Chủ nhật, 05/05/2024, 17:45 [GMT+7]

Khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại: Nhiệm vụ cần kíp

Thứ ba, 08/03/2011 - 17:54'
(BLC) – Điều này đã được đồng chí Lò Văn Giàng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh trong chuyến kiểm tra công tác sản xuất đầu xuân tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè.

KHẮC PHỤC KHẨN CẤP

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 15/2 toàn tỉnh đã có 6.309 con gia súc bị chết, 590ha lúa gieo thẳng bị thiệt hại (chiếm hơn 70% diện tích) và hơn 21ha ngô, rau màu bị thiệt hại… Khẩn trương khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại là nhiệm vụ cần kíp nhất lúc này. Điều này đã được đồng chí Lò Văn Giàng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh trong chuyến kiểm tra công tác sản xuất đầu xuân tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè.

Nông dân huyện Phong Thổ che chắn chống rét cho mạ.

Đối với đàn gia súc, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ cho mỗi con gia súc bị chết 2 triệu đồng để bà con khôi phục đàn gia súc. Nhiệm vụ trước mắt là phải tìm mọi biện pháp dập tắt các dịch bệnh. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, sức khoẻ của con vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đây là điều kiện lý tưởng cho các loại dịch bệnh bùng phát như: bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng, hoặc các bệnh về hô hấp. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu những bệnh trên có thể nhanh chóng phát tán và lây lan thành dịch. Khi dịch đã bùng phát thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn và việc khắc phục cũng gặp phải những khó khăn không nhỏ.

Song song với việc chữa bệnh, phòng bệnh cho đàn vật nuôi là việc giữ ấm, giữ no cho con vật. Không nên thả rông gia súc mà nên nuôi nhốt trong chuồng kín gió, kết hợp việc tăng nhiệt cho con vật bằng việc đốt lửa sưởi, “mặc áo” cho trâu, bò, ngựa. Các phụ phẩm nông nghiệp như thân, rễ, củ, quả thừa của các loại cây ngũ cốc, rau củ đều có thể sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Tranh thủ thời gian nắng ấm đầu năm, người dân đã khẩn trương xuống đồng khắc phục hậu quả rét hại. Đến nay các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ gieo bù, cấy dặm cho những diện tích lúa đã cấy. Theo đó toàn tỉnh đã có khoảng 70% diện tích đã và đang được khắc phục.

Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại diện tích lúa do rét hại, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng đối với mỗi héc ta lúa bị chết từ 70% trở lên và 500 ngàn đồng với diện tích thiệt hại từ 30 đến dưới 70%; hỗ trợ 1,5 triệu đồng đối với lúa lai đã cấy chết trên 70% và 750 ngàn đồng với diện tích thiệt hại từ 30% đến dưới 70%. Ước tính toàn tỉnh sẽ cần khoảng hơn 50 tấn lúa giống, hiện nay các đơn vị phân phối giống khẳng định đảm bảo nguồn giống cho bà con. Lúc này đối với những diện tích cây trồng vẫn có thể sống được thì nhất định không được bón các loại phân bón lá, phân đạm mà nên bón các loại phân có chứa nhiều Kali (có thể bón tro hun vì Kali có nhiều trong tro) vì Kali có tác dụng kích thích rễ, củ cho cây trồng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có kế hoạch và đã tiến hành hỗ trợ giống cho nông dân để bà con chủ động gieo trồng kịp thời vụ.

Đối với thủy sản, nhanh chóng vớt bỏ cá chết, đưa nguồn nước ấm vào khu nuôi trồng, thả bèo, chắn gió, làm lồng trú ẩn cho cá và các loại thuỷ sản, thả bù giống khi thời tiết thuận lợi.

KỊP THỜI PHÒNG CHỐNG RÉT

Phòng hơn chống. Việc phòng rét hại sẽ đỡ tốn kém và phức tạp hơn nhiều so với việc khắc phục hậu quả. Nếu trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua người dân chủ động chuồng trại, bón phân hợp lý, dự trữ thức ăn cho cây trồng, vật nuôi thì hậu quả có lẽ đã không lớn như hiện nay. Hơn 6 nghìn con gia súc bị chết vì rét, vì bệnh tật có một phần lớn trách nhiệm thuộc về sự chủ quan và tập quán chăn thả phụ thuộc thiên nhiên của người dân.

Thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp, rét hại và rét hại tăng cường vẫn có nguy cơ xảy ra, ngành Nông nghiệp đã có phương án, kế hoạch đối phó. Tuy nhiên người dân vẫn phải là người chủ động nhất trong việc tìm các phương án chống, tránh rét cho cây trồng, vật nuôi.

Theo chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn việc khắc phục hậu quả rét hại cần tiến hành song song với việc phòng chống rét. Các cơ quan chuyên môn đã và đang tiến hành khẩn trương các biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống rét. Cũng không có điểm mới ngoài việc giữ ấm cho vật nuôi trong chuồng, giữ ấm cho mạ, trong khung nilon, giữ ấm cho lúa bằng cách đưa nước vào ngập 2/3 cây lúa, không bón phân bón lá hay phun thuốc trừ cỏ trong những ngày rét đậm, rét hại…

Trách nhiệm phòng chống, khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại là nhiệm vụ của toàn tỉnh nhưng vẫn phải nhấn mạnh rằng người nông dân vẫn có vai trò chủ đạo trong việc phòng, tránh, khắc phục hậu quả. Để một mùa mới bội thu, thắng lợi thiết nghĩ người nông dân không được phép có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà nên chủ động tìm mọi biện pháp để cây trồng, vật nuôi phát triển tốt trong và sau rét hại. 

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...