Chủ nhật, 05/05/2024, 23:54 [GMT+7]

Không để “Mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ bảy, 05/05/2012 - 17:36'
>>Dịch lợn tai xanh bùng phát tại huyện Tam Đường(BLC) - Để đối phó với bệnh lợn tai xanh đang diễn biến phức tạp, UBND thị xã Lai Châu đã có công văn chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn.

Là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa của tỉnh nên lượng hàng hóa, thực phẩm giao thương trên thị trường thị xã rất lớn mà chủ yếu là nhập từ bên ngoài vào. Thị xã lại là địa bàn giáp ranh với huyện Tam Đường vì vậy dịch lợn tai xanh có nhiều khả năng xâm nhập vào thị xã do quá trình vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Cán bộ Hội LHPN phường Tân Phong hướng dẫn chị Nguyễn Thị Duyên (tổ 21) cách nhận biết dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn.

Không để dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn, Trạm Thú y thị xã đã tăng cường công tác phòng chống dịch lợn tai xanh. “Một mình cơ quan thú y không thể phòng chống được dịch mà cần các cấp chính quyền, nhân dân cùng vào cuộc. Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo UBND thị xã có công văn chỉ đạo UBND các xã, phường các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc phòng chống dịch bệnh” ông Bùi Thế Chiểu – Trạm phó Trạm Thú y thị xã cho biết.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để phòng chống dịch lợn tai xanh, từ đầu tháng 4 đến nay Trạm Thú y thị xã đã tổ chức tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia súc nhất là các bệnh có nguy cơ ghép với bệnh tai xanh như thương hàn, viêm phổi, tụ huyết trùng… đồng thời tiến hành phun tiêu độc, khử trùng ở các hộ chăn nuôi.

Để người chăn nuôi nhận biết được dịch bệnh lợn tai xanh với các bệnh khác, Trạm Thú y thị xã đã biên soạn tờ rơi giới thiệu về triệu chứng bệnh lợn tai xanh và một số bệnh thông thường khác. Phối hợp với các xã phường tăng cường công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch lợn tai xanh. Đối với các hộ nuôi lợn nhiều Trạm cử cán bộ thường xuyên xuống kiểm tra, phát hiện những biểu hiện bất thường về dịch bệnh trên đàn lợn để có hướng xử lý. Đồng thời hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, chăm sóc đàn gia súc an toàn sinh học, tiêm phòng định kỳ tránh các loại bệnh cũng như bệnh tai xanh.

Xác định bệnh lợn tai xanh vào địa bàn thị xã chỉ có thể qua con đường vận chuyển, giết mổ gia súc, Trạm Thú y thị xã tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật vào địa bàn. Cơ quan thú y chỉ cho những xe vận chuyển gia súc ở những tỉnh không có dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng… vào địa bàn. Chỉ đạo cán bộ kiểm tra lâm sàng trên đàn gia súc cũng như hồ sơ vận chuyển, nếu đủ điều kiện thì mới cho nhập vào thị trường, nếu không sẽ trục xuất khỏi địa bàn. Đặc biệt, kiểm tra các xe chở lợn có đi qua địa bàn các tỉnh đang xảy ra dịch tai xanh như Lào Cai, Yên Bái.

Hiện nay trên địa bàn thị xã chưa có các lò mổ gia súc tập trung nên việc kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn. Nói về vấn đề này, ông Bùi Thế Chiểu cho biết: “Với 57 hộ giết mổ trên địa bàn được quản lý, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra đầu vào và đầu ra là thịt bán tại chợ, còn kiểm soát trong khi giết mổ là điều không thể. Đây cũng là khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Nếu như các hộ này nhập lợn ở các xã, huyện giáp ranh thị xã thì chúng tôi không thể kiểm tra được lợn bị bệnh hay không”.

Lợn mắc bệnh tai xanh thường có các biểu hiện: sốt cao, phát ban đỏ, tím tai, tím mõm, xuất huyết lấm tấm ngoài da hoặc lở loét da, mắt thâm quầng, sưng húp. Lợn bị bệnh thường nằm bẹp, thở dốc, sưng bộ phận sinh dục ở lợn đực và sẩy thai ở lợn cái, tiêu chảy ở lợn con, táo bón ở lợn trưởng thành…

Để đối phó với bệnh lợn tai xanh, UBND thị xã đã có công văn chỉ đạo UBND các xã phường thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn. Các đoàn thể, chính quyền bố trí lực lượng phối hợp với ngành thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến các trang trại, hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc… nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh, lợn chết do nghi bệnh tai xanh để xử lý kịp thời. Giao trách nhiệm giám sát dịch cho tổ dân phố, bản và thú y viên, khi phát hiện lợn chết nghi do bệnh tai xanh phải báo cáo chính quyền và cơ quan chuyên môn để xử lý. Tránh tư tưởng chủ quan trước diễn biến phức tạp của bệnh, hoặc giấu dịch. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lợn vào thị trường, không để dịch lợn tai xanh, lợn ốm xuất hiện trên địa bàn.

Thanh Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...