hàn chứ biết là bệnh tai xanh thì tôi báo cáo chính quyền cho tiêu hủy ngay để tránh thiệt hại kinh tế cho gia đình” - Ông Thâng cho biết.

Chúng tôi hẹn gặp ông Đặng Xuân Luân – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện thì ông từ chối trả lời báo chí với lý do rất đơn giản “chưa có ý kiến của lãnh đạo huyện thì chúng tôi không thể cung cấp thông tin cho báo chí vì dịch mới xảy ra”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ngay sau khi dịch xảy ra cơ quan thú y huyện đã không vào cuộc, không báo cáo với lãnh đạo huyện cũng như Chi cục Thú y tỉnh để chỉ đạo lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Việc lợn chết hàng loạt và bất thường như vậy nhưng cơ quan thú y huyện không có giải pháp để xử lý. Chỉ đến khi lãnh đạo huyện biết chuyện thì mới được cơ quan thú y báo cáo là “nghi lợn mắc bệnh ghép viêm phổi và thương hàn”.

Trả lời chúng tôi tại buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, ông Luân khẳng định: “Lúc đầu chúng tôi nghi là bệnh ghép viêm phổi và thương hàn chứ bệnh tai xanh chưa bao giờ xuất hiện ở Lai Châu” (!?). Có lẽ ông Luân không biết triệu chứng hai loại bệnh này hoàn toàn khác nhau. Nhưng khi chúng tôi hỏi tại sao phát hiện bệnh từ ngày 24/4 mà Trạm không báo cáo với lãnh đạo huyện và Chi cục Thú y tỉnh, ông Luân không trả lời.

Khoanh vùng khống chế dịch

Ngay sau khi có kết quả (ngày 28/4) đàn lợn của gia đình ông Thâng bị mắc bệnh tai xanh, UBND huyện Tam Đường đã chỉ đạo các lực lượng thành lập các chốt tại các điểm ra vào các bản: Tân Bình, Hưng Bình để ngăn chặn người dân vận chuyển lợn từ vùng dịch ra ngoài. Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về dịch bệnh lợn tai xanh trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng đến các hộ tại 2 bản: Tân Bình và Hưng Bình thống kê đàn lợn. Tổ chức ký cam kết với người dân không vận chuyển, mua bán gia súc trong vùng dịch ra ngoài, khi phát hiện lợn chết phải báo cáo cho chính quyền địa phương; không bán lợn khi phát hiện ra lợn ốm…

Đối với đàn lợn gia đình ông Thâng và một số hộ khác, ngày 30/4 Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với UBND huyện Tam Đường, xã Bình Lư đã tổ chức tiêu hủy 77 con lợn với tổng trọng lượng là 3.068kg. Đồng thời tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại tất cả các chuồng lợn trong bản.

Thanh Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...