Chủ nhật, 05/05/2024, 20:22 [GMT+7]

Khổng Lào thoát nghèo từ phát triển chăn nuôi

Thứ năm, 16/08/2012 - 15:54'
(BLC) - Đời sống người dân không ngừng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Có được điều đó là nhờ cấp ủy, chính quyền xã Khổng Lào (Phong Thổ) đã tìm được lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo ở địa phương - phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều năm trước đây bà con xã Khổng Lào đã chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ, theo phương thức tự cung tự cấp, giá trị kinh tế từ chăn nuôi mang lại thấp. Trước thực trạng đó, cán bộ xã đã họp bàn, căn cứ trên tình hình thực tế địa phương nhiều đồi núi, diện tích đất nông nghiệp ít, trồng rau khó, giá rẻ, có nhiều ngô làm thức ăn trong chăn nuôi… và nhu cầu của thị trường cần nhiều thực phẩm, tuyên truyền vận động nhân dân đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Để bà con có vốn sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tín chấp giúp 140 hộ vay tổng số vốn 2.287.385.000 đồng. Tính đến tháng 6 năm 2012, tổng dư nợ toàn xã đạt 16.321.000.000 đồng.

Trung bình một năm trừ chi phí, chăn nuôi mang lại cho gia đình bà Pờ Thị Khỉn, ở bản Phai Cát 2 thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi.

Cùng với việc đứng ra tín chấp, cấp ủy địa phương cùng các tổ chức đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trong các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ. Vận động bà con đưa các giống mới vào sản xuất, chuyển chăn thả tự do sang nuôi nhốt, chủ động xây dựng, che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc khi trời rét đậm rét hại. Phối hợp với trường dạy nghề tỉnh mở lớp các lớp dạy nghề ngắn hạn đồng thời đẩy mạnh phong trào “hộ giàu giúp hộ nghèo” để nông dân có thể giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất, con giống, sức kéo; xây dựng và nhân rộng điển hình…

Với phương châm cầm tay chỉ việc, tích cực giám sát dịch bệnh nên nhiều năm liền trên địa bàn xã không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định. Hiện, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã là 10.573 con. Trong đó, đàn trâu 468 con, đàn dê 15 con, đàn lợn 1.605 con, gia cầm 8.482 con. 100% hộ gia đình trong xã thực hiện nuôi nhốt gia súc, gia cầm.

Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi từ hướng phát triển chăn nuôi như: ông Mào Văn Vọn (Bản Đớ), ông Lò Văn Phúc (bản Phai Cát 2), bà Lò Thị Thương (bản Co Muông)… mỗi năm trừ chi phí thu lãi 50 - 100 triệu đồng.

Bà Pờ Thị Khỉn, ở bản Phai Cát 2 – một trong những hộ thoát nghèo từ chăn nuôi cho biết: “Trước đây gia đình tôi sống chỉ dựa vào hơn 1.000m2 lúa và một số loại cây ngắn ngày. Vì thế, cuộc sống gia đình rất khó khăn, lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Đến đầu năm 2000, được cán bộ xã vận động phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá gia đình tôi mạnh dạn tham gia.

Lúc đầu tôi chăn nuôi lợn, gà về sau có lãi tôi đầu tư xây chuồng trại kiên cố, mở rộng quy mô, nuôi thêm trâu, bò, dê, vịt, ngan… vừa lấy sức kéo cho việc canh tác lúa, vừa cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng. Hiện nay, gia đình tôi có 2 con trâu, 30 con lợn thịt (50-70kg/con), trên 100 con gia cầm, 2 ao cá, 1 máy xay xát. Bình quân một năm trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Tôi đã nuôi 5 người con ăn học trưởng thành và sắm được nhiều tiện nghi phục vụ gia đình. Thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng chăn nuôi”.

Kinh tế phát triển bà con trong xã có điều kiện để lo cho con cháu ăn học, sắm sửa vật dụng gia đình, đầu tư tái sản xuất, tăng thêm thu nhập. Giờ đây, tỉ lệ huy động các cháu trong độ tuổi ra lớp của xã đạt 100%, lên lớp đạt 100%, 80% hộ gia đình có ti vi (do 2 bản chưa có điện), 98% gia đình có xe máy. Không những vậy, việc cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh (xã có gần 40 máy cày, bừa), các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cũng được duy trì và phát triển… Thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 54% (năm 2010) xuống còn 47% (tháng 6/năm 2012).

Nói về sự thay đổi của xã, ông Phùng Văn Nguyện – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, không cam chịu đói nghèo của tập thể cán bộ và nhân dân trong xã. Chúng tôi đã cùng bà con thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo thời gian “hướng đi” này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tạo nên sự chuyển biến tích cực cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần”.

Chăn nuôi gia súc gia cầm đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp các hộ dân trên địa bàn xã Khổng Lào thoát khỏi đói nghèo. Đây sẽ là nền tảng để nông dân trong xã phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...